Quan tâm phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc

Củng cố và phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú và dạy học tiếng dân tộc trong trường phổ thông được các địa phương quan tâm.

Quan tâm phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc

Khởi sắc trường dân tộc nội trú

Đến nay, việc củng cố và phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú tại Đồng bằng sông Cửu Long được địa phương và ngành Giáo dục quan tâm. Hiện 9/13 tỉnh trong vùng (An Giang, TP Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) có 34 trường phổ thông DTNT.

Trong đó có 8 trường cấp THPT, 6 trường liên cấp THCS&THPT, 20 trường cấp THCS, với quy mô 11.655 học sinh nội trú. So với năm học 2010 - 2011, tăng 9 trường, 4.843 học sinh. Học sinh dân tộc nội trú chiếm tỷ lệ khoảng 12% so với học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học của vùng. Có 16/34 trường phổ thông DTNT của vùng đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 47%).

Các trường phổ thông DTNT của vùng đã triển khai thực hiện Chương trình GDPT phát huy hiệu quả. Các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc được các trường duy trì đều đặn với nhiều nội dung phong phú. Các trường chú trọng giáo dục học sinh kỹ năng sống, ý thức đoàn kết, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho học sinh nội trú được bảo đảm.

Nhờ đó, chất lượng giáo dục của các trường phổ thông DTNT được cải thiện qua từng năm học. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh trong những năm gần đây đều tăng (năm học 2010 - 2011 là 85,75%, năm học 2019 - 2020 là 95,65%); một số trường phổ thông DTNT tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp luôn giữ ở mức cao trên 99% như Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang. Hằng năm, gần 50% học sinh các trường phổ thông DTNT của vùng đỗ vào đại học, cao đẳng.

Chia sẻ về cơ sở vật chất nhà trường, thầy Kim Văn Ngói, Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Huỳnh Cương (Sóc Trăng) cho biết: Trường hiện có 18 phòng học tập trung dành cho 18 lớp, 4 phòng dự phòng để phục vụ cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém; 3 phòng bộ môn (Lý, Hóa, Sinh). Khối phòng hỗ trợ học tập có 1 thư viện, 1 phòng thiết bị giáo dục, 1 phòng tư vấn học đường. Khối phụ trợ, có đầy đủ y tế nhằm phục vụ y tế trường học theo quy định. Khu sân chơi, thể dục thể thao đầy đủ và phù hợp với đối tượng người học theo quy định của trường chuẩn quốc gia...

Trường có 1 khu nhà bếp, 2 khu nhà ăn và các dãy phòng nội trú... tất cả đầy đủ tiện nghi và đảm bảo cho việc phục vụ học sinh tại trường; đảm bảo khả năng đáp ứng học 2 buổi/ngày… Tất cả các khu học tập, thực hành thí nghiệm, khối phụ trợ và các thiết bị được cấp đều đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập của giáo viên học sinh.

Quan tâm phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc ảnh 1

Học sinh Trường THPT DTNT Huỳnh Cương (Sóc Trăng) chơi nhạc Ngũ âm của đồng bào dân tộc Khmer.

Chú trọng dạy tiếng dân tộc

Công tác dạy học tiếng dân tộc trong trường phổ thông cũng được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Vùng ĐBSCL triển khai dạy học tiếng dân tộc thiểu số sớm nhất trong cả nước. Chương trình tiếng Khmer được đưa vào thực hiện từ năm học 2006 - 2007 ở trường Tiểu học, THCS và được dạy tại 10 tỉnh (An Giang, Bạc liêu, Cà Mau, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP Cần Thơ).

Đến năm học 2019 - 2020, đã có 366 trường, 3.015 lớp và 78.082 học sinh học tiếng Khmer (tăng 2 trường, 288 lớp, 12.727 học sinh so với năm học 2010 - 2011, kết quả học tập xếp loại giỏi và khá của học sinh ở cấp Tiểu học và THCS đạt khoảng 49%). Giáo viên Tiếng Khmer có 569 thầy cô, trong đó giáo viên có trình độ chuẩn đào tạo về chuyên môn tiếng dân tộc theo quy định đạt 41,72% tổng số giáo viên Tiếng Khmer.

Việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số góp phần quan trọng vào duy trì tỷ lệ chuyên cần của học sinh và thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông. Học sinh được học tiếng mẹ đẻ tự tin hơn trong giao tiếp, tham gia các hoạt động tập thể, các em ham thích học tập và tự hào về tiếng của dân tộc...

Thầy Kim Văn Ngói, Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Huỳnh Cương (Sóc Trăng) cho biết: Về chất lượng giáo dục, trường đã trở thành một trong những ngôi trường có chất lượng giáo dục tốt trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên của trường đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Chất lượng giáo dục của trường được nâng dần qua các năm. Năm 2014, UBND tỉnh Sóc Trăng đã công nhận Trường THPT DTNT Huỳnh Cương đạt chuẩn quốc gia, đến 2019 tái chuẩn và chuẩn bị năm 2024 làm hồ sơ tái chuẩn lần 3.

Về chất lượng học sinh giỏi, trường luôn đạt số học sinh giỏi cấp tỉnh theo tỷ lệ đăng ký hàng năm và là trường có số học sinh giỏi xếp hạng từ thứ 5 đến thứ 7 trong tỉnh. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT và học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng nhiều năm liền trường đều đạt 100% tỷ lệ tốt nghiệp THPT và hàng năm có từ trên 89% số học sinh đủ điểm xét vào các trường đại học, cao đẳng...

Theo giaoducthoidai.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ