Lớp học xóa mù chữ ở bản Mông, Dao

GD&TĐ - Thời gian qua, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn luôn tích cực duy trì các lớp xóa mù chữ, góp phần nâng cao dân trí cho người dân tộc thiểu số.

Lớp học xóa mù chữ ở bản Mông, Dao.
Lớp học xóa mù chữ ở bản Mông, Dao.

Góp phần nâng cao dân trí cho đồng bào DTTS

Thôn Khuổi Bốc, xã Xuân La, huyện Pác Nặm là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông, Dao, với 67 hộ, 361 nhân khẩu. Đời sống bà con còn rất khó khăn, 100% là hộ nghèo. Hầu hết những người lớn tuổi trong thôn đều chưa biết chữ, trước đây thôn chưa có điểm trường, đường xá đi lại khó khăn, nên những lớp người lớn tuổi chưa được tiếp cận con chữ.

Với mục tiêu nâng cao dân trí trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, lớp học xoá mù chữ đã được tổ chức tại thôn Khuổi Bốc với gần 30 học viên.

Mặc dù bận rộn với công việc nương rẫy, đi rừng kiếm củi, hái măng nhưng hàng ngày, gần 30 học viên lớp xoá mù chữ ở thôn Khuổi Bốc đều có mặt đúng giờ, đông đủ để học chữ. Các học viên tham gia học lớp xoá mù chữ có nhiều lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, bà con đều có chung mong ước được biết chữ, biết thêm kiến thức để phát triển sản xuất kinh tế gia đình.

Hai vợ chồng chị Dương Thị Dậu và anh La Văn Nủ, sống tại thôn Khuổi Bốc xã Xuân La đều thuộc diện học viên xoá mù chữ, được tạo điều kiện đến lớp học. Dù việc học chữ khó khăn hơn nhiều so với cuốc nương, làm rẫy. Nhưng với mong muốn tiếp cận với con chữ, 2 vợ chồng anh, chị đã quyết tâm theo học.

Chị Dương Thị Dậu cho biết: Hồi nhỏ đều khó khăn, không được tới lớp, nên vợ chồng tôi đều chưa đi học lần nào. Hai vợ chồng không ai biết chữ, lại càng không biết tính toán, làm gì cũng khó khăn. Tôi rất vui vì lớp được mở tại bản. Có cơ hội đi học, hai vợ chồng bảo ban nhau trong cả quá trình học ở lớp và về nhà thì nhờ con hướng dẫn thêm. Đến nay, tôi cũng đã biết được cơ bản một số chữ cái, viết được tên và biết làm một số phép tính cơ bản”.

Tương tự như hoàn cảnh của anh Nủ, chị Dậu, chị Mùi Sênh Có cũng là học viên của lớp xoá mù chữ năm nay. Chị Có cho biết: Trước đây còn nhỏ, tôi được học đến lớp 2, ở thôn Nặm Nhả, xã Xuân La, huyện Pác Nặm nhưng do nhà quá khó khăn, bố mẹ bắt nghỉ học sớm, nên đến nay đã quên mặt chữ.

Với khao khát biết đọc, biết viết, biết cách tính toán nên khi được tuyên truyền về việc lớp học mở tại thôn, chị Có đã đăng ký theo học.

Các học viên dù ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng luôn cố gắng nỗ lực chăm chỉ tới lớp.

Các học viên dù ở nhiều độ tuổi khác nhau nhưng luôn cố gắng nỗ lực chăm chỉ tới lớp.

Nỗ lực đưa con chữ đến với học viên

Là người trực tiếp phụ trách giảng dạy tại lớp xoá mù chữ, cô giáo Hoàng Thị Niệm, giáo viên trường Tiểu học Xuân La, huyện Pác Nặm cho biết: Bà con ở đây đều là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người dân tộc Mông và Dao. Hoàn cảnh có nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao. Bà con chưa nói được tiếng Kinh, chủ yếu giao tiếp bằng tiếng dân tộc, bên cạnh đó nhiều người đã lớn tuổi nên quá trình học gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, khi được vận động đến lớp học, bà con ai cũng phấn khởi và có ý thức tốt trong quá trình học tập.

Cũng theo cô Niềm, tinh thần ham học hỏi của các học viên trong lớp xóa mù chữ chính là động lực để các thầy cô quên đi mọi vất vả. Không kể tuổi tác, khi đến lớp là các học viên chăm chú học hỏi.

"Được Ban giám hiệu giao trực tiếp phụ trách lớp xóa mù chữ tôi cũng luôn cố gắng giảng dạy, đưa con chữ đến cho các học viên, dành dụm hết thời gian để lên lớp giảng dạy sao cho đạt kết quả tốt nhất", cô Niềm cho biết

Không riêng ở thôn Khuổi Bốc, các lớp xóa mù chữ đã được ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Pác Nặm triển khai ở khắp các địa phương trong huyện. Nhờ sự tận tâm, nhiệt huyết của các thầy cô giáo, những đôi bàn tay chai sạn vốn chỉ quen cầm cày, cuốc, nay đã có thể cầm bút viết tên mình, hoặc ghi chép những câu văn, vần thơ, biết làm những phép tính cơ bản...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ