"Chốt" hồ sơ xét tuyển đợt 1: Dồi dào hồ sơ, tăng cao điểm chuẩn

"Chốt" hồ sơ xét tuyển đợt 1: Dồi dào hồ sơ, tăng cao điểm chuẩn

(GD&TĐ) - Ngày 10/9, các trường ĐH, CĐ chính thức “chốt” hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 1 và bắt đầu công bố điểm trúng tuyển. Đúng như dự đoán, với lượng thí sinh trên sàn dôi dư lớn, năm nay số hồ sơ nguyện vọng 2 thu về nhiều hơn mong đợi.

Tỷ lệ “chọi” khủng

Không chỉ trường công lập với số lượng tuyển hạn chế, ngay cả những trường dành đến hàng nghìn chỉ tiêu cho nguyện vọng 2 cũng phải cân nhắc mức điểm vì lượng hồ sơ thí sinh nộp vào cao hơn nhiều tổng chỉ tiêu.

Với 30 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 2 hệ ĐH nhưng con số 1.338 hồ sơ Học viện Ngân hàng nhận được có thể khiến thí sinh giật mình bởi để có cơ hội thứ 2 vào trường này, thí sinh phải vượt qua trên 40 người.

Để đủ điều kiện nộp hồ sơ nguyện vọng 2 vào ngành Y học cổ truyền của ĐH Y Hà Nội, thí sinh phải có mức điểm từ 25 trở lên; ngành Y tế công cộng, điểm xét tuyển là 22 điểm. Không nhiều thí sinh “trượt ĐH” có mức điểm cao như vậy, nhưng tính đến ngày 6/9, ĐH Y Hà Nội đã nhận được 196 hồ sơ (tổng chỉ tiêu 2 ngành là 70). 

Tính đến ngày 5/9 đã có gần 21 nghìn hồ sơ đăng ký xét tuyển dồn về Trường ĐH Sài Gòn. Như vậy, dù số chỉ tiêu nguyện vọng 2 không nhỏ (1.235) nhưng số hồ sơ đã cao gấp gần 20 lần chỉ tiêu.

Sơ bộ các trường có xét tuyển bổ sung, hầu hết lượng hồ sơ nhận được đều cao bất ngờ, gấp nhiều lần chỉ tiêu. Điều đáng nói là, lượng hồ sơ không quá chênh lệch giữa các ngành xét tuyển. Do đó, dù xét tuyển một vài ngành hay số ngành lên tới con số hàng chục thì lượng hồ sơ nhận được đều vượt quá chỉ tiêu. Đơn cử một trường ngoài công lập như ĐH Văn Lang, 18 ngành đào tạo của trường có tuyển thêm đều dồi dào hồ sơ. Tình hình khả quan nên trường này quyết định “chốt” điểm trúng tuyển sớm

c
Các trường phải công khai xét tuyển NV2

Điểm trúng tuyển cao

“Giai đoạn này, các thí sinh cần hết sức cẩn trọng với các chiêu lừa tuyển sinh. Ví dụ một số trường thông báo tuyển lớp dự nguồn tuyển sinh; gửi thông báo trúng tuyển cho thí sinh dưới điểm sàn – điều này hoàn toàn không được phép.

Việc một số trung tâm hay công ty đứng ra tuyển sinh cũng là bất hợp pháp. Đặc biệt, một số thí sinh nhận được lời mời qua trung gian nộp tiền để chạy trường. Thí sinh nên rất cẩn trọng với những điều này vì Bộ GD&ĐT sẽ kiên quyết không cấp bằng cho những trường hợp không có đầu vào”.

Ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH

Những năm trước, các chuyên gia thường khuyên thí sinh khi nộp hồ sơ nguyện vọng bổ sung nên có điểm cao hơn từ 1 - 2 điểm cho với điểm sàn xét tuyển. Lời khuyên này dường như không đúng với kỳ tuyển sinh năm nay.

Khác với thái độ nín thở chờ đợi đến phút cuối cùng để “vớt” hồ sơ của nhiều trường năm trước, năm nay một ĐH dân lập như ĐH Văn Lang lại trở thành một trong những trường công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng bổ sung sớm nhất. Hầu hết các ngành của trường, điểm trúng tuyển đều cao hơn điểm xét tuyển từ 1 - 3 điểm. 

Cũng công bố điểm trước hạn cuối nộp hồ sơ, đa số điểm trúng tuyển nguyện vọng 2 của Trường ĐH Cần Thơ đều tăng từ 3 - 5 điểm so với điểm sàn xét tuyển. Trong đó, cao nhất là ngành Kinh doanh thương mại bậc ĐH, điểm trúng tuyển lên tới 20 điểm với khối D1 và 19,5 điểm khối A, A1.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM năm nay chỉ xét tuyển bổ sung các ngành trình độ CĐ, điểm nhận hồ sơ khá khiêm tốn: 11 điểm các ngành. Thế nhưng, mức điểm trường mới công bố trưa 10/9 khá bất ngờ, dao động từ 16 - 17 điểm, cao hơn 5 đến 6 điểm so với sàn xét tuyển.

Tăng cường thanh, kiểm tra

Việc tuyển sinh của các trường năm nay khá thuận lợi, suôn sẻ, tuy nhiên, về phía Bộ GD&ĐT công tác thanh tra, kiểm tra vẫn được tăng cường. Trong đó, đối với xét tuyển, sẽ kiểm tra việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh; kiểm tra thông báo xét tuyển, thời gian xét tuyển; giám sát việc thu nhận hồ sơ dự tuyển và nhập điểm thi công khai theo quy định; kiểm tra việc xây dựng phương án xét tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển cũng như việc triệu tập thí sinh trúng tuyển đến trường; kiểm tra kết quả thi và hồ sơ trúng tuyển.

Ông Bùi Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) - cho biết: Nếu trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực hay tuyển vượt chỉ tiêu Bộ sẽ kiên quyết xử lý. Hình thức xử lý có thể là cắt giảm chỉ tiêu của trường vào năm sau, thậm chí cắt quyền tự xác định chỉ tiêu; đặc biệt, xem xét vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu nhà trường.

Thời hạn xét tuyển nguyện vọng 2 còn kéo dài đến 31/10, ông Tuấn lưu ý, các trường phải nghiêm túc thực hiện quy chế tuyển sinh, thực hiện đúng thời gian xét tuyển mỗi đợt 20 ngày; điểm nguyện vọng sau không được thấp hơn nguyện vọng trước; đồng thời phải công khai việc xét tuyển.

Hiện vẫn có nhiều thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển không hợp lệ. Lỗi thường gặp là sai mã ngành, đăng ký không đúng khối ngành xét tuyển. Thường những hồ sơ sai đều được nhà trường công khai trên trang web, thí sinh cần lưu ý theo dõi để tránh đánh mất cơ hội đáng tiếc.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.