Các chiến sĩ trao túi quà an sinh cho bà con khó khăn; hỗ trợ người dân thực hiện xét nghiệm nhanh tại nhà; khám bệnh cho F0 tại nhà; tiền trạm nắm địa bàn và hoàn cảnh từng hộ gia đình để cùng cán bộ phường chuyển hàng hóa, thực phẩm; tham gia các chốt kiểm soát dịch…
Cũng hôm qua, có mặt ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) tiễn và động viên lực lượng quân y tăng cường vào miền Nam chống dịch, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, khẳng định: “Được Chính phủ giao, quân đội quyết tâm bằng mọi cách, bằng mọi biện pháp, sử dụng mọi lực lượng, với khả năng của mình và vượt cả khả năng của mình, quyết tâm cùng với nhân dân TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các địa bàn có dịch khắc phục dịch triệt để và đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường”.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 như cơn bão khủng khiếp quét qua làm tê liệt nhiều hoạt động, sự giúp sức của lực lượng quân đội, một tổ chức có tính kỷ luật cao, trang bị hiện đại và chuyên nghiệp cùng với quyết tâm cao nhất (thể hiện rõ qua khẳng định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) là vô cùng quý giá.
Bộ trưởng Quốc phòng cho biết, quân đội sẽ tham gia thành lập các bệnh viện dã chiến; tăng cường lực lượng để bảo đảm cho người dân không ra đường; cung cấp, vận chuyển vật tư y tế, tiêm vắc-xin, lo hậu sự... Quân đội sẽ sử dụng lực lượng hiện có, cả không quân, cả vận tải thủy - bộ để hỗ trợ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác, bảo đảm cho người dân an toàn.
Dự kiến, Bộ Quốc phòng sẽ huy động khoảng 35 nghìn dân quân tự vệ cùng hàng nghìn quân chủ lực từ Quân khu 7, Quân đoàn 4 tham gia. Đồng thời, hơn 2.000 bác sĩ và nhân viên y tế; 30 xe cứu thương của quân đội ở phía Bắc cũng sẽ được điều động vào TP Hồ Chí Minh tham gia xét nghiệm, chữa trị cho bệnh nhân Covid-19.
Không phải bây giờ quân đội mới tham gia chống dịch. Từ khi đại dịch xuất hiện, cán bộ, chiến sĩ toàn quân và lực lượng dân quân tự vệ trong cả nước đã vào cuộc với tinh thần không quản ngại khó khăn, gian khổ.
Toàn quân đã triển khai hơn 1.900 tổ, chốt chống dịch kiểm soát chặt chẽ tuyến biên giới trên đất liền và trên biển, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp với địa phương tổ chức gần 5.000 tổ, chốt phòng dịch tại các địa bàn có dịch; triển khai 190 điểm cách ly phục vụ hơn 270 nghìn người; tổ chức 10 bệnh viện dã chiến, 1 trung tâm điều trị bệnh nhân Covid với hàng nghìn bác sĩ, nhân viên quân y.
Cùng với đó, quân đội đã đóng góp 510 tỷ đồng ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19; điều động hàng nghìn xe ô tô vận chuyển vắc-xin đến các địa phương; khử khuẩn hàng nghìn khu vực, điểm có dịch.
Nhiều đơn vị đã có cách làm sáng tạo, có các mô hình hay, thể hiện sâu sắc tình cảm tốt đẹp quân - dân như: Hiến máu tình nguyện, tổ chức các gian hàng 0 đồng, giúp nông dân vùng có dịch thu hoạch nông sản...
Lần này, sự tham gia của lực lượng quân đội vào công cuộc chống dịch ở các tỉnh phía Nam toàn diện hơn và sâu rộng hơn. Nếu có thể tối ưu hóa nguồn lực quý báu này, nói cách khác, việc triển khai lực lượng quân đội có thông điệp nhất quán, có ưu tiên và lộ trình rõ ràng, bám sát diễn biến thực tế, chắc chắn tăng thêm niềm tin và sự phối hợp trong dân chúng. Như vậy, chúng ta hy vọng có thể thoát khỏi sự đe dọa của đại dịch Covid-19.