Không để hiện tượng thiếu cục bộ một số loại thuốc ở một số bệnh viện

GD&TĐ - Nhận được phản ánh về hiện tượng thiếu cục bộ một số loại thuốc tại một số bệnh viện tuyến cuối Trung ương, chiều 24/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện một số bệnh viện về tình hình cung ứng thuốc.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh về lâu dài quy định đấu thầu, mua thuốc phải tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuốc của Bộ Y tế cũng như các bệnh viện.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh về lâu dài quy định đấu thầu, mua thuốc phải tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuốc của Bộ Y tế cũng như các bệnh viện.
Tại buổi làm việc Phó Thủ tướng cho biết việc chấn chỉnh công tác đấu thầu thuốc 3-4 năm qua đã đạt được kết quả tích cực, giảm được giá thuốc. Mỗi năm giá thuốc giảm trên 10% tại một số tỉnh, kết quả đấu thầu ở Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam còn giảm nhiều hơn nữa. 
Tuy nhiên, trước thông tin từ người bệnh, người dân, báo chí, đồng thời Phó Thủ tướng đã trực tiếp khảo sát một số bệnh viện, hỏi chuyện bệnh nhân cho thấy tại một số bệnh viện, đặc biệt bệnh viện tuyến cuối Trung ương xảy ra hiện tượng thiếu cục bộ một số loại thuốc ở một số bộ phận, khoa phòng, trong một số thời điểm. Đặc biệt là những loại thuốc liên quan đến ghép tạng, gây mê, một số loại thuốc ít sử dụng.
Bên cạnh đó, người dân cũng phản ánh do các quy định dẫn đến có tình trạng một số bệnh viện, nhà thuốc trong bệnh viện chỉ có thuốc thuộc nhóm 3 (được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn WHO-GMP được Bộ Y tế Việt Nam cấp giấy chứng nhận) trong khi nhiều người bệnh quen sử dụng thuốc nhóm 1 (được sản xuất ở Tây Âu, các nước phát triển). Thậm chí có người bệnh muốn trả tiền thêm để sử dụng thuốc thuộc nhóm 1 mà không được. 
Các ý kiến tại cuộc họp khẳng định hiện tượng này không phải ở tất cả bệnh viện nhưng có thật, vì vậy cần có các giải pháp tháo gỡ, phát huy những quy định đúng, điều chỉnh bất cập, ưu tiên cứu chữa người bệnh nhất là trong điều kiện mệnh giá bảo hiểm y tế còn thấp, nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế nếu không kiểm soát tốt việc thanh toán.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải có sự bàn bạc, phối hợp giữa Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bệnh viện và nêu một số việc cụ thể cần thực hiện ngay.
Trước hết là khắc phục ngay những bất cập khi áp dụng Thông tư 11, 19 liên quan đến đấu thầu, mua sắm thuốc trong bệnh viện gây ra tình trạng các loại thuốc thay thế lẫn nhau được nhưng do quy định nên khó thay thế; các doanh nghiệp nhập khẩu một số loại thuốc không thể chuyển, bán thuốc cho nhau được... Bộ Y tế đã bắt đầu quy trình sửa các thông tư này thì cần đẩy nhanh tốc độ, làm sớm để khắc khục.
Đối với một số thuốc ít sử dụng, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế lên danh mục, Bảo hiểm y tế, các bệnh viện có cơ chế dự trữ, “không để xảy ra tình huống 2-3 năm không có ca bệnh hoặc rất ít nhưng lúc xuất hiện người mắc bệnh lại không có thuốc điều trị”.
Để giải quyết vấn đề giữa thuốc chất lượng tốt hơn và thuốc chất lượng thấp hơn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chung là Bảo hiểm y tế không thể chi trả hết những loại thuốc tốt nhất và thường là đắt nhất. Do đó phải quy định Bảo hiểm y tế chi trả ở mức nào, những loại thuốc nào nhưng các quy định về đấu thầu, mua thuốc không được để tình trạng có những bệnh nhân khá giả sẵn sàng chi trả mà không có thuốc tốt hơn.
Ghi nhận ý kiến, giải pháp được nêu trong cuộc họp, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành liên quan khẩn trương rà soát, xem xét lại tất cả quy định về đấu thầu, mua thuốc trong bệnh viện. Trong lúc chưa áp dụng toàn bộ thì có những quy định “thông thoáng hơn” cho một số bệnh viện hạng đặc biệt của Trung ương và một số bệnh viện tuyến cuối có uy tín, đội ngũ bác sĩ tốt, được người dân tin tưởng. Về lâu dài quy định đấu thầu, mua thuốc phải tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuốc của Bộ Y tế cũng như các bệnh viện.
Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.