Vừa qua, Hà Nội đã cho tiến hành chặt và thay thế 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố ở 10 quận nội thành gây xôn xao dư luận.
Bình luận về sự việc này, ông Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng việc chặt cây xanh một cách ồ ạt là “việc làm thiếu cân nhắc và hết sức vội vàng”. Trong đó, nhiều cây đang xanh đang tốt, tỏa bóng mát cho người dân trên các tuyến phố.
Đại biểu Lê Như Tiến bình luận về việc TP Hà Nội tiến hành đốn hạ và thay thế 6.700 cây xanh |
Đại biểu Lê Như Tiến cho rằng chỉ nên thay thế những cây chết hoặc những cây bị hỏng không phát triển được. Bên cạnh đó, UBND TP Hà Nội cần có kế hoạch thay dần các cây xanh trên các tuyến đường và không thể tiến hành chặt cây ồ ạt như cách làm trong thời gian qua.
“Nếu chặt ồ ạt như vậy thì không biết đến bao nhiêu năm sau mới được một tán đẹp cho bóng mát?”, ông Lê Như Tiến tỏ ra băn khoăn.
Bên cạnh đó, vị đại biểu Quốc hội này cũng tỏ ra hết sức bất ngờ trước việc chặt bỏ, thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội.
“Tôi thấy đó là việc làm vội vàng. Điều đó khiến tôi bất ngờ. Tại sao UBND TP Hà Nội lại phê duyệt cho một dự án như thế?”.
Trước đó, trả lời trên báo chí, ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng việc chặt cây xanh ở Hà Nội và thay thế bằng những cây khác là do các cơ quan quản lý quyết định chứ không cần hỏi ý kiến người dân.
Tuy nhiên, theo đại biểu Tiến đối với một dự án lớn, liên quan đến đến môi trường của Thủ đô Hà Nội phải được xin ý kiến của người dân.
“Tôi cho rằng nên xin ý kiến của người dân bởi vì tác dụng của những cái cây ấy phục vụ cho người dân Hà Nội. Bên cạnh đó, bóng mát cây xanh sẽ cải thiện môi trường”, ông Tiến bày tỏ quan điểm.
Vì vậy, dự án này khi không xin ý kiến người dân sẽ gây ra những hậu quả khó lường. Vừa qua, việc người dân phản ứng một cách rất mạnh mẽ trước quyết định của chính quyền đã thể hiện chính sách đó không đi vào lòng dân.
Những cây xà cừ cổ thụ bị đốn hạ trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội) |
“Từ việc bật gạch đá lát lên rồi lại cho lát gạch khác đã gây tốn kém lãng phí. Cây đang xanh tốt như thế lại chặt đi. Không phải chặt cây thay thế mà tiến hành chặt hàng loạt để trồng cây mới thì đó là thiếu cân nhắc, tính toán kỹ”, đại biểu Lê Như Tiến bày tỏ.
Bên cạnh đó, việc phải trả công cho công nhân chặt cây, lát nền ở trên 190 tuyến phố cũng không phải là khoản kinh phí nhỏ.
Ông Tiến cũng được biết, kinh phí để đốn hạ 6.700 cây xanh và trồng lại cây mới phải mất tới hơn 70 tỷ đồng. Đây là khoản kinh phí không nhỏ khi hiện nay còn rất nhiều dự án như bệnh viện, trường học còn thiếu.
Liên quan đến vấn đề kinh phí của dự án, ngày 19/3, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định “không dùng một đồng ngân sách” cho việc thay thế 6.700 cây xanh của thành phố. Khoản ngân sách dự kiến hơn 70 tỷ đồng dùng cho việc này sẽ được tiến hành xã hội hóa và do một số công ty, tập đoàn đứng ra ủng hộ.
Tuy nhiên đại biểu Lê Như Tiến vẫn không đồng tình với cách lý giải của người đứng đầu UBND TP Hà Nội.
“Dù có doanh nghiệp nào ủng hộ cũng không nên chặt cây như vậy. Hiện những cây này còn xanh tốt chứ không phải tự nhiên chết đi hàng loạt rồi thay thế cây mới. Nếu có làm cũng phải theo phương án thay thế dần, nếu cây nào hư mới tiến hành lọc bỏ”, ông Tiến nói.
Sau khi có ý kiến dư luận, UBND TP Hà Nội đã ra thông cáo báo chí khẳng định dự án chặt bỏ 6.700 cây xanh đươc người dân đồng thuận. Tuy nhiên, đại biểu Lê Như Tiến tỏ ra hoài nghi khi UBND TP Hà Nội không đưa ra được số liệu cụ thể để minh chứng cho phát ngôn này.
Ông Tiến dẫn chứng: “Chính quyền cho rằng người dân đồng thuận nhưng ngay khi đốn hạ những cây lớn trên đường Nguyễn Chí Thanh, dư luận đã phản đối rất gay gắt”.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: 6.700 cây chuẩn bị chặt hạ là con số rất lớn. Trong khi đó, Hà Nội là Thủ đô nên chuyện lớn của Thủ đô phải lấy ý kiến của Quốc hội, nhân dân cả nước. Không thể để mất đi vẻ đẹp Thủ đô dễ dàng như vậy.