Chị lấy chồng đã ba năm mà chưa có con. Hai vợ chồng rất yêu thương nhau và vui vẻ với cuộc sống đang có. Họ mong có con nhưng không lấy điều đó làm áp lực.
Vì chưa có con, còn nhiều thời gian nên họ vẫn thỉnh thoảng cùng nhau đi du lịch, giúp đỡ những người nghèo khó, những em bé mồ côi. Vậy mà người thân trong gia đình cứ tự cảm thán “Ôi, vợ chồng ở lâu không có con thì như người lạ, không có sự gắn kết. Nhất là người phụ nữ sẽ thiệt nhiều”.
Và ai cũng khuyên chị phải tìm mọi cách có con đi, rồi hùng hồn đưa ra cảnh báo “Về lâu dài phải có con mới gắn kết”. Rồi họ liên tục hỏi “Có gì chưa”. Có khi vừa hỏi hôm trước, hôm sau đã hỏi, con người chứ có phải gà đâu mà hôm trước không có gì, hôm sau lại có thể có được.
Có lần anh chị về thăm bố mẹ chồng, không chỉ ông bà nhắc nhở “Phải đẻ, phải biết đẻ, chúng mày cứ mải rong chơi đến lúc không đẻ được thì tao làm sao nhắm mắt được. Thiên hạ có người khác lo, chúng mày giờ chỉ phải lo đẻ thôi”.
Không chỉ thế, bác trai bên chồng cũng “dám” gọi riêng chị vào phê bình chỉ trích là mải lo thiên hạ mà không lo đẻ à, rồi truy vấn làm sao không đẻ được, tại chị hay tại anh và họ chỉ định anh chị phải đến bệnh viện trung ương ngay. Một sự quan tâm thô bạo nhưng họ không hề biết họ thô bạo.
Người lớn trong gia đình tự cho rằng việc anh chị khó có con là một tiêu chí để đánh giá hôn nhân ấy không hạnh phúc, thậm chí thất bại. Và họ không hưởng ứng với những chuyến đi xa, những chuyến đi từ thiện của anh chị, họ ỉ ôi “ốc không mang nổi mình ốc”.
Họ tự lấy việc không có con của anh chị là thất bại thua kém của gia đình mình so với gia đình khác, nên họ rầu rĩ, họ không thể hưởng bình yên tuổi già được nếu anh chị còn chưa có con. Họ tự tạo ra áp lực cho chính mình, để rồi chính điều đó khiến anh chị mất đi nụ cười. Có lúc họ tự ra chỉ tiêu hạnh phúc là “Khi nào chúng mày chưa có con thì nhà này còn chưa có Tết”.
Khi anh chị điều trị tại bệnh viện địa phương thì mọi người đều gây áp lực rằng “phải lên trung ương, phải ra Hà Nội hoặc vào TPHCM để chữa”.
Nhưng không ai nói đến chuyện anh chị vượt nghìn dặm xa xôi đi chữa trị ở thành phố xa thì có ai hỗ trợ tiền không, anh chị nghỉ việc thì có ai đỡ đần không, ai hỗ trợ thuê giúp nhà cửa ở nơi họ dừng lại điều trị.
Đặc biệt họ không hề tìm hiểu tâm lý của những người đang chữa hiếm muộn. Họ không hiểu rằng anh chị đã khám ở bệnh viện lớn, bệnh nhân đông đến nỗi bác sĩ chưa kịp trả lời xong câu hỏi của bệnh nhân đã mời bệnh nhân ra, “vì hết giờ, đến lượt người khác rồi”.
Họ không biết rằng tâm lý là yếu tố vô cùng quan trọng trong điều trị, và không phải cứ đến bệnh viện trung ương thì điều trị mới thành công. Ai cũng biết vì quan tâm nên họ đưa lời khuyên nhưng họ lại áp đặt chỉ đạo trong cả lời khuyên!
Bởi thế nên trong cuộc sống của chúng ta, trong gia đình của chúng ta rất dễ nặng nề và mâu thuẫn. Người gào lên giận dỗi “Khuyên nó có không chịu nghe”, mà không bao giờ chịu nhìn nhận lời khuyên của mình thực ra là sự chỉ đạo áp đặt!
Giá như những quan tâm, yêu thương luôn đi cùng sự thấu cảm và hiểu biết thì tốt biết bao!
Giá như những người xung quanh biết an bằng với cuộc sống, họ tự hạnh phúc với chính những gì đang có, họ không “nặng nề” mang việc có con của anh chị làm hạnh phúc thì anh chị đã bớt đi một gánh nặng.
Tại sao lại cho rằng anh chị có con thì bố mẹ, anh chị em mới vui, trong khi chính anh chị không kêu than, không vì điều đó mà gây phiền tới họ. Nếu không vì cách nghĩ của họ, có lẽ anh chị vẫn đang vui vẻ trong những chọn lựa của mình, mà chị không phải chịu áp lực trở thành robot thực thi mọi mệnh lệnh y khoa, kể cả việc sinh hoạt tình dục cũng theo mệnh lệnh, để cố có con.
Ở bệnh viện, chị đã gặp nhiều người phụ nữ đi thụ tinh bao nhiêu lần còn không nhớ nữa. Những stress, mệt mỏi, những cảm giác khó chịu khi dùng thuốc khiến họ sợ, họ không muốn nhưng họ như bị ma dẫn lối, cứ đi vì áp lực từ người xung quanh quá lớn.
Phải đâu ai cũng “dám sống theo cách riêng mình”! Chị kể có những người gần như rơi vào trạng thái trầm cảm. Và chị tự nhắc mình sẽ không như thế, không thể sống như robot, theo một hai liệu trình chưa được, chị sẽ dừng lại nghỉ ngơi.
Có người bảo anh chị phải xin con nuôi trước thì mới dễ sinh được con ruột, đó là một niềm tin tâm linh. Họ sẵn sàng chỉ chỗ để anh chị dễ làm thủ tục nhận con.
Nhưng anh chị chưa “ngã ngũ” vì không phải dễ gì để nhận một em bé là con, và nếu không phải từ duyên, từ tình yêu thiêng liêng mà chỉ nhận vì một nghi lễ tâm linh cho mình thì anh chị không làm được! Vậy mà họ cứ liên tục hối thúc anh chị phải nhận đi, phải làm đi. Khi thấy anh chị chưa sẵn sàng khi họ lại ra vẻ giận dỗi “nhận giúp mà còn không chịu, dở hơi”.
Biết bao giờ họ mới hiểu ra rằng những quan tâm không đi cùng sự thấu hiểu sẽ vô tình thành vết dao sắc nhọn xé sâu thêm những tổn thương!