(GD&TĐ) - Đê La Giang – Công trình trọng điểm số 1 trong công tác phòng chống lũ lụt của tỉnh Hà Tĩnh đang đứng trước nguy cơ sụt lún bởi nạn “cát tặc” hoành hành.
Sông La cứ “la”, cát chảy cứ chảy!
6 giờ 30 phút. Có mặt tại chân cầu Thọ Trường (nối giữa xã Trường Sơn – Thị trấn Đức Thọ, Hà Tĩnh), chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh gần 20 chiếc sà lan, trọng tải từ 70 đến 100 tấn đang cắm sâu những chiếc “vòi bạch tuộc” xuống đáy sông, hì hục hút cát. Tiếng máy rền khốc, sục sạo, bùn đất sùng sục. Dòng sông La trong xanh, mơ mộng nay bỗng trở nên đục ngầu… Cả khúc sông như một đại công trường.
Tại khu vực hợp lưu sông La với các xã: Đức Tùng – Đức Châu – Đức La, hàng chục sà lan đang thi nhau hút cát. Cứ sau vài giờ đồng hồ, những chiếc sà lan loại trăm tấn đầy ắp cát, tưởng chừng như sắp chìm, nổ máy quay đi.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn – Trưởng Công an xã Đức Quang cho biết, có hàng chục chiếc sà lan hút cát tại khúc sông này bất kể là ngày hay đêm. Tiếng máy móc ầm ầm làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân xung quanh. Tuy vậy bà con cũng đành cam chịu vì không thể làm gì được.
Một trong những công an viên của xã Đức Quang đang làm nhiệm vụ theo dõi, ngăn chặn việc khai thác cát trái phép trên sông La |
Nạn khai thác cát trái phép không chỉ xảy ra ở hai khúc sông trên mà còn ở hầu hết các xã của huyện Đức Thọ như: Liên Minh, Trường Sơn, Tùng Ảnh… Dường như con Sông La chảy qua địa phận xã nào là có nạn “cát tặc” ở đó. Ông Phan Tuấn Anh – Trưởng Công an xã Trường Sơn cho biết: “Mặc dù chưa được cấp phép khai thác khoáng sản nhưng tình trạng “cát tặc” lộng hành đã có từ nhiều năm về trước và nở rộ trong thời gian gần đây. Theo ông Anh, hiện trên địa bàn xã Trường Sơn có khoảng 24 hộ dân trong xã tham gia khai thác cát trái phép trên sông La. Tuy nhiên, để xóa sổ tình trạng này là điều hết sức nan giải, vì nhu cầu xây dựng các công trình trên địa phương ngày càng tăng, trong đó có cả một số công trình nhà nước.
Hoạt động khai thác trái phép đã khiến cho hai bên bờ sông La bị xói mòn, khoét sâu. Chưa có số liệu chính thức, nhưng theo ước tính, mỗi ngày có khoảng vài ngàn m3 cát bị “móc” khỏi lòng sông La, khiến cho dòng chảy bị biến dạng, xuất hiện nhiều hố sâu, dòng nước xoáy, là ẩn họa nguy hiểm đối với các phương tiện tàu thuyền lưu thông.
Đê La Giang là “tấm khiên” có nhiệm vụ bảo vệ cho hơn 20 vạn dân, 35.000 ha đất canh tác màu mỡ của các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Hồng Lĩnh, là công trình trọng điểm số 1 trong công tác phòng chống lũ lụt của tỉnh Hà Tĩnh đang đứng trước nguy cơ sụt lún. Hàng năm do bị biến dạng, đổi dòng sau các kỳ lũ lụt, Sông La “ngốn” hàng trăm ha diện tích đất canh tác dọc hai bên bờ. Chỉ tính riêng xã Trường Sơn, Sông La đã khoét sâu hàng chục điểm trên đất liền, tổng chiều dài lên đến vài km.
Đâm chìm xuồng, bắt giữ trái phép cả công an
Ông Đậu Ngọc Châu – Chủ tịch UBND xã Đức Vĩnh cho biết, các đối tượng khai thác cát hoạt động cả ngày lẫn đêm. Theo ông Châu, rất khó để xử lý vì xã thiếu lực lượng và phương tiện truy bắt. Bên cạnh đó, sà lan ở các địa phương khác kéo về đây hút cát, từ Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn (Nghệ An) đến Can Lộc, Hồng Lĩnh… khiến lực lượng của xã gặp khó khăn lớn trong vấn đề xử lý. Khi thấy thuyền của công an xã chuẩn bị xuất kích là chúng lại nổ máy cho sà lan chạy về phía bờ bên kia thuộc địa phận của huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).
Đại tá Nguyễn Xuân Chính – Trưởng Công an huyện Đức Thọ cho rằng: Nạn “cát tặc” đang trở thành vấn đề nhức nhối. Trong năm 2012, Công an huyện Đức Thọ đã xử lý hơn 100 trường hợp vi phạm. Từ đầu năm 2013 đến nay đã xử lý 45 trường hợp. UBND huyện Đức Thọ vừa thành lập đội cơ động 20 thành viên gồm lực lượng công an huyện, ban chỉ huy quân sự, Phòng TN & MT huyện do ông Trần Hữu Bé – Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách để xử lý các đối tượng, phương tiện khai thác cát trái phép trên sông La.
Ông Chính cho biết thêm: Cấp xã gặp khó khăn trong việc ngăn chặn “cát tặc” do thiếu phương tiện, công cụ hỗ trợ, trong lúc đó, vì lợi nhuận các đối tượng trên rất manh động, sẵn sàng chống trả mỗi lần bị truy đuổi. Hồi tháng 3/2012, “cát tặc” đã hành hung một công an viên của xã Đức Quang, sau đó ít ngày lại bắt giữ 3 công an viên của xã này khi đang làm nhiệm vụ. Chỉ đến khi xã lên loa phát thanh, yêu cầu thả người vô điều kiện thì 3 công an viên này mới được thả về. Cách đây chưa đầy một tháng, “cát tặc” dùng sà lan đâm chìm xuồng chở 6 chiến sĩ công an và đánh trọng thương trưởng Công an xã Đức Quang khi bị lực lượng này truy bắt.
Tại xã Liên Minh, trong một lần truy bắt “cát tặc”, một công an viên của xã đã bị các đối tượng trên dùng sà lan xô xuống sông. Rất may được bà con phát hiện kịp thời và đưa vào bờ an toàn.
Thiếu quy hoạch là nguyên nhân chính Ông Phạm Quang Thạnh – Trưởng phòng TN & MT huyện Đức Thọ cho biết: Năm 2011, đơn vị này đã làm văn bản đề xuất lên UBND tỉnh về việc khảo sát, đánh giá trữ lượng, phối hợp với việc nạo vét lòng sông để vừa đáp ứng nhu cầu cát xây dựng của người dân, vừa đảm bảo tính qui hoạch trong khai thác. Đề xuất trên đã được UBND tỉnh đồng ý. Tuy nhiên, tỉnh lại giao cho huyện tự lo kinh phí nên chủ trương trên đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Thiếu qui hoạch là nguyên nhân chính dẫn đến nạn “cát tặc” hoành hành hằng ngày trên sông La. Trong lúc cả huyện Đức Thọ chỉ có một điểm được cấp phép khai thác, mà nhu cầu xây dựng các công trình của nhà nước và người dân địa phương lại rất lớn. Để giải quyết bài toán cung - cầu ở đây cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh; còn phó mặc cho huyện như lâu nay thì mọi việc đâu lại hoàn đấy như cũ! |
Lê Dũng - Minh Thư