Chuyến thăm lịch sử
Barack Obama đã trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của nước Mỹ đến thăm Hiroshima sau vụ ném bom nguyên tử vào năm 1945. Tại Hiroshima, Tổng thống Mỹ đến thăm và đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các nạn nhân vụ ném bom nguyên tử thời Thế chiến thứ II. Cũng tại đây, ông Obama có bài phát biểu nêu bật sự nguy hiểm của vũ khí hạt nhân và sự cần thiết xây dựng một thế giới không có vũ khí giết người hàng loạt. Barack Obama nhấn mạnh rằng ngay cả những bất đồng “đau đớn nhất” cũng có thể được khắc phục. Bằng chứng là quan hệ Mỹ - Nhật hiện nay không chỉ là đồng minh mà còn là “những người bạn tốt nhất”.
“Chúng ta cần phải tưởng nhớ tới tất cả những người đã chết vào ngày hôm đó. Ký ức về Hiroshima không bao giờ bị phai mờ” - Tổng thống Barack Obama tuyên bố.
“71 năm trước, vào một buổi sáng, cái chết từ trên trời rơi xuống và thế giới đã thay đổi mãi mãi. Loài người đã cho thấy có loại vũ khí có thể tự hủy diệt như vậy. Chúng tôi đang ở đây, ở trung tâm thành phố và cố gắng tưởng tượng thời điểm khi quả bom rơi. Chuyển những lời nói suông như thế này đến những nạn nhân là không thể. Chúng ta phải có dũng khí để làm tất cả những gì có thể vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân” - Barack Obama nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe bắt tay lần lượt những người còn sống sót sau vụ tấn công hạt nhân. Sau đó, trong sự bảo vệ nghiêm ngặt, Tổng thống Mỹ đi dạo trong Công viên Tưởng niệm Hòa bình, nơi có Bảo tàng tưởng niệm hòa bình ở Hiroshima, nơi trưng bày nhiều kỷ vật của những nạn nhân trong thảm họa 1945 - Tờ Wall Street Journal viết.
Những tình tiết về một lời xin lỗi
Hội đồng đặc biệt của các nạn nhân người Nhật - Hibakusha - tin rằng Tổng thống Obama buộc phải có lời xin lỗi về hành động của không quân Mỹ và gặp gỡ với các nạn nhân vụ ném bom nguyên tử. Trước chuyến thăm của Obama, người Nhật đã gửi một bức thư tới Nhà Trắng với nội dung: “Chúng tôi yêu cầu phải thừa nhận rằng vụ ném bom là vi phạm vô nhân đạo luật pháp quốc tế và yêu cầu phải có lời xin lỗi. Chúng tôi cho rằng, thiếu nó (lời xin lỗi -ND) là không thể”.
Trước khi đến Nhật Bản, Barack Obama đã có thông điệp rõ ràng rằng sẽ không có bất cứ lời xin lỗi chính thức nào từ phía Mỹ. “Trong trường hợp này, vấn đề không ở chỗ cần một lời xin lỗi” - Cố vấn của Tổng thống Mỹ, ông Ben Rhodes nói vào đêm trước của chuyến thăm.
Và cuộc gặp với các nạn nhân của thảm họa hạt nhân đã diễn ra. Một người Nhật sống sót sau vụ ném bom nguyên tử đích thân nói chuyện với ông Obama, bày tỏ ý kiến tập thể về những sự kiện bi thảm và hậu quả của chúng. “Tôi đã nói với Tổng thống rằng chúng tôi không kết tội Hoa Kỳ và trong mỗi chúng tôi không có lòng thù hận” - Hãng TASS trích lời của cụ Sunao Tsuboi (91 tuổi). Trong suốt cuộc nói chuyện ngắn ngủi, cụ Tsuboi không chịu buông tay Tổng thống Obama như muốn cố gắng giải thích với ông điều gì đó và cả hai cùng nở một nụ cười. Có điều, Barack Obama từ chối trả lời những câu hỏi của cánh nhà báo Nhật về mặt đạo đức của vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima. Trong khi đó, hầu hết các chính trị gia Mỹ đều cho rằng, vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima là cần thiết để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh và qua đó cứu sống được hàng ngàn sinh mạng của cả hai bên.
Vào đêm trước chuyến thăm tới Nhật Bản của Barack Obama, cuộc thăm dò dư luận của YoyGov cho thấy, có 45% người Mỹ cho rằng Washington đã làm đúng khi thả bom nguyên tử xuống 2 thành phố của Nhật Bản. Chỉ có 25% người được hỏi cho rằng hành động đó là sai. Ngoài ra, 70% người Mỹ cho rằng Washington không cần phải xin lỗi Tokyo, số khẳng định phải xin lỗi chỉ có 22%.
Trả lời phỏng vấn tờ “Vzglyag”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Viễn Đông (Nga) Valery Kistanov cho rằng, nhìn chung, người Nhật không có cảm giác hận thù với Mỹ. Quan hệ Nhật - Mỹ rất tốt, nhiều người không cần bất kỳ lời xin lỗi nào. Cũng theo lời Valery Kistanov thì chính quyền Shinzo Abe đang “làm dịu” thái độ tiêu cực của người dân Nhật Bản đối với Mỹ vì đại cục.