Quảng Ninh đạt nhiều thành tựu phổ cập giáo dục xóa mù chữ

GD&TĐ - Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh hoàn thành các tiêu chuẩn, điều kiện bảo đảm phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 2.

Lớp học xóa mù chữ ở Quảng Ninh.
Lớp học xóa mù chữ ở Quảng Ninh.

Tiếp tục nâng cao chất lượng

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (Theo Quyết định số 1510/QĐ-BGDĐT ngày 29/5/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công nhận tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 năm 2022).

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, Quảng Ninh đã thực hiện tốt công tác chỉ đạo, quản lý, thực hiện xóa mù chữ.

UBND tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo phổ cập giáo dục xóa mù chữ (PCGDXMC) cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025; đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện để nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và PCGDXMC nói riêng.

Trong đó, 2 năm học liên tiếp 2021-2022 và 2022-2023, Quảng Ninh có chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tỉnh cũng đã quan tâm rà soát, dự báo nhu cầu đội ngũ giáo viên, nhân viên; xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhằm đảm bảo về cả số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ PCGDXMC.

Đồng thời, tỉnh ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất đối với các trường, trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm học tập cộng đồng vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo để đáp ứng nhu cầu người học và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ PCGDXMC. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa của cả tỉnh được nâng lên 92,1% và tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 89%.

Mặc dù đã đạt chuẩn xóa mù chữ nhưng ở một số xã, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn còn ở mức tối thiểu, thiếu tính bền vững.

Việc huy động người mù chữ ra lớp và duy trì sĩ số học viên gặp khó khăn, tỷ lệ học viên đi học chuyên cần tại một số lớp còn thấp.

Một bộ phận học viên sau khi hoàn thành chương trình xóa mù chữ do ít sử dụng nên đã tái mù chữ trở lại.

Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh vẫn còn một xã chưa đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà), số người mù chữ trong độ tuổi 15 đến 60 còn chiếm 0,78%, trong đó: Mức độ 1 còn 0,32% tương đương với 2.977 người, mức độ 2 còn 0,78% tương đương với .7289 người.

Hằng năm có từ 300-400 người tái mù chữ. Do đó khó khăn trong việc duy trì, nâng cao chất lượng xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt khu vực miền núi, dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Để giữ vững thành quả phổ cập giáo dục xóa mù chữ, các sở, ngành, địa phương liên quan đang tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục các cấp học; giữ vững và phát huy thành quả đạt chuẩn vững chắc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và xóa mù chữ; tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; tăng cường huy động học sinh, trẻ em 5 tuổi đến lớp; tiếp tục phát triển mạng lưới trường, lớp và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục…

Những thành tựu đáng ghi nhận ở huyện miền núi

Trong nhiều năm qua, với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, ngành Giáo dục, Trung tâm GDNN-GDTX, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn, huyện Bình Liêu đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác xóa mù chữ.

Một lớp xóa mù chữ ở huyện Bình Liêu.

Một lớp xóa mù chữ ở huyện Bình Liêu.

Theo báo cáo “Tổng kết các lớp học xóa mù chữ khóa 10 năm học 2022”, toàn huyện mở được 7 lớp với 126 học viên, trong đó số học viên duy trì đến cuối khóa và được các Trung tâm học tập cộng đồng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục xóa mù chữ là 114, đạt 90,4%.

Năm 2023, huyện Bình Liêu khai giảng 7 lớp xóa mù chữ với 147 học viên, thực hiện từ tháng 4/2023. Đến nay đã học được hơn 8 tháng, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 12/2023.

Ông Vi Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bình Liêu cho biết, mục tiêu đến năm 2025, huyện Bình Liêu phấn đấu tỷ lệ người biết chữ mức độ 2 trong độ tuổi từ 15 đến 60 đạt 96,5%, tăng 1,75% so với năm 2022 (ước tính cần xóa mù chữ thêm 390 người).

Sắp tới, huyện sẽ chú trọng nâng cao vai trò của các Trung tâm học tập cộng đồng và trưởng bản trong việc phối hợp, vận động người dân tham gia học xóa mù chữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ