Quản lý cung ứng thuốc: Bao giờ minh bạch?

GD&TĐ - Để tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân, việc cung ứng thuốc, sử dụng thuốc phải được đặt ra nghiêm túc trong khâu quản lý. Giải pháp mà Bộ Y tế đưa ra mới đây kỳ vọng sẽ mang lại những lợi ích an sinh cho người dân.

CNTT đang được ứng dụng trong việc kiểm soát lượng thuốc cung ứng ra thị trường và thuốc bán theo đơn
CNTT đang được ứng dụng trong việc kiểm soát lượng thuốc cung ứng ra thị trường và thuốc bán theo đơn

Tăng cường quản lý hệ thống các nhà thuốc

Nhờ cơ chế hoạt động mở mà các hệ thống cung ứng và phân phối thuốc tây tại Việt Nam được mở rộng khắp các tỉnh thành trong Nam, ngoài Bắc, phục vụ cho việc chăm sóc và chữa bệnh của người dân. Song cũng từ đó mà xuất hiện những bất cập. Cụ thể tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh đã dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh ngày càng nhiều. Điều này đã mang đến những hệ lụy đáng tiếc tới sức khỏe và tính mạng bệnh nhân.

Bên cạnh đó, vẫn còn có tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường. Hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc. Theo số liệu của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, trong năm 2017, hệ thống kiểm nghiệm đã lấy 36.233 mẫu thuốc để kiểm tra chất lượng trong đó phát hiện có 575 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Để triển khai nhiệm vụ và giải pháp nhằm tăng cường việc quản lý hệ thống các nhà thuốc, ngay từ những ngày đầu năm 2018, Bộ Y tế lựa chọn thí điểm một số địa phương như Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Nam Định đồng thời tổ chức các Đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì với sự tham gia của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) để làm việc với UBND các tỉnh này về việc triển khai dự án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối nhà thuốc. Từ đó đánh giá thực trạng, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai tại các địa phương.

Liên ngành cùng vào cuộc

Hiện Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã ban hành chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra phần mềm ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở bán lẻ thuốc phiên bản 1.0 bao gồm 23 tiêu chí chuẩn yêu cầu đầu ra phần mềm kết nối từ cơ sở bán lẻ thuốc với Sở Y tế, Bộ Y tế; 18 tiêu chí chuẩn yêu cầu đầu ra phần mềm tổng hợp các thông tin chung trên địa bàn tỉnh/thành phố; 12 tiêu chí chuẩn yêu cầu đầu ra phần mềm đối với đơn thuốc đảm bảo kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, kiểm soát xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã phối hợp cùng Viettel xây dựng và triển khai Hệ thống quản lý Dược quốc gia hướng đến mục tiêu xóa bỏ giấy tờ, quản lý được toàn bộ chuỗi cung ứng thuốc toàn quốc, đảm bảo chất lượng và giá cả chính xác của từng viên thuốc khi tới tay người dân.

Chia sẻ về vấn đề này tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai ứng dụng CNTT kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã có Quyết định phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020. Bộ cũng đã có Kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc, song song với việc xây dựng các quy định nhằm pháp chế hóa yêu cầu bắt buộc ứng dụng CNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc, đặc biệt triển khai thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc tại Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Phú Thọ…

Đây được coi là là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc; Cơ quan Nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc. Đồng thời đây cũng là ví dụ tiêu biểu cho những nỗ lực của Bộ Y tế nhằm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo trong thời đại cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.

Qua triển khai thí điểm tại các địa phương: Từ 4 tỉnh đầu tiên tham gia vào quá trình triển khai thí điểm là Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Nam Định cho đến nay đã có tổng cộng 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác tham gia vào hệ thống liên thông kết nối các cơ sở cung ứng thuốc, đã cấp tài khoản cho 4.178 cơ sở bán lẻ thuốc và quản lý được hơn 22.000 đơn thuốc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ