Quân bài chiến lược Mỹ kém hiệu quả

GD&TĐ - Theo Wall Street Journal, vũ khí từng được coi là quân bài chiến lược của Mỹ đang kém hiệu quả với Israel trong nỗ lực chấm dứt xung đột Gaza.

Tiêm kích F-15I do Mỹ sản xuất.
Tiêm kích F-15I do Mỹ sản xuất.

Chính phủ Mỹ bán vũ khí cho Israel được xem không chỉ là biểu tượng của sự ủng hộ mà Washington dành cho đồng minh Trung Đông mà còn là công cụ gây ảnh hưởng hiệu quả với Tel Aviv.

Nhưng khi triển vọng ngừng bắn ở Gaza vẫn mong manh, chính quyền Mỹ đối mặt nguy cơ đòn bẩy quyền lực đó không còn phát huy hiệu quả như kỳ vọng trước đó.

Hồi tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo về thỏa thuận bán vũ khí với tổng giá trị 20 tỷ USD cho Israel sau nhiều tháng trì hoãn.

Thỏa thuận này gồm có 50 tiêm kích F-15I, tên lửa không đối không tầm trung thế hệ mới, phương tiện cơ giới chiến thuật cùng số lượng lớn đạn dược.

Theo kế hoạch, những vũ khí này sẽ được giao đến Israel thành nhiều đợt trong giai đoạn 2026-2029, nhằm duy trì và xây dựng khả năng phòng thủ dài hạn tổng thể cho Tel Aviv.

Việc Mỹ nói về thương vụ vũ khí được đưa ra ngay trước thềm chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhằm thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza.

Tuy nhiên, ông Blinken ngày 21/8 trở về Washington mà không thu được kết quả đột phá nào, dù các cuộc đàm phán được cho là vẫn diễn ra.

Theo cựu quan chức chính phủ Israel, Daniel Levy, với việc nói về thương vụ vũ khổng lồ, chính quyền Mỹ có thể đã muốn khuyến khích Thủ tướng Benjamin Netanyahu chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn với Hamas.

Nhưng ông Daniel Levy thêm rằng cách tiếp cận này có thể đã phản tác dụng, bởi khi Washington cung cấp thêm vũ khí, Thủ tướng Netanyahu cảm thấy rằng mình đã thắng và "ông ấy có thể điều khiển nước Mỹ theo ý mình".

Washington và Tel Aviv có mối quan hệ đặc biệt kể từ khi quốc gia Trung Đông tuyên bố độc lập năm 1948, trong đó viện trợ vũ khí.

Theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội, đến năm 2023, Mỹ đã cung cấp 158,7 tỷ USD cho Israel, trong đó khoảng 124,3 tỷ USD cho quân đội và hệ thống phòng thủ tên lửa.

Tính bình quân hàng năm, Israel nhận hơn 3 tỷ USD viện trợ quân sự từ Mỹ và hầu hết các giao dịch mua vũ khí của nước này được thực hiện bằng nguồn tài trợ của chính phủ Mỹ.

Kể từ khi Hamas tấn công miền nam Israel ngày 7/10/2023, chính phủ Mỹ đã nhiều lần gấp rút cung cấp vũ khí cho Israel, thậm chí sử dụng các quy chế khẩn cấp để viện trợ đạn pháo cho Tel Aviv.

Khi chiến sự kéo dài và gây thương vong lớn cho dân thường, Mỹ đã đưa ra một số cảnh báo về vũ khí để gây sức ép với chính quyền Israel.

Chính quyền Mỹ hồi tháng 3 cảnh báo Israel rằng cuộc tấn công vào Rafah, nơi có hơn triệu người Palestine đang trú ẩn thời điểm đó, sẽ vi phạm "lằn ranh đỏ" của Mỹ.

Tổng thống Biden nói rằng Mỹ không dự định cắt giảm vũ khí, nhưng để ngỏ khả năng từ chối một số hỗ trợ quân sự cho Israel.

Đến tháng 5, khi Israel không giải quyết được những lo ngại của Washington về kế hoạch tấn công vào thành phố Rafah, Nhà Trắng đã hoãn chuyển một lô bom hạng nặng để gây sức ép, nhằm buộc Tel Aviv phải thu hẹp quy mô chiến dịch.

Sau đó Israel đã điều chỉnh kế hoạch tác chiến ở Rafah, điều chính quyền ông Biden cho là nhờ quyết định hoãn chuyển lô bom hạng nặng.

Nhưng chiến dịch của Israel vẫn khiến hầu hết dân thường phải rời thành phố và gây ra nhiều thương vong. Đã có ít nhất 46 người Palestine thiệt mạng khi Israel không kích Tal al-Sultan, trại tị nạn ở Rafah vào cuối tháng 5.

Mỹ sau đó nói rằng cuộc tấn công không vượt 'lằn ranh đỏ' mà ông Biden vạch ra hồi tháng 3. Chuyên gia về an ninh tại Trung tâm Dân chủ Trung Đông, Seth Binder, nói: "Đây là ví dụ cho thấy chính quyền ông Biden đã thất bại. Họ đã bị chỉ trích vì giả vờ can ngăn đối với vấn đề Rafah và bây giờ họ đang nhượng bộ".

Mỹ đã dỡ lệnh cấm cung cấp loại bom hơn 200 kg cho Israel, song vẫn tiếp tục đóng băng lô bom hạng nặng loại 900 kg. Một số nhà quan sát đặt câu hỏi liệu việc giữ lại các lô vũ khí có thực sự tác động nhiều tới Israel.

Một thành viên đảng Cộng hòa trong quốc hội Mỹ nói: "Chiến tranh luôn là thời điểm tệ nhất để cố sử dụng đòn bẩy, bởi đó là khi đối tác ít có khả năng bị chi phối nhất. Các quốc gia sẽ không hạn chế cuộc chiến của họ chỉ vì Mỹ đang cố gắng chống lại cuộc chiến".

Thế nhưng, bất chấp cảnh báo của Mỹ, Israel tiếp tục không kích Gaza, gây thiệt hại nặng nề cho dân thường Palestine. Cuộc không kích của Israel hôm 10/8 vào một trường học ở Gaza City khiến hàng chục dân thường thiệt mạng.

Israel giải thích cho đợt không kích này là trường học đang được lực lượng Hamas sử dụng làm sở chỉ huy đối phó lại Israel.

Phó chủ tịch Rachel Stohl, người phụ trách các chương trình nghiên cứu tại trung tâm Stimson ở Washington, cho rằng việc sử dụng thương vụ vũ khí làm đòn bẩy chính sách là vấn đề khó khăn, không chỉ riêng với Tel Aviv.

Stohl nhấn mạnh: "Chưa có minh chứng rõ ràng nào cho thấy các thương vụ vũ khí có thể làm thay đổi chính sách của quốc gia tiếp nhận chúng. Những gì xảy ra chỉ là chúng ta ngầm cho phép các bên mua vũ khí Mỹ hành động theo một cách nhất định".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Theo đuổi ước mơ

GD&TĐ - Một hôm, trong làng xuất hiện ông lão kỳ lạ, từng lang thang khắp nơi. Hu Wa cùng nhóm bạn nhỏ giống như lũ chim sẻ tíu tít vây quanh ông...