“Quẳng smartphone đi và vui sống“

Tuy sống vào thời công nghệ chưa phát triển rầm rộ nhưng Dale Carnegie lại có ý tưởng rất hay giúp bạn quẳng smartphone đi và vui sống.

“Quẳng smartphone đi và vui sống“

Sử dụng smartphone rất tiện và đem lại nhiều lợi ích, tuy vậy nhiều người trong chúng ta sử dụng chúng không hiệu quả. Trong đó phải kể đến, những chuyện phiền muộn hay tiểu tiết trên thế giới ảo đáng lẽ nên xem nhẹ và bỏ qua, thì lại làm ta tiêu tốn thời gian vô giá.

Dale Carnegie (1888-1955) là tác giả, diễn giả nổi tiếng của Mỹ, tác giả các cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất mọi thời đại như Đắc Nhân Tâm, Quẳng gánh lo đi và vui sống. Vào thời của ông, công nghệ và Internet chưa được phát minh. Tuy vậy qua thời gian, những tư tưởng của ông vẫn không hề lạc hậu mà còn vẹn nguyên giá trị.

Ông đề xuất mọi người hãy gạt bỏ những điều vụn vặt trong cuộc sống, và ý tưởng này cũng có thể giúp bạn tập trung vào điều mình muốn khi sử dụng smartphone.

Câu chuyện 1: Thành bại của cây đại thụ

Có lần, mục sư Harry Emerson Fosdick kể câu chuyện rất hấp dẫn về sự thành bại của một cây đại thụ trong rừng.

Trên triền núi Long’s Peak ở Colorado, Mỹ, có một cây đại thu khô héo chỉ còn trơ lại phần gốc. Các nhà tự nhiên học cho hay, cái cây đã sống được hơn 400 năm. Năm 1942, khi Columbus đặt chân đến San Salvador, nó chỉ là một chồi non bé nhỏ. Đến năm 1620, khi những người Pilgrims định cư ở Plymouth, cái cây vào tuổi phát triển.

Cây cổ thụ này từng bị sét đánh 14 lần, đã trải qua vô số trận lở đất và bão tố nhưng vẫn hiên ngang trụ vững. Ấy vậy mà, cuối cùng nó lại chết vì một đàn bọ cánh cứng bé xíu. Những con vật bé nhỏ đã ăn xuyên qua lớp vỏ cây rồi từ từ và dai dẳng hủy hoại sức sống của cây.

Một gốc đại thụ không bị khuất phục qua thời gian, không đổ ngã trước sấm sét, bão tố, nhưng cuối cùng lại đầu hàng những con bọ nhỏ xíu mà người ta chỉ cần dí một đầu ngón tay là có thể nghiền nát.

Chẳng phải cuộc sống của chúng ta đôi khi cũng giống với cây đại thụ đó? Ta có thể dũng cảm đương đầu cam go, thử thách, thậm chí là những thảm họa khủng khiếp … nhưng lại để những thứ vụn vặt, những con bọ lo lắng bé nhỏ mà chỉ cần một đầu ngón tay là có thể tiêu diệt được làm cho bản thân khổ sở.

Quẳng smartphone đi và vui sống
Đừng "xoắn" bởi những điều vụn vặt mà nên dồn sức vào những gì quan trọng.

Câu chuyện 2: Đoàn tùy tùng của Đô đốc Richard Byrd

Đô đốc Richard Byrd là một phi công ưu tú, đồng thời là nhà thám hiểm địa cực. Trong cái lạnh buốt cóng và bóng tối thăm thẳm của đêm địa cực, Đô đốc Byrd phát hiện rằng đoàn tùy tùng của ông dễ nổi nóng về những chuyện nhỏ nhặt hơn là những điều hệ trọng.

Họ có thể chịu đựng nguy hiểm, gian khổ trong cái lạnh ít nhất là âm 30 độ C mà không than vãn lời nào. Nhưng, Byrd nói: “Tôi biết có những người cùng lều không thèm nói với nhau nửa lời chỉ vì người này nghi ngờ người kia đã để đồ đạc lần sang chỗ mình vài cen-ti-mét; và tôi còn biết có những người sẽ không thể nuốt trôi cơm nếu không tìm được một chỗ ngồi khuất xa những tín đồ Fletcherist kỳ cục, những người nhất định nhai đủ 28 lần rồi mới nuốt!”.

Ông kết luận: “Trong một chiếc lều ở địa cực, những thứ nhỏ nhặt như thế có thể khiến một người rất tôn trọng kỷ luật cũng nổi khùng lên”.

Câu chuyện 3: Rắc rối trên thế giới này xảy ra chủ yếu vì những điều nhỏ nhặt

Sau bao năm làm trong ngành luật ở Chicago, phân xử hơn 40.000 cuộc hôn nhân đổ vỡ, thẩm phán Joseph Sabath đã kết luận rằng: “Những bất hòa nhỏ nhặt là lý do chủ yếu gây ra bất hạnh trong hôn nhân”.

Tương tự, hơn một nửa án hình sự xuất phát từ những điều vụn vặt hay lý do không đâu. Có thể chỉ là thái độ chướng mắt ở quán rượu, tranh cãi trong gia đình, nhận xét xúc phạm, lời nói dè bỉu, hay hành động gai mắt hay thô lỗ, nhưng lại đưa đến những vụ xô xát gây hậu quả thương tâm.

Có câu: “Nhân chi sơ tính bản thiện.” Rất hiếm người chủ tâm làm điều sai trái, trừ khi thấy lòng tự trọng và thể diện của bản thân bị xúc phạm, mà chủ yếu cảm giác này lại phát sinh từ những điều nhỏ nhặt. Chính chúng đã gây ra một nửa số trường hợp bệnh tim trên thế giới.

Lời kết

Để có thể vượt qua nỗi bực dọc và không bị ảnh hưởng bởi điều vụn vặt, tất cả những gì mà bạn nên làm là thay đổi cách nhìn cũng như nhìn nhận sự việc dưới một góc độ mới, cởi mở, bao dung hơn.

Thường thì chỉ sau một tuần, một tháng hay lâu thì một năm, ta sẽ quên mất những điều nhỏ. Vì vậy, đừng gặm nhấm, bám riết lấy nỗi muộn phiền – cả trong thế giới thực lẫn thế giới ảo – mà nên xem nhẹ và bỏ qua.

Thời gian của mỗi người trên đời là hữu hạn. Vì thế, hãy dành nó để làm những việc hệ trọng, chăm lo cho những người thân yêu, theo đuổi khát khao, hoài bão của mình, bạn nhé.

Theo phunutoday

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ