Hôm qua (25/9), em gái lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố cuộc đàm phán hòa bình có thể tiến hành nếu có sự tôn trọng và khách quan từ nước láng giềng phía Nam của họ là Hàn Quốc.
“Tôi nghĩ rằng chỉ khi duy trì được sự công bằng và thái độ tôn trọng lẫn nhau, mới có thể có sự hiểu biết thông suốt giữa 2 miền Nam – Bắc”, bà Kim Yo Jong nói và cho biết người dân của đất nước bị chia cắt có chung mong muốn hòa bình.
“Tôi cảm thấy bầu không khí của công chúng Hàn Quốc mong muốn khôi phục quan hệ liên Triều khỏi bế tắc và đạt được ổn định hòa bình càng sớm càng tốt” – bà Kim Yo Jong nói: “Chúng tôi cũng vậy, có cùng mong muốn”.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in đắc cử năm 2017 một phần nhờ lời hứa cải thiện quan hệ với Triều Tiên và quay trở lại “chính sách ánh dương” trong hợp tác kinh tế, cũng như mở lại biên giới được kiên cố. Tuy nhiên theo các báo cáo, quan hệ 2 nước từ đó cũng không bớt căng thẳng.
Một tiến trình hòa bình gần đây bắt đầu dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng bị đình trệ. Trong tuần này, nói tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông muốn “ngoại giao bền vững” để đạt được mục tiêu của Washington là giải trừ hạt nhân đơn phương của Triều Tiên.
Tuần trước, Bình Nhưỡng đã nhắc lại khả năng chiến lược của mình khi tiến hành phóng thử một cặp tên lửa đạn đạo di dộng chỉ vài giờ trước khi Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đầu tiên.
Triều Tiên trở thành cường quốc hạt nhân thứ 8 được xác nhận vào năm 2006 khi nước này thử nghiệm một thiết bị nguyên tử dưới lòng đất.
Năm 2017, Triều Tiên kích nổ thành công vũ khí nhiệt hạch có đương lượng nổ 200 kiloton TNT, sau các chuyến bay thử của tên lửa đạn đạo được cho là có khả năng tấn công các vùng ven biển phía tây lục địa Mỹ.