Thầy giáo học thêm tiếng bản địa để dạy lớp xóa mù chữ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Thầy giáo Hoàng Văn Mười (31 tuổi) là người Tày, nhưng chủ động học thêm tiếng Sán Chỉ để dạy lớp xóa mù chữ ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh).

Thầy giáo Hoàng Văn Mười.
Thầy giáo Hoàng Văn Mười.

Đưa chữ lên bản cao

Tốt nghiệp chuyên ngành Tiểu học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội năm 2014, thầy Hoàng Văn Mười trở về quê ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) và nhận công tác tại Trường Tiểu học Đồng Tâm 4 năm.

Năm 2018, thầy Mười chuyển về Trường Tiểu học Hoành Mô và xin đi dạy lớp xóa mù chữ ở xã Đồng Tâm đến nay được hơn 2 năm.

Năm 2023, lớp xóa mù chữ xã Đồng Tâm được tổ chức tại nhà văn hóa thôn Ngàn Vàng Giữa. Đây là lớp học ở xã đặc biệt khó khăn của huyện, việc đi lại khó khăn, đường dốc quanh co.

Lớp học xóa mù chữ tại nhà văn hóa thôn Ngàn Vàng Giữa do thầy Mười đứng lớp khai giảng từ tháng 4/2023, với 23 học viên, học đều đặn từ 19h30 đến 21h30, từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.

Đặc biệt ở đây học viên đa dạng độ tuổi từ 35 đến 65, hầu hết là người Sán Chỉ, số ít còn lại là người Tày.

Quyết tâm mang “con chữ” lên với bà con bản nghèo thôn Ngàn Vàng Giữa, thầy giáo Mười chưa bao giờ nản lòng khi vượt qua hơn chục cây số đường rừng đến với lớp học.

Thầy Mười cho biết, lớp học đa phần học viên nhiều tuổi, do bản xa nên điều kiện giao tiếp với bên ngoài hạn chế hơn các thôn bản bên dưới rất nhiều. Người dân phát âm không chuẩn, tay cầm bút rất cứng nên thầy phải dạy rất chậm và tỉ mỉ.

Lớp học có cả người Sán Chỉ và người Tày với 2 ngôn ngữ khác nhau, văn hóa khác nhau nên thầy Mười đã chủ động tìm hiểu để dễ dàng chia sẻ cùng học viên cũng như đưa ra phương pháp dạy phù hợp nhất.

“Bản thân là người Tày nhưng để dạy chữ cho người Sán Chỉ, tôi đã chủ động học ngôn ngữ Sán Chỉ để giao tiếp và truyền tải một cách dễ hiểu nhất cho học viên. Việc lồng ghép ngôn ngữ địa phương với tiếng phổ thông có vai trò tích cực trong việc đồng hành giữa thầy và trò tại lớp học xóa mù chữ”, thầy Mười nói.

Theo thầy Mười, khi dạy từ mới, nhiều khi phải giải nghĩa bằng tiếng Sán Chỉ, xong lại tiếp tục nói lại bằng tiếng Tày, rồi mới dạy đọc chữ phổ thông.

Sau 8 tháng đa số học viên lớp xóa mù chữ thôn Ngàn Vàng Giữa đã đọc thông viết thạo, tính toán tốt trong phạm vi 3 chữ số.

Trong quá trình dạy, thầy Mười còn tổ chức các trò chơi để tạo không khí vui vẻ, qua đó có thêm cơ hội gần gũi trò chuyện cùng học viên, nắm bắt được hoàn cảnh gia đình từng người.

Vì là thôn bản vùng sâu vùng xa điều kiện kinh tế khó khăn, học viên chủ yếu là lao động chính trong gia đình, hàng ngày đi rừng, làm nương nên việc duy trì sĩ số khó khăn.

Thầy Mười thường xuyên kết hợp với trưởng bản đến gia đình học viên thăm hỏi, vận động tiếp tục đến lớp để học chữ.

“Tôi còn nhớ năm ngoái khi cầu bắc qua khe suối Vàng dẫn đến nhà văn hóa thôn chưa làm xong, có hôm đi dạy mưa to, trời tối đen, xe chết máy, tôi phải nhờ học viên xuống đưa đến lớp. Sự trông đợi của bà con thôn bản là động lực tôi đến với lớp xóa mù chữ mỗi ngày, bất kể mưa gió hay xa xôi”, thầy Mười chia sẻ.

Kiên trì giảng bài cho học viên

Học viên nhiều tuổi nhất lớp Lâm Thị Siến (65 tuổi) cho biết, thầy Mười rất kiên trì nhẫn nại, có bài dạy đi dạy lại nhiều lần đến khi học viên hiểu mới thôi.

Các học viên gồm người Tày và Sán Chỉ.

Các học viên gồm người Tày và Sán Chỉ.

“Từng này tuổi đi học nhiều khi cũng nản, nhưng được thầy Mười vận động nên tôi quyết tâm đến lớp. Đây là lần thứ 2 tôi đi học chữ với mong muốn học để biết đọc tên thuốc, biết ký tên, không phải điểm chỉ nữa”, bà Siến nói.

Vợ chồng anh Trần Văn Lò và chị Trần Thị Triều (cùng 46 tuổi) hàng ngày vẫn dẫn theo con gái lớp 5 cùng đến lớp xóa mù chữ.

Anh Lò cho biết, trước kia nhà xa, ngăn cách bởi con suối nên không được đi học, nay rủ vợ học chữ để ra chợ còn biết nhìn bảng giá và bắt xe đi huyện khác còn biết đọc xem đi đâu về đâu.

“Thầy Mười là con trai nhưng dạy rất chậm rãi, kiên trì từng chút một, dạy từng nét, cầm tay kèm từng chữ cho học viên. Có hôm đang học trời đột ngột mưa to, thương thầy chịu khó, học viên tìm áo mưa để thầy về trong đêm, sáng mai còn đi dạy ở trường”, anh Lò nói.

Ông Vi Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Bình Liêu cho biết, thầy Mười là giáo viên trẻ nhiệt tình, có trách nhiệm và chịu khó trong công tác giảng dạy tại các lớp xóa mù chữ.

Việc đa dạng văn hóa và ngôn ngữ tại các lớp học xóa mù chữ hầu như năm nào cũng có, đặc biệt khóa 9 năm 2021 có 3 dân tộc cùng học trong 1 lớp. Điều đó đòi hỏi giáo viên phải tích cực tìm hiểu, học hỏi thêm ngôn ngữ của học viên để đồng hành và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.