Người phụ nữ duy nhất đổ bộ lên Normandy

GD&TĐ - Một nhà báo nữ đã liều lĩnh lén theo đoàn quân Đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy vào ngày D để đưa tin về trận tấn công có ý nghĩa quyết định trong Thế chiến thứ Hai. Là phóng viên chiến trường năng nổ, người phụ nữ này có mặt ở hầu hết các điểm nóng cho đến tuổi 80. 

Martha Gellhorn tác nghiệp ở chiến trường
Martha Gellhorn tác nghiệp ở chiến trường

Phóng viên chiến trường năng nổ

Cuộc đổ bộ của quân Đồng minh vào các bãi biển vùng Normandy của Pháp ngày 6/6/1944 là một trong những mốc lịch sử quan trọng của Thế chiến thứ Hai. Đây là cuộc tấn công từ biển vào đất liền lớn nhất trong lịch sử với hơn 150.000 quân lính của Hoa Kỳ, Anh, Canada cùng với quân kháng chiến Pháp, Tiệp Khắc, Ba Lan, Bỉ, Hà Lan, Na Uy, theo các chiến hạm lớn nhỏ từ miền nam nước Anh kéo vào đất Pháp lúc bấy giờ đang nằm dưới sự kiểm soát của Đức Quốc xã. 

Vào đêm trước cuộc đổ bộ, hơn 1.000 phóng viên chiến trường trên khắp châu Âu có mặt để tường trình sự kiện này cho hàng triệu người Anh và người Mỹ ở quê nhà. Một số các nhà báo và phóng viên ảnh này là phụ nữ. Nhưng đáng tiếc là có lệnh cấm từ chính phủ không cho phép phụ nữ ra tiền tuyến nên các phóng viên nữ đang tác nghiệp trong vùng chiến sự không được theo đội quân đổ bộ.

Có thể hiểu được sự thất vọng của những nữ phóng viên trước lệnh cấm này như thế nào. “Đối với tôi, tường trình về cuộc chiến tranh này là cần thiết”, Martha Ellis Gellhorn viết trong một bức thư với lời lẽ giận dữ gửi các chỉ huy quân đội, “Tôi không cảm thấy có nhu cầu van xin để được phục vụ như tai mắt của hàng triệu người ở Mỹ đang mong muốn được chứng kiến, nhưng không thể thấy được”.      

Martha Ellis Gellhorn là một phóng viên chiến trường người Mỹ, làm việc cho tạp chí Collier’s. Nhiều người biết cô là người vợ thứ ba của Ernest Hemingway, nhưng những thành tựu của cô trong nghề báo còn sáng chói hơn cuộc hôn nhân ngắn ngủi với nhà văn nổi tiếng.   

Gellhorn bắt đầu sự nghiệp báo chí trong thời Đại suy thoái (1929 - 1933), làm việc với vai trò nhân viên điều tra thực địa cho Cục quản lý cứu trợ khẩn cấp Liên bang (FERA) do Tổng thống Franklin D. Roosevelt thành lập để tường trình về tác động của sự suy thoái lên đất nước. Sau đó, năm 1937, cô đến Tây Ban Nha đưa tin về cuộc nội chiến ở đây. Trong thời kỳ này, cô gặp Ernest Hemingway, người cũng đang ở Tây Ban Nha với vai trò phóng viên. Họ kết hôn năm 1940 và cô trở thành người vợ thứ ba của Hemingway, còn nhà văn trở thành chồng thứ hai của Gellhorn.

Cuộc hôn nhân của Gellhorn và Hemingway gặp trắc trở ngay từ đầu. Gellhorn không hài lòng vì Hemingway từ chối cắt đứt hẳn với người vợ thứ nhì ngay cả khi hai người gặp gỡ nhau, trong khi đó sự vắng mặt thường xuyên của Gellhorn vì công việc của một nhà báo đã khiến Hemingway bực bội.

Khi ngày D (D-Day) đến gần, cuộc hôn nhân của họ đi vào ngõ cụt. Để giữ Gellhorn ở lại, Hemingway tìm mọi cách ngăn chặn bất cứ cơ hội nào mà Gellhorn có được để ra mặt trận. Nhưng Martha Gellhorn không dễ dàng bị khuất phục. Cô quyết phải có mặt ở điểm nóng này cho bằng được.  

Vào đêm 6/6/1944, trước khi các con tàu khởi hành đến Normandy, Gellhorn tìm cách đến bến tàu lấy lý do phỏng vấn các y tá trên một con tàu bệnh viện. Khi đã lên tàu, cô lẻn vào phòng tắm trốn ở đây. Gellhorn biết rằng nếu bị phát hiện, cô sẽ mất thẻ hành nghề và bị tống trở về Mỹ.

Tuy nhiên, để chứng kiến cuộc đổ bộ quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh này thì phải chấp nhận những nguy cơ. Gellhorn ở nơi ẩn náu nhiều giờ liền và chỉ ra khỏi nơi đây khi con tàu lên đường đến Pháp. Tối hôm đó, sau khi các đội quân đã đổ bộ và cuộc thảm sát trên bờ biển kết thúc, Gellhorn lén lên bờ với hai bác sĩ và nhân viên cứu thương, giả làm người khiêng cáng đi thu thập thương binh. Trong sự hỗn loạn của trận chiến, không ai để ý và kết tội Gellhorn vì sự có mặt của cô ở tuyến đầu này.        

Martha Gellhorn trở thành người phụ nữ duy nhất đổ bộ lên Normandy cùng với đoàn quân của Đồng minh. Những phụ nữ khác sau đó cũng tiếp bước cô nhưng trễ hơn nhiều. Nhóm phụ nữ đầu tiên, các thành viên của Đoàn nữ quân nhân Mỹ, lên Normandy 38 ngày sau đó. 

Ngay sau khi Gellhorn đăng bài tường thuật trận đánh trên tờ Collier’s, quân cảnh đã bắt giữ cô. Họ tước thẻ hành nghề và đưa cô đến một trại huấn luyện y tá ở ngoại thành London. Gellhorn sau đó cũng thoát khỏi trại bằng cách thuyết phục một phi công người Anh bay cùng cô đến Italy. “Tôi theo chiến tranh bất cứ nơi nào tôi đến được”, Gellhorn nhớ lại.

Nhà báo Martha Gellhorn, ảnh chụp năm 1978, ở tuổi 70
 Nhà báo Martha Gellhorn, ảnh chụp năm 1978, ở tuổi 70

Theo nghề đến cuối đời

Martha Gellhorn tiếp tục tác nghiệp trong mọi cuộc xung đột mà quốc gia của bà có liên quan. Bà vẫn có mặt ở tuyến đầu để tường trình về các cuộc nội chiến ở Trung Mỹ ngay khi đã ở tuổi 70. Và thật khó tin, ở tuổi 81, bà vẫn còn tham gia trong đội ngũ phóng viên đưa tin về cuộc xâm chiếm Panama của Mỹ vào năm 1989. Chỉ đến khi cuộc chiến ở Bosnia diễn ra, bà mới quyết định từ bỏ nghề, tuyên bố rằng đã “quá già” không còn đủ “lanh lợi” để tham gia đưa tin về chiến tranh nữa. 

Khi Gellhorn gần bước sang tuổi 90, mắt của bà đã hỏng và bà gần như bị mù. Ngoài ra, bà còn bị ung thư buồng trứng di căn sang gan. Bà tự tử năm 1998, ở tuổi 90, bằng cách uống một ống cyanide.

Theo Amusingplanet

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ