Quân bài đi đàm phán

GD&TĐ - Việc Triều Tiên thử vũ khí siêu âm có thể làm phức tạp hơn đề xuất nối lại đàm phán với Hàn Quốc. Triều Tiên, như mọi khi, quân bài chủ lực của họ là muốn giành ưu thế về mặt quân sự trước các khả năng đàm phán.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Sáng 29/9, Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công tên lửa siêu âm Hwasong-8. Hãng tin Triều Tiên KCNA nói rằng, việc phát triển vũ khí chiến lược là một trong 5 nhiệm vụ ưu tiên trong kế hoạch 5 năm của Triều Tiên. Theo KCNA, đây là lần thử đầu tiên với một tên lửa siêu thanh và nó đã thành công.

Vụ thử diễn ra gần như đồng thời với việc Đại sứ Triều Tiên tại LHQ có bài phát biểu trước Đại hội đồng, lên án chính sách thù địch của Mỹ với Triều Tiên. Và chỉ 3 ngày trước đó, Triều Tiên nhắc lại đề nghị đàm phán có điều kiện với Hàn Quốc.

Cuối tuần trước, sau lời kêu gọi của Tổng thống Hàn QuốcMoon Jae-in về tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un, phát biểu rằng hai miền Triều Tiên có thể có những bước đi tiến tới hòa giải nếu như Hàn Quốc từ bỏ các chính sách thù địch và tiêu chuẩn kép.

Một số chuyên gia cho rằng, việc phóng tên lửa mà Triều Tiên gọi là “siêu âm” có thể giống như sức ép để đàm phán, hoặc là một phép thử xem Hàn Quốc sẽ hồi đáp thế nào về khả năng đàm phán, nhất là khi Triều Tiên cần Hàn Quốc thuyết phục Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt kinh tế và các nhượng bộ khác như viện trợ, công nhận quốc tế rằng Triều Tiên là một quốc gia vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Moon Jae-in đã yêu cầu phân tích chi tiết vụ thử của Triều Tiên để có biện pháp đáp trả phù hợp. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Boo Seung-chan thì nói: “Chúng tôi rất tiếc vì tên lửa được bắn đi vào thời điểm rất quan trọng để ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên”.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, sau đề xuất đàm phán của bà Kim Yo Jong, đã nói rằng trước hết, họ muốn nối lại các đường dây liên lạc xuyên biên giới đã bị đóng băng hơn một năm nay và hai bên có thể tiếp tục thảo luận nhiều vấn đề dang dở. Thực ra mùa hè vừa rồi hai bên đã liên lạc trở lại qua kênh này trong khoảng 2 tuần, nhưng sau đó Triều Tiên từ chối trao đổi tiếp tục sau khi Hàn Quốc tham gia tập trận hàng năm với Mỹ.

Các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khởi xướng vào năm 2018, đã bị đình trệ kể từ năm 2019. Việc đề xuất nối lại đàm phán có thể là một tia hy vọng, song vụ thử vũ khí mới nhất này khiến tình hình trở nên phức tạp hơn. Dường như sự bế tắc lại lặp lại: Mỹ - Hàn tập trận, Triều Tiên liên tiếp thử vũ khí trong 2 tháng qua, và mỗi bên đều cáo buộc bên kia là “khiêu khích”.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, nếu Triều Tiên sản xuất và triển khai thành công một vũ khí siêu âm, điều này có thể thay đổi thế cân bằng quân sự trong khu vực. Cụ thể hơn, có nghĩa là các hệ thống phòng thủ tên lửa của Hàn Quốc và Nhật Bản trở nên gần như bất lực – CNN dẫn lời Lionel Fatton, Trợ lý Giáo sư tại Đại học Webster ở Thụy Sĩ, nghiên cứu viên tại Đại học Meiji ở Nhật Bản.

Theo Drew Thompson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ, tên lửa siêu âm có năng lực đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến sẽ là tác nhân thay đổi cuộc chơi nếu nó được gắn thêm đầu đạn hạt nhân. Song ông cũng lưu ý rằng đó chỉ là “nếu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ