Đặc tính chung của hầu hết các loại rau quả loại này là chứa nhiều nước, nhiều chất xơ, năng lượng thấp, không có chất béo, nên đều có tác dụng giảm cân nếu ăn với số lượng thích hợp.
Song cần chú ý rằng, một số loại quả tuy có năng lượng thấp như: nho ta (14kcal/100g), mận (20kcal/100g), ổi (38kcal/100g)…, nhưng không được khuyến cáo dùng để giảm béo vì có vị chua, gây cảm giác đói và cồn cào, ăn nhiều sẽ có hại cho dạ dày.
Nhưng một số loại rau quả dưới đây có tác dụng giảm béo hiệu quả, mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người đang trong quá trình giảm cân, và đã được các nhà khoa học nghiên cứu trên thử nghiệm lâm sàng.
Thành phần hóa học của 100g một số loại rau quả có tác dụng giảm béo như sau:
Dưa chuột: là loại trái cây thuộc họ bầu bí, có chứa rất ít đường, vị thanh mát, nhiều axít amin, vitamin C, vitamin A (beta caroten). Ta có thể thấy dưa chuột là một trong những loại rau quả có năng lượng thấp nhất, chỉ 16kcal/100g.
Lượng nước rất nhiều nên có tác dụng giải tỏa cơn khát nhanh chóng. Trong quả dưa chuột, có chất propyl alcohol diacid, thuộc nhóm flavonoid, có thể hạn chế các loại đường chuyển thành chất béo.
Vì vậy, ăn dưa chuột có tác dụng giảm béo rất tốt. Đặc biệt, trong dưa chuột có axít tartaric, cũng có tác dụng ngăn ngừa carbonhydrate chuyển hóa thành chất béo.
Ngoài ra, hàm lượng beta carotene trong dưa chuột rất cao (138 microgam), nên có tác dụng chống oxy hóa, làm chậm quá trình lão hóa da, làm mờ mụn tàn nhang, nếp nhăn trên mặt.
Roi (mận): Đây là loại quả có năng lượng rất thấp (16kcal/100g), hàm lượng nước cao (93g/100g), và đặc biệt, hàm lượng chất xơ trong gioi rất cao (2,9g/100g).
Vì vậy, được nằm trong nhóm quả có tác dụng giảm béo rất tốt. Hàm lượng chất xơ cao có tác dụng quét các chất béo và đường dư thừa ra khỏi đường tiêu hóa qua bài tiết.
Thêm vào đó, lượng chất xơ cao còn có tác dụng làm cho lượng đường hấp thu vào trong máu một cách từ từ, tránh làm tăng insulin máu; vì thế có tác dụng phòng chống đái tháo đường.
Củ đậu: Củ đậu có hàm lượng nước cao, không có chất béo. Cũng giống như dưa chuột, lượng nước trong củ đậu cao (92g/100g củ đậu), năng lượng thấp (28kcal/100g); vì thế, cũng là một loại rau củ giúp giảm cân hữu hiệu. Đây là món ăn dân dã của các gia đình.
Cải bắp: Đây cũng là một trong những loại rau quả được nghiên cứu nhiều về tác dụng giảm béo. Ngoài việc năng lượng của cải bắp thấp (29kcal/100g), giàu chất xơ (1,6g/100g), tác dụng giảm béo của bắp cải là ở chất anthocyanis, thuộc nhóm flavonoid, có tác dụng giảm insulin.
Vì thế, cũng làm giảm hấp thu đường vào máu. Món súp cải bắp đã được đưa vào nhiều thực đơn giảm béo, đã chứng tỏ hiệu quả giảm cân rõ rệt.
Trong những trường hợp béo phì nặng, có thể ăn súp bắp cải trong thực đơn hàng ngày, mà không nguy hại đến sức khỏe vì thành phần dinh dưỡng của bắp cải khá cân đối, với hàm lượng protein cao so với các loại rau quả (1,8g/100g) và lượng gluxit ở mức trung bình 5,3g/100g, nên không gây hạ đường huyết.
Bưởi: Các thành phần hóa học trong bưởi có tác dụng làm giảm lượng insulin trong máu
Các thành phần hóa học trong bưởi có tác dụng làm giảm lượng insulin trong máu
Bưởi là loại quả được nhiều nhà khoa học nghiên cứu về tác dụng giảm béo. Một số công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ tại Trung tâm nghiên cứu về tiêu hóa và dinh dưỡng cho thấy các thành phần hóa học trong bưởi có tác dụng làm giảm lượng insulin trong máu.
Vì thế, sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn. Chất flavonoid có trong bưởi có tác dụng tăng khả năng của gan đốt cháy các chất béo dư thừa, giảm hấp thu glucoza trong máu, làm giảm lượng triglyxerit (chất béo) trong máu. Ngoài ra, trong bưởi, hàm lượng vitamin C rất cao (95mg), có tác dụng chống oxy hóa, vì vậy giảm nguy cơ gây ung thư.
Táo ta: Trong táo có chứa pectin, một chất có khả năng làm giảm cơn đói nhanh, và giúp ổn định lượng glucoza trong máu, loại bỏ lượng mỡ dư thừa trong cơ thể. Để đạt được tác dụng giảm cân hiệu quả nhất, bạn nên ăn táo cả vỏ, vì vỏ táo chứa nhiều chất xơ nhất.
Táo còn cung cấp một lượng vitamin C cao (34mg/100g), có tác dụng làm tăng sức bền thành mạch và sức đề kháng của cơ thể.