"Heo đất" và nỗi mặc cảm của người nghèo

"Heo đất" và nỗi mặc cảm của người nghèo

(GD&TĐ) - Cuối năm học, nhận được thư mời của nhà trường về Ngày hội tổng kết nuôi heo đất Hội khuyến học tháng 5/2013 của Trường Mầm non Hoa Thiên Lý, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TPHCM tôi có chút chạnh lòng. Phụ huynh đến đa số không mang theo heo đất, chỉ đến để nghe ngóng rồi đón con. Tôi cũng ngỡ ngàng, cả hai lớp có 77 bé nhưng chỉ 10 phụ huynh đem theo heo đất. Sau khi nghe cô giáo thông tin về tình hình học tập, sử dụng các khoản thu chi là đến việc đập heo đất đếm tiền.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet
Nhiều phụ huynh lặng lẽ rời ghế vì một chút mặc cảm không có heo để đập sợ con, cháu mình buồn, chỉ một vài phụ huynh đem heo lên đập. Các bé được dồn lên tầng hai để phụ huynh đập heo. Cô giáo ghi sổ xem các bé tiết kiệm được bao nhiêu, nếu ủng hộ nhà trường thì ký tên, còn không mang về. Nhiều phụ huynh là cha, mẹ, ông bà của các bé không ai lại… nỡ mang tiền về. Các bé mới từ hai đến sáu tuổi thì làm sao biết đến tiền. Mặc dầu, ngày đầu năm học, nhà trường họp phụ huynh thông báo việc bỏ tiền tiết kiệm heo đất để tập cho các bé thói quen tiết kiệm. Nhưng thử hỏi các cháu chưa biết tờ tiền ra sao thì làm gì có ý thức bỏ tiền ống heo. Nhiều phụ huynh bằng mặt mà không bằng lòng chỉ thầm thì với nhau. Ai lại đem tiền về, lại đập công khai, đếm bé này tiết kiệm được bao nhiêu, bé kia tiết kiệm được bấy nhiêu. Kỳ quá. Phải đóng chứ mang về kỳ chết. Thà nhà trường kêu gọi đóng một khoản nào đó thì hay hơn không, ai lại người có người không… thiệt tình…
Xã Vĩnh Lộc A và B trên địa bàn huyện Bình Chánh là xã đang nông thôn hóa. Đa số bà con đến đây an cư lạc nghiệp đều là người nghèo. Chạy vay nợ nần kiếm chỗ an cư hầu hết là trên đất dự trữ nông nghiệp khó khăn trăm bề. Chưa kể nhiều nhà xây dựng trái phép bị đập bỏ đang sống trong cảnh thuê nhà chạy từng đồng tiết kiệm để trả nợ… Mỗi tháng gần một triệu đồng là cả gia đình phải bấm lưng buộc bụng để các bé đến trường vui chơi với chúng bạn để biết hát, múa, tập tành nói dăm ba chữ tiếng Anh… là vui rồi.
Dẫu biết rằng, sự vận động phụ huynh là tự nguyện nhưng phải xem xét khía cạnh xã hội trong tình hình kinh tế quá khó khăn như hiện nay. Việc vận động trẻ ý thức bỏ heo không nên ở trẻ trường mầm non, mẫu giáo mà ở tiểu học là hợp lý nhất.
Thiết nghĩ, từ việc đập heo đất như vừa diễn ra, các nhà làm giáo dục nên xem xét cách làm cho người nghèo khỏi mặc cảm.
Giáp Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.