Mặc dù vấn đề quản lý và bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan được Nhà nước đặc biệt quan tâm và thực thi một cách tích cực, thế nhưng dường như khe hở trong quản lý tác phẩm âm nhạc vẫn còn quá lớn.
Muôn kiểu vi phạm tác quyền
Thanh tra Bộ VH-TT&DL mới đây đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực VH-TT&DL số 58/QĐ-XPVPHC đối với hotgirl Trần Hà My vì đã sử dụng tác phẩm “Điều em muốn nói” mà không nêu tên thật tác giả (Hoàng Thu Trang) trong chương trình “Bữa trưa vui vẻ” trên kênh VTV6 ngày 8/7/2016. Giữa hàng trăm nghi án đạo nhạc không có kết luận, đây được xem là dấu hiệu tích cực và là ứng xử khá nhanh chóng của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, có thể nhận thấy tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc diễn ra thường xuyên như cơm bữa.
Mới đây là vụ ca khúc mới “Chúng ta không thuộc về nhau” của Sơn Tùng M-TP dính nghi án đạo nhạc từ ca khúc “We don"t talk anymore” của ngôi sao người Mỹ Charlie Puth. Việc kết luận ca khúc trên có phải là đạo nhạc hay không cũng được các nhạc sĩ danh tiếng trong nước đem ra tranh cãi, mổ xẻ nhiều lần. Tuy nhiên, đáng nói ở đây là câu chuyện không còn dừng lại đơn thuần ở việc kết luận đúng sai của giới chuyên môn và cơ quan có thẩm quyền mà đã trở thành sự tranh luận về cơ sở để phán quyết bản quyền tác phẩm âm nhạc.
Trong khoảng thời gian qua, đã diễn ra nhiều vụ tranh chấp bản quyền như trong vụ việc bản quyền đối với chương trình biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly về nước biểu diễn với các đơn vị đại diện tập thể quyền tác giả. Vụ tranh chấp về bản quyền thường là các đơn vị sử dụng tác phẩm đã không xin phép hoặc tiến hành trả phí bản quyền cho tác giả, không thỏa thuận được mức phí bản quyền cần phải đóng trên thực tế.
Vẫn còn bất cập
Chỉ thị 36/208CP-TT ký ngày 24/12/2008 về việc quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan đã được thông qua, nhưng “câu chuyện bản quyền” vẫn là đề tài nóng hổi, chưa có hồi kết.
Luật đã cho phép khi bị vi phạm bản quyền, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm và các đơn vị đại diện có thể khởi kiện ra tòa án để yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, ít hoặc không có các vụ kiện về bản quyền được giải quyết theo con đường tòa án mà xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, cả nước có tới trên 3.000 tác giả đã uỷ thác quyền khai thác và quản lý tác phẩm âm nhạc, trong đó phía Nam là 2.000, phía Bắc có hơn 1.000. Không thể đếm hết hàng triệu các tác giả âm nhạc khác nữa chưa uỷ thác quyền quản lý và khai thác tác phẩm qua Trung tâm Quyền tác giả âm nhạc. Mỗi tác giả sáng tác từ vài chục tới cả trăm tác phẩm ở đủ các thể loại khác nhau, như vậy, có thể thấy khó mà quản lý được tất cả các hình thức khai thác kho tác phẩm âm nhạc đồ sộ này. Cho nên tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc vẫn cứ diễn ra thường xuyên như cơm bữa và việc tranh chấp các tác phẩm âm nhạc vẫn tồn tại.