Quản lý hoạt động dạy học của tổ chuyên môn theo phát triển năng lực

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Dưới đây là những chia sẻ của cô Lê Thị Nguyệt Nga - Phó Hiệu trưởng, Trường THPT Công Nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) - về một số nội dung cần tập trung nhằm quản lý, chỉ đạo thực hiện tốt hoạt động dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh trong trường THPT.

Quản lý việc xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học

Để quản lý hiệu quả hoạt động dạy học của tổ chuyên môn theo định hướng phát triển năng lực học sinh, trước hết, Hiệu trưởng cần chỉ đạo thực hiện tốt về quản lý việc xây dựng và thực hiện kế hoạch dạy học.

Việc xây dựng kế hoạch dạy học phải dựa vào chương trình dạy học quy định phần cứng và phần mềm, dựa vào trình độ, kỹ năng sư phạm của giáo viên, khả năng học sinh, kết quả học tập của các năm trước và điều kiện cụ thể của nhà trường đảm bảo cho dạy học.

Quản lý việc chuẩn bị bài lên lớp của giáo viên

Việc chuẩn bị bài lên lớp của giáo viên là khâu rất quan trọng, góp phần quyết định chất lượng dạy học, gồm các khâu: chuẩn bị từng chương, từng học kỳ; chuẩn bị từng tiết dạy/bài soạn.

Để quản lý tốt việc chuẩn bị bài lên lớp theo quan điểm dạy học phân hóa, cần làm tốt một số công việc sau:

Chỉ đạo tổ chuyên môn thống nhất mọi kế hoạch chuẩn bị bài lên lớp từ khâu phân tích nhu cầu, hứng thú của người học với môn học. Hướng dẫn giáo viên soạn bài tỉ mỉ, thống nhất nội dung và hình thức nhưng không dập khuôn, máy móc, tránh sao chép.

Cung cấp sách giáo viên, sách tham khảo, cơ sở vật chất trường học... Giáo viên phải biên soạn và nộp đề cương bài soạn về tổ bộ môn …

Quản lý giờ lên lớp của giáo viên

Giờ lên lớp của giáo viên quyết định chất lượng chất lượng dạy học, giáo viên là người trực tiếp điều khiển, hướng dẫn học sinh học tập đạt kết quả. Người quản lý tác động gián tiếp đến hiệu quả giờ lên lớp, nên để quản lý tốt giờ lên lớp cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Xây dựng tiêu chuẩn đánh giá giờ lên lớp cụ thể, dựa trên những quy định chung của ngành và điều kiện hoàn cảnh của nhà trường.

Chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học theo hướng giáo viên được chủ động trong việc lựa chọn nội dung và phương pháp dạy học cũng như việc sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học, ứng dụng CNTT trong dạy học; phối hợp linh hoạt và ăn khớp các phương pháp dạy học sao cho phù hợp với nội dung dạy học, đặc điểm của học sinh và điều kiện nhà trường.

Tăng cường kiểm tra, dự giờ, đánh giá rút kinh nghiệm giờ dạy: Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn cần coi việc kiểm tra, dự giờ là công việc bình thường, thường xuyên trong quản lý hoạt động dạy học nhằm nắm chắc tình hình giảng dạy và kịp thời nhắc nhở, uốn nắn những sai lệch nhưng phải luôn tạo không khí nhẹ nhàng, không gây áp lực nặng nề cho giáo viên.

Quản lý việc dự giờ theo kế hoạch, dự các giờ hội giảng, thao giảng của tổ chuyên môn. Tổ chức rút kinh nghiệm các tiết dạy theo bài hoặc theo chủ đề về đổi mới phương pháp, kiểm tra đánh giá, ... và nhân rộng mô hình các tiết dạy mẫu, dạy minh họa.

Quản lý nền nếp, chất lượng hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn, đi sâu vào các hoạt động thảo luận nhóm, tổ về nội dung, hình thức tổ chức dạy học theo quan điểm dạy học phân hóa đối với từng môn học, từng chương, từng bài.

Quản lý hồ sơ tổ chuyên môn và hồ sơ chuyên môn của giáo viên

Hiệu trưởng cần xây dựng những yêu cầu cụ thể về hồ sơ chuyên môn (Hồ sơ tổ chuyên môn, hồ sơ chuyên môn của giáo viên). Đồng thời, thường xuyên kiểm tra bằng nhiều hình thức như: Qua kiểm tra toàn diện hoạt động sư phạm của giáo viên, qua kiểm tra chuyên đề về hồ sơ chuyên môn, qua tự kiểm tra của giáo viên, của tổ, nhóm chuyên môn...

Điều kiện thực hiện

Để thực hiện những nội dung trên, nhà trường cần dành khoản kinh phí nhất định phục vụ các hoạt động chuyên môn của các tổ, nhóm bộ môn.

Mỗi giáo viên cần xác định rõ ý thức trách nhiệm và phải thực sự tâm huyết với công việc dạy học; đầu tư thời gian, tự học, tự nghiên cứu để nâng cao tay nghề.

Đổi mới nhận thức của giáo viên về mục tiêu hoạt động dạy học

Trong thực tế dạy học, một bộ phận giáo viên chưa nhận thức đầy đủ về bản chất của hoạt động dạy học: Hoạt động dạy học là hoạt động tương tác giữa người dạy và người học, trong đó giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn, động viên khích lệ để học sinh tự giác, tích cực, tự học, chiếm lĩnh tri thức, rèn luyện kỹ năng thực hành.

Chia sẻ điều này, cô Lê Thị Nguyệt Nga cho rằng, cán bộ quản lý, tổ trưởng các tổ chuyên môn phải tìm biện pháp làm chuyển biến nhận thức của đội ngũ giáo viên, quán triệt quan điểm là dạy cách học cho học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.