"Giải mã" lũ lụt miền Trung?

"Giải mã" lũ lụt miền Trung?
Chặt phá rừng
Nhiều chuyên gia môi trường nhận định rằng, địa hình miền Trung có độ dốc lớn, phần lớn diện tích là đồi núi, nên khi bị chặt phá, rừng không còn giữ được nước.

Ngập lụt do đâu?

Mới đây, khi đề cập tình trạng lũ lụt ở miền Trung, ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã thẳng thắn nhận định rằng, thiệt hại nặng nề ở miền Trung vừa qua, một mặt do mưa lớn, một mặt do các công trình thủy điện, giao thông làm biến đổi dòng chảy tự nhiên, nên nước chậm thoát ra biển, gây lụt lội.

Theo ông Đàn, sau khi hình thành một số tuyến đường dọc theo khu vực miền núi của Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, việc thoát nước từ trên rừng xuống biển đã mất hẳn tính tự nhiên. Hiện nay, Quốc lộ 1A (nằm giữa vùng đồng bằng và biển) được nâng cao, một số đê cũng được nâng rất cao. Do đó, nước trên đại ngàn chảy xuống bị chặn lại và không kịp thoát ra biển.

Nhiều người dân ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đều cho hay, trước đây, chỉ những khi có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, mưa lớn kéo dài nhiều ngày mới gây ngập úng, còn mấy năm qua, chỉ cần một trận mưa lớn kéo dài dăm ba ngày là đã gây ra lũ lụt.

Người dân miền Trung đang phải gánh chịu những
Người dân miền Trung đang phải gánh chịu những đợt thiên tai nghiêm trọng

Từ những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, Liên hợp quốc đã từng đưa ra cảnh báo “nạn chặt phá rừng sẽ khiến các quốc gia châu Á phải đối chọi với vấn đề biến đổi khí hậu và nguy cơ lũ lụt, hạn hán”. Trên thực tế, theo số liệu thống kê chính thức do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, chỉ tính từ năm 1998 đến năm 2005 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 443.245 vụ vi phạm lâm luật, diện tích rừng bị phá và khai thác trái phép là 21.013 ha, diện tích rừng bị cháy là 58.704 ha, đưa tổng diện tích rừng bị mất trong khoảng thời gian này lên tới 79.717 ha. Từ năm 1998 đến năm 2009, bình quân mỗi năm, lực lượng kiểm lâm phát hiện, xử lý trên 42.500 vụ chặt phá rừng trái phép.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố ngày 9/8/2010, thì mật độ che phủ rừng của nước ta tính đến ngày 31/12/2009 mới đạt 39,1%. Các tỉnh miền Trung có mật độ che phủ rừng cao hơn mức bình quân cả nước, nhưng lại là khu vực có số vụ vi phạm lâm luật nhiều nhất.

Nhiều chuyên gia môi trường nhận định rằng, địa hình miền Trung có độ dốc lớn, phần lớn diện tích là đồi núi, nên khi bị chặt phá, rừng không còn giữ được nước, khi mưa xuống, nước chảy dốc thẳng theo triền núi tạo lũ quét dữ dội và tràn xuống đồng bằng. Trong khi đó, hệ thống sông ngòi, ao hồ là những kênh thoát nước ra biển và tích trữ nước điều hòa cho 4 mùa lại đang bị lấp dần. Hơn nữa, hầu hết các tuyến đường giao thông trên địa bàn đang ngày càng được nâng cao, nhưng lại không tính đến khả năng thoát nước khi mưa lớn.

Nguy cơ và giải pháp phòng chống

Vẫn theo ông Đàn, Đập hồ Kẻ Gỗ có dung tích 320 triệu m3 nước, làm từ năm 1976, do nằm trên độ cao 32 m so với mực nước biển, nên nếu bị vỡ, cả TP. Hà Tĩnh sẽ ngập trong biển nước... Còn đập Hố Hô,  nằm trên đất của Quảng Bình và huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), nếu  lở thì nguy cơ hàng ngàn hộ dân ở hàng chục xã của huyện Hương Khê và một phần của Quảng Bình sẽ trôi hết.

Bà Trần Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Phúc Trạch (huyện Hương Khê) cho biết, xã  nằm ngay dưới chân đập thủy điện Hố Hô, cứ mùa mưa đến là cả xã sống trong cảnh bất an, bởi nếu đập vỡ thì gần như cả xã sẽ bị lũ cuốn trôi. Đợt lũ lụt vừa rồi cả xã bị cô lập, nhiều nơi lại mất điện và thiếu phương tiện đi lại nên công tác kêu gọi, tuyên truyền nhân dân đối phó, tự bảo vệ mình vô cùng khó khăn.

Những các
"thích nghi với lũ" như thế này chỉ là biện pháp khắc phục trước mắt, thiếu bền vững

Bàn về giải pháp phòng chống lũ lụt cho miền Trung, ông Đàn cho rằng, Chính phủ cần có đợt tổng kiểm tra, rà soát lại quy hoạch hồ thủy điện và Quốc hội sẽ phải giám sát. Trong đó, phải xem xét lại giữa lợi ích của hồ đập khi tích nước phục vụ thuỷ điện, với việc an toàn cho người dân. Tiếp đến, cần thiết phải mở khẩu độ của tuyến đường Hồ Chí Minh đi dọc theo triền núi từ Thanh Hóa đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và dọc theo các tỉnh miền Trung, để làm cho dòng nước chảy được tự nhiên. Ở những vùng thường xuyên bị lũ lụt cần được đầu tư xây dựng các công trình chống lũ như kênh thoát nước.

TS Trần Xuân Bí, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An cho biết, hiện nay, ở Nghệ An có 11 công trình thủy điện đã và đang được thi công xây dựng với tổng công suất lắp máy đạt 749,5 MW. Việc xây dựng các công trình thủy điện luôn có những tác động đến môi trường, đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở cả hai phương diện: tích cực và tiêu cực.

“Chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn mà cần phải có giải pháp đối phó với thiên nhiên, giúp đồng bào miền Trung phòng chống lũ lụt, hạn hán. Sắp tới, chúng tôi sẽ cho triển khai đề tài nghiên cứu để đề xuất giải pháp với UBND tỉnh và Nhà nước”, ông Bí nói.

Trong khi chờ những giải pháp vĩ mô, trước mắt điều cần thiết nhất với người dân vùng lũ là thích ứng và có biện pháp ứng phios hiệu quả.

Tổ chức ActionAid (một tổ chức quốc tế chống đói nghèo có mặt tại hơn 40 quốc gia) đã đưa ra11 biện pháp giúp nhà nông ứng phó với lũ

11 biện pháp được ActionAid chỉ ra gồm:
Điều chỉnh hệ thống cây trồng; Điều chỉnh thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày; Áp dụng công nghệ, rút ngắn thời gian cây trồng ngoài đồng ruộng; Bố trí chăn nuôi lợn, gà làm sao cho thu hoạch trước ngày mưa lũ; Nuôi lợn, gia cầm trên các bè chuối và gác cao khi có lũ; Di cư trâu bò lên đồi; Làm gác trong nhà để chứa đồ, lương thực, thực phẩm cho người, thức ăn cho gia súc và nơi cư trú cho người trong lũ; Mỗi hộ có 1 thuyền để phục vụ di chuyển trong lũ; Di cư lên đồi phụ nữ, trẻ em, người già và dựng lều sống tạm; Dự trữ nước sạch để sử dụng trong đợt lũ; Bịt miệng giếng nước khi lũ về, để giữ nước sạch sử dụng sau lũ.

Phạm Đại - Hoàng Hảo(dautu)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ