"Gã khùng" và bí mật "vương quốc" sâm Ngọc Linh

"Gã khùng" và bí mật "vương quốc" sâm Ngọc Linh

(GD&TĐ) - Tôi lặng lẽ ngắm người đang ngồi trước mặt mình. Vóc người tầm thước; áo sơ mi bạc màu, quần tây “bình dân”; 2 chiếc điện thoại cũ mèm để trên bàn. Trông như một công chức lè phè - tôi thầm nhận xét. “Công chức lè phè” thong thả rót nước mời khách; ung dung ngồi “chịu đựng” ánh nhìn tò mò của tay nhà báo. Nếu không có vầng trán rộng, đôi mắt luôn nhìn thẳng vào người đối diện- thiện cảm và kiên nghị cùng lối trò chuyện bặt thiệp, chắc chắn tôi sẽ không tin đây chính là Trần Hoàn- ông chủ của “vương quốc” sâm Ngọc Linh…

1. Từ khi còn nhỏ, Trần Hoàn đã lăn lộn mưu sinh vào Nam, ra Bắc, lên Tây Nguyên. Dấu chân anh đã in khắp các nẻo rừng thiêng nước độc. Anh đã ăn, ngủ ở nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nằm vắt vẻo trên lưng núi, bìa rừng. Vì vậy, anh hiểu và gắn bó với rừng như với chính người em ruột của mình- và cũng là người cộng sự đắc lực. Anh sống chan hòa với bà con như với những người trong gia đình.

Người ta ít biết đến Trần Hoàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, nhưng lại có thể biết vô khối chuyện về doanh nhân Hoàn “con”. Tuy nhiên, có một chuyện mà người thạo tin đến mấy cũng không thể biết, ấy là từ những năm 1998-1999, Trần Hoàn đã bắt đầu thực hiện niềm đam mê của mình: cứu “thần dược” Sâm Ngọc Linh thoát khỏi “cửa tử”. Những ngày tháng lặn lội trên đỉnh Ngọc Linh đã giúp anh “định vị” được địa điểm có thể nuôi sâm; mối quan hệ gắn bó với bà con DTTS ở đây là “vành đai” bảo vệ hữu hiệu nhất, giúp anh tự tin hơn khi cụ thể hóa dự định của mình.

Bắt đầu những ngày tháng gian nan nhất. Anh và các cộng sự lặn lội tìm kiếm, thu mua lại sâm của người dân đào được rồi đem về rừng... trồng lại. Không thể kể hết những khó khăn mà mọi người đã vượt qua. Cũng không thể tả hết sự vui mừng khi cây sâm ra hoa, kết hạt và những chồi non mới nhú lên; sự xót xa khi củ sâm giống không sống nổi...

Trần Hoàn tại vườn sâm ở công ty
Trần Hoàn tại vườn sâm ở công ty

2. Năm 2006, một tờ báo đưa tin: một công ty trồng sâm ở Kon Tum đã được thành lập mang tên Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum. Cũng theo tờ báo này, đại diện Hội đồng quản trị công ty đã không giấu diếm “tham vọng” của mình: “Chúng tôi không muốn nhìn thấy sâm Ngọc Linh bị tuyệt diệt ngay ở ‘thủ đô’ sâm Kon Tum. Ước mơ cháy bỏng của chúng tôi là làm sao bảo tồn, phát triển cây sâm; xây dựng thương hiệu sâm Ngọc Linh - Kon Tum. Cũng coi như là cách để chúng tôi tri ân vùng đất đã cưu mang mình…”.

Giữa bộn bề công việc lớn nhỏ cần lo toan, giải quyết, mẩu tin ngắn ngủi dần chìm vào quên lãng - cho dù nó chứa đựng một ý nghĩa kinh tế, xã hội lớn lao. Người ta bị cuốn vào cuộc mưu sinh; những lo lắng thường nhật chiếm hết tâm trí, thời gian. Có chút rảnh rỗi thì còn lo tìm hiểu về giá cả, về thiên tai, về tình hình thế giới… chứ mấy ai quan tâm đến chuyện lên đỉnh Ngọc Linh trồng sâm; có chăng là họ chú ý đến giá sâm hiện nay bao nhiêu, sâm thật hay sâm giả?…

Như thế cũng hay - Trần Hoàn nghĩ vậy. Và “vương quốc” sâm của anh tiếp tục chìm hoàn toàn vào vòng bí mật, có thêm thời gian để định hình, để phát triển. Thời buổi sâm quý hơn… vàng, người ta đổ xô nhau đi săn lùng sâm, nếu đem vườn sâm ra “khoe” thì có khác gì “mời các bác xơi”. Dù bỏ tiền ra thuê mỗi người “ôm” một cây sâm cũng chắc gì đã giữ được? Biết im lặng là “bí kíp” để Trần Hoàn bảo vệ an toàn “đứa con” yêu quý của mình.

3. Nhưng rồi cũng đến lúc Trần Hoàn công bố cho bàn dân thiên hạ biết kết quả của mười mấy năm trời miệt mài, lặng lẽ làm “gã khùng”. Đây là một quyết định khó khăn đối với anh và các cộng sự, bởi lẽ công bố vườn sâm quý, đồng nghĩa với việc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác bảo vệ. Hơn thế, cảm giác như bị mất mát một điều gì yêu quý lắm. Nhưng không thể không công bố. Giữ lại làm của riêng là điều Trần Hoàn không nghĩ tới- dù đó đúng là của riêng anh.

Trần Hoàn lý giải cho quyết định của mình: Tôi cho rằng mình phải công bố để bảo vệ thương hiệu sâm Ngọc Linh trước vấn nạn sâm Ngọc Linh giả; để chứng minh rằng, sâm Ngọc Linh đã thoát khỏi sự tuyệt chủng và đang dần phát triển trở lại ở “thủ phủ” của mình; để bảo vệ uy tín của tỉnh trước dư luận cho rằng Kon Tum không bảo vệ được loài cây quý. Và hơn hết, tôi muốn kêu gọi mọi người, hãy bắt tay vào bảo vệ sâm Ngọc Linh bằng những việc làm cụ thể chứ không chỉ trông chờ vào người khác...

4. Chúng tôi bỏ xe lại ngoài đường, bắt đầu hành trình... cuốc bộ lên vườn sâm- nằm chót vót trên độ cao hơn 2.000 mét, thuộc xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông. Trong khoảng 4 tiếng đồng hồ leo núi, băng rừng, cánh nhà báo vẫn không ngớt bàn tán về vườn sâm “có một không hai” sắp được nhìn tận mắt...

Rồi cũng đến giây phút mọi người được thỏa mãn sự hiếu kỳ của mình, khi Trần Hoàn báo: Đến rồi! Mọi người ào tới, reo lên trong ngạc nhiên và bất ngờ, thích thú. Nếu không được nhìn thấy, được dạo bước giữa 2 luống sâm, được sờ lên lá sâm thì không thể tin được. Dưới tán rừng già là bạt ngàn sâm Ngọc Linh ở nhiều độ tuổi đang vươn lá xanh tươi. Vượt qua sự truy lùng, tận diệt, ngay trên đỉnh Ngọc Linh, một “vương quốc” sâm đang hiện diện, “sống” yên ổn bởi sự chăm sóc, nâng niu của “gã khùng”. Đúng là vô giá; cả với nghĩa về giá trị kinh tế và nghĩa về giá trị khoa học, xã hội. Sâm Ngọc Linh đã thoát khỏi “cửa tử” nhờ nỗ lực của một người hết lòng với sâm.

Vườn ươm sâm giống
Vườn ươm sâm giống

Theo tiết lộ của người quản lý “vương quốc”, tổng cộng có 140 ha sâm được trồng ở đây. Gọi là trồng nhưng thực chất cây sâm sinh trưởng và phát triển trong môi trường hoàn toàn tự nhiên. Ban đầu, củ sâm giống được trồng, chăm sóc, sau đó ra hoa, kết hạt; khi hạt rụng, cây con mọc lên. Sau này, khi đã nhiều rồi, công nhân sẽ gom hạt, gieo ươm sâm giống. Tuyệt đối không có sự can thiệp của “công nghệ” vào quá trình sinh trưởng của sâm. Như vậy, sâm ở đây vẫn giữ nguyên giá trị y, dược học của mình...

Để trồng sâm và giữ sâm, Trần Hoàn có một triết lý rất riêng: Muốn có sâm phải giữ được rừng. Bởi sâm là loại cây đặc hữu, đời sống của nó không thể tách rời khỏi rừng. Trong suốt hành trình gian nan đã qua, anh luôn biết kết hợp giữa việc giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên của rừng Ngọc Linh với việc trồng sâm dưới tán rừng già. Để làm tốt việc giữ rừng và trồng sâm, anh đã giúp đỡ, vận động hàng trăm người dân địa phương từ bỏ việc phá rừng làm rẫy mà tự nguyện lên rừng để trồng và chăm sóc, canh giữ sâm Ngọc Linh như những công nhân thực thụ.

Tôi đi như mê giữa 2 luống sâm giống. Có cảm giác thật khó tả khi lá sâm non cọ vào chân. Nghe thiên hạ bàn tán, 1 cây sâm giống được bán với giá 55.000đ. Hiện nay, vườn sâm của Trần Hoàn có thể cung cấp được 1 triệu cây sâm giống, đủ trồng khoảng 20 ha. Chỉ tính tiền giống cũng đã hàng mấy chục tỷ đồng rồi. Chưa kể... Mà thôi, làm sao có thể đo đếm hết công sức, tâm huyết mà “gã khùng” đã bỏ ra cho “vương quốc” sâm của mình.

Ấy vậy mà anh còn buông gọn một câu: Tôi sẵn sàng cấp không giống cho người dân trồng. Ước mơ của tôi không chỉ dừng lại ở vườn sâm này. Tôi mong muốn sâm Ngọc Linh phải trở thành một thương hiệu quốc gia- vốn dĩ nó rất xứng đáng, và nằm trong danh sách những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

“Tôi đang có kế hoạch mở rộng vườn sâm, không phải bằng cách đầu tư tiền bạc vào việc trồng sâm mà bằng việc hỗ trợ người dân 6 xã ở huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei trồng sâm Ngọc Linh, xóa đói giảm nghèo và trở thành giàu có. Còn cách làm như thế nào thì xin hãy chờ thêm một thời gian nữa...” - Trần Hoàn hứa hẹn. 

Lê Hải- Văn Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.