Quanh chuyện đề thi

GD&TĐ - Dư luận tuần qua bàn tán xung quanh chuyện đề thi vào lớp 10 ở Khánh Hòa và Quảng Ngãi.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Với đề thi Văn vào lớp 10 trường chuyên ở Khánh Hòa thì chỉ đơn thuần về mặt chuyên môn. Đề như sau: “Phương Tây có câu ngạn ngữ: “Nước sôi làm mềm khoai tây, nhưng lại làm cứng trứng”. Hoàn cảnh chẳng có lỗi, quan trọng rằng bản lĩnh nội tại của mình tới đâu” và đặt câu hỏi: “Nếu phải ở trong nước sôi, em sẽ chọn làm củ khoai tây hay quả trứng? Viết một bài văn nghị luận bày tỏ quan điểm của bản thân về vấn đề trên”.

Có ý kiến cho rằng, đây là một đề “mở”, rất hay, học sinh có đất để thể hiện quan điểm cá nhân, nó không rập khuôn như nhiều đề văn trước đây. Lại có ý kiến khác nói, đề quá phản cảm. Ai lại giả định kỳ lạ là “nếu em ở trong nước sôi” bao giờ.

Có thầy giáo dẫn chứng đề thi ông ra cho học sinh lớp ba mấy chục năm rồi ông vẫn cứ ám ảnh với nỗi ân hận khôn nguôi: “Gia đình em có 7 người, nếu chết 3 người, hỏi còn mấy người?”. Có muôn ngàn cách để “ví dụ” nên không việc gì phải lấy “nước sôi” hoặc “người chết trong gia đình em” để làm đề như thế.

Lỗi này đơn thuần là “kỹ thuật”. Còn lỗi ở đề thi vào 10 trường chuyên tỉnh Quảng Ngãi thì khác. Nhiều năm nay, sau mỗi kỳ thi vào lớp 10 Trường chuyên Lê Khiết, tỉnh Quảng Ngãi là râm ran câu chuyện “sao đề thi giống đề các thầy dạy cua ôn tập hoặc cho thi thử quá”.

Hai năm trước thì đề Toán, năm nay thì đề Tiếng Anh. Còn đề văn thì gần như năm nào cũng ì xèo vì “na ná như đề ôn tập phần “trọng tâm” của thầy/cô dạy cua” hoặc đã thi thử trước đó.

Trong cuộc sống, sự trùng hợp ngẫu nhiên là điều không tránh khỏi. Khó như đánh số Vietlott còn trúng huống là. Nhưng “năm nào cũng như năm nào” thì là bất thường mất rồi. Vì sao? Vì sở GD&ĐT đã “tin cậy” giao cho các thầy/cô đang dạy trường chuyên, những người luôn “đắt show” với các lớp dạy thêm, tham gia ra đề thi.

Như năm nay, khi vừa ra khỏi phòng thi, nhiều thí sinh không trúng tủ rất khó chịu khi bạn hồn nhiên khoe “trúng đề” môn Anh. Hai đoạn trong phần đọc hiểu giống gần như hoàn toàn về nội dung và thứ tự câu hỏi chiếm đến hai điểm.

Hai điểm ấy có thể không cao trong thang điểm 10, nhưng là rất quý giá trong cuộc cạnh tranh một chọi 3 của các học sinh giỏi. Các cô giáo phân bua, sự trùng hợp chỉ là “ngẫu nhiên”. Nhưng khi sự ngẫu nhiên lặp lại nhiều năm thì ngẫu nhiên ấy rất đáng ngờ.

Tại sao vừa dạy cua hàng trăm học trò vào trường chuyên lại vừa được sở cho tham gia ra đề? Dư luận cho rằng, có sự “ăn chia” gì trong này chăng? Câu hỏi nghi ngờ ấy không phải là không có cơ sở.

Đã ra đề thì không được dạy cua. Và ngược lại. Hoặc cũng có thể sở GD&ĐT đi đặt hàng cho các giáo viên tỉnh khác ra đề, hoặc tỉnh lập một ngân hàng đề thi như một số tỉnh, thành đã làm nhiều năm qua, để chọn đề ngẫu nhiên, giảm yếu tố sự can thiệp của con người. Chỉ có vậy mới không tái diễn cảnh vừa đá bóng lại vừa thổi còi như lâu nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: ITN

Cách cảm thụ một câu thơ hay

GD&TĐ - Nhà thơ sáng tạo nên câu thơ hay bằng cách nào? Người đọc cảm thụ câu thơ hay cần chú ý những phương diện sáng tạo nghệ thuật nào của nhà thơ?