(GD&TĐ) - Liên tục thời gian quq, tại huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, xảy ra nhiều vụ rung chấn và nhiều tiếng nổ lớn chưa rõ nguyên nhân là động đất hay là gì?.
Để tìm hiểu nguyên nhân, Viện Địa chất Việt Nam đã cử và lập đoàn khảo sát vào thực địa tại huyện này để tìm ra nguyên nhân nhằm trấn an người dân huyện này. Sau gần một ngày khảo sát và lấy ý kiến của nhiều người dân. Cuối cùng đoàn khảo sát kết luận chỉ là động đất “nhẹ”.
Thủy điện Sông Tranh tích nước cộng hưởng với việc áp lực của đứt gãy núi đá nên mới tạo nên những vụ “động đất kích thích”. |
Những tiếng nổ như bom
Vào lúc 15 giờ chiều ngày 1/12, Tiến sĩ Trần Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Địa Chất, khẳng định tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam sau đợt khảo sát, cho biết những vụ rung chấn đó là do “đới đứt gãy hoạt động mạnh trong lòng địa chất kèm theo công trình thủy điện sông Tranh 2 ngăn dòng, tích nước lòng hồ là hai nguyên nhân chính gây ra động đất kích thích, lòng đất phát nổ làm rung chuyển mặt đất ở Quảng Nam trong thời gian qua”.
Sáng cùng ngày, từ trung tâm thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, người dân ai cũng bàn tán về chuyện rung chấn kỳ lạ trong thời gian qua. Có mặt tại nhà chị Nguyễn Thị Thọ (40 tuổi, trú thôn 5, xã Trà Giác, huyện Bắc Trà My - Quảng Nam), ngao ngán kể cho đoàn kiểm tra biết: “Liên tục thời gian gần đây, nhân dân trong vùng ai cũng nghe rất nhiều tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả nhà, giống như một đoàn tàu lửa chạy vụt qua vậy”. Chỉ tay lên những vết nứt trên tường, chị Thọ bần thần: “Những vết nứt của nhà tôi là do những lần rung chấn gây nên, từ nhà trên đến nhà dưới chỗ nào cũng có chỗ nứt hết. Sự việc này làm cho nhân dân chúng tôi hết sức hoang mang. Nguy hiểm hơn, nhiều người lợi dụng chuyện rung chấn, bỏ khu tái định cư vào rừng làm nương rẫy và sinh sống vì lo sợ!”.
Động đất "nhẹ", nhưng đã làm cho nhiều nhà cửa của người dân bị nứt dài từ nhà trên xuống nhà dưới |
Có mặt tại nhà ông Trần Xuân Bình (60 tuổi, trú tổ Đồng Bộ, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My), cho biết: “Trước khi thủy điện Sông Tranh II chưa tích nước thì ở đây chưa hề có chuyện xảy ra như vậy. Khi thủy điện tích nước thì mới xảy ra những vụ nổ như bom ấy. Nhưng theo tôi, nguyên nhân gây ra tiếng nổ mạnh như trên là do trong lòng đất của TĐST 2 có rất nhiều đá vôi. Khi thủy điện tích nước thì nước thấm vào những khối đá vôi này sẽ xảy ra hiện tượng phát nổ hàng loạt gây hiệu ứng dây chuyền (?).
Ông Bình nói tiếp: Vào năm 2007, lúc ấy tôi sống ở thị trấn Tắc Pỏ, huyện Nam Trà My, vào một ngày mùa hè, tiết trời đang nắng nóng thì buổi chiều có mưa giông rất to. Trời mưa một lúc thì tôi nghe tiếng nổ rất to phát ra từ phía sau nhà. Chạy ra xem thì thấy khối đá vôi phía sau nhà nổ tung, khói bốc lên cao, mảnh đá văng khắp nơi. Thấy vậy tôi thử nhặt một mảnh đá lên xem thì rất nóng.... Cũng có thể những tiếng nổ phát to ra từ thủy điện Sông Tranh II “có thể” là do đá vôi - ông Bình nói.
Theo quan sát của phóng viên, khu vực hồ thủy điện Sông Tranh II có rất nhiều đá vôi. Khi xây dựng lòng hồ thủy điện, những tảng đá lộ ra rất nhiều. Thực tế cho thấy từ khi thủy điện chặn dòng đã tạo ra nhiều vụ nổ và dư chấn trong lòng đất. Đó là lý giải của người dân, nhưng cũng là một trong những gợi ý đáng được các ngành chức năng lưu tâm khi tìm hiểu nguyên nhân này là gì?.
Không những nhà cửa nứt mà gần thủy điện Sông Tranh II cũng xuất hiện rất nhiều vụ sạt sụt lở đất rất nguy hiểm đến tính mạng người dân. |
Trấn an người dân “bằng động đất kích thích”?.
Qua một buổi khảo sát thực điạ và thu thập trên 20 ý kiến của người dân 6 xã/thị trấn của huyện Bắc Trà My. Vào lúc 15 giờ cùng ngày đoàn khảo sát đã có cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, cùng lãnh đạo của huyện Bắc Trà My, tại UBND huyện Bắc Trà My, báo cáo ban đầu sau buổi khảo sát. Theo báo cáo ban đầu của ông Tiến sĩ Trần Tuấn Anh - Viện trưởng Viện địa chất Việt Nam, cho biết những “rung chấn” thời gian qua tại huyện Bắc Trà My, là do “động đất kích thích” nhỏ từ 3 đến 4 độ richter, một phần là do thủy điện Sông Tranh II, tích nước gây nên ảnh hưởng đến yếu tố cộng hưởng với việc áp lực của đứt gãy núi đá nên mới tạo nên những vụ “động đất kích thích” liên tục trong thời gian qua.
Còn trên căn cứ của các nhà khoa học khi xây dựng thủy điện Sông Tranh II, chịu được tác động của động đất cấp độ 7, mức độ 5,9 độ richter. Nên những trận “động đất kích thích” này không ảnh hưởng gì đến đời sống của người dân. Nhưng trên cơ sở kiểm tra ghi nhận ban đầu, rồi chúng tôi sẽ kiến nghị lắp đặt các máy, trạm ghi nhận chấn động trên địa bàn, nghiên cứu cụ thể từng nguyên nhân dẫn đến các vụ động đất trong thời gian đến”.
Đoàn khảo sát đang thu thập ý kiến của người dân và thăm dò bằng máy để tìm hiểu và nghiên cứu về động đất |
Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết thêm: “Nay đã có kết quả ban đầu của đoàn khảo sát là “động đất kích thích” nhẹ không ảnh hướng đến đời sống người dân là chúng tôi yên tâm rồi. Trong thời gian qua hiện tượng rung chấn đã ảnh hưởng mạnh đến tâm lý người dân, gây hoang mang cực độ. Đặc biệt, hơn 20.000 người dân tộc thiểu số rất sợ các hiện tượng lạ của thiên nhiên nên dễ bỏ làng du canh du cư. Đây là mối lo ngại dân sinh nhất của địa phương.
Ngoài ra, ông Phong còn tỏ ra lo ngại, không riêng gì động đất xảy ra liên tục trong thời gian qua, mà tại bên trái của bờ miệng chính của thủy điện Sông Tranh II, đang xuất hiện cảnh đất đá trên núi nằm cạnh thủy điện hằng ngày thường xuyên bị sạt và sụt lún nghiêm trọng xuống dưới thủy điện. Theo tôi được biết, có khả năng khi thủy điện tích nước thì nước dâng cao ngấm vào đất tạo cho đất nhão nhẹt, cộng với việc rung chấn nên mới xảy ra trường hợp này. Huyện Bắc Trà My kiến nghị Viện địa chất cần tiếp tục khảo sát và nghiên cứu động đất để sớm đưa ra giải pháp phù hợp để đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng người dân.
Người dân cho phóng viên biết về những vụ rung chấn và những tiếng nổ như bom |
Còn ông Trần Minh Cả, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh: “Theo kết luận của các chuyên gia, những trận động đất xảy ra thời gian qua ở huyện Bắc Trà My và Nam Trà My còn ở mức độ nhẹ chưa nguy hiểm đến tính mạng người dân. Tuy nhiên do động đất xảy ra liên tiếp nên gây nhiều lo lắng cho người dân. Do vậy, thời gian tới chúng tôi sẽ tuyên truyền, giải thích, phát tờ rơi và thông báo qua loa, hay trên đài giúp người dân chủ động ứng phó với động đất.
Dự kiến, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam đề xuất Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, lắp đặt trạm quan trắc để nghiên cứu động đất tại huyện Bắc Trà My. Nếu đặt trạm quan trắc ở đây mà phát hiện độ richter tăng lên, thì chúng tôi sẽ thành lập ngay đợt tập huấn phòng chống động đất đến với người dân nhằm hướng dẫn cách phòng tránh động đất xảy ra đến với người dân, để giảm thiệt hại cho người dân.
Bài và ảnh: Nguyên Khang