Nhà báo chiến trường
Liệt sĩ, nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng, sinh năm 1935 tại xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Lương Nghĩa Dũng (1935 - 1972) nguyên là phóng viên ảnh Phòng Thông tấn Quân sự, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, biệt phái sang TTXVN từ năm 1966 đến 1972.
Trong sự nghiệp của mình, ông đã để lại hơn 2.200 tấm phim ảnh về cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của nhân dân ta. Đây là nguồn tư liệu vô giá về các cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệc của quân và dân ta. Toàn bố số tư liệu trên đang được Phòng Tư liệu, Ban Biên tập ảnh TTXVN lưu giữ.
Theo tư liệu của Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Năm 1972, ông vừa ở Lào về thì được nhận lệnh chuẩn bị đi chiến dịch Quảng Trị gấp. Ông cùng đồng đội lên đường tới Quảng Trị - dải đất máu lửa một thời đã quá quen thuộc.
Ngày 30/3/1972, quân ta đồng loạt tấn công nhiều căn cứ địch ở phía Nam, phía Bắc đường số 9 và dọc đường số 1 gồm cao điểm 24, 288, 365, các căn cứ An Nha, Động Toàn, Ba Hồ, Đầu Mầu, Đông Hà, Ái Tử, Mai Lộc, Gio Linh, Cam Lộ, Dốc Miếu, Quán Ngang, Nhi Trung, Bái Sơn... ông được Bộ Tư lệnh Mặt trận đồng ý cho đi cùng mũi xung kích đánh chiếm cao điểm 365.
Trận đánh này, ông đã vào cuộc mãnh liệt như một cảm tử quân. Bức ảnh “Đánh chiếm cao điểm 365” ghi lại hình ảnh của ba chiến sỹ lao lên cửa lô cốt trong khói đạn mù mịt là một minh chứng. Bức ảnh thể hiện rõ nét sự dũng cảm tuyệt vời của người lính xung kích, đồng thời cũng nói lên sự quả cảm hết mình của người chụp.
Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành, nguyên Trưởng ban Biên tập ảnh TTXVN, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết: “Lương Nghĩa Dũng đã chết hụt nhiều lần trong các trận chiến để có được những bức ảnh chiến tranh đáng quý như bây giờ. Và rồi ông đã hy sinh anh dũng trong khi đang tác nghiệp (năm 1972 tại chiến trường Quảng Trị). Chỉ có ông và những người như ông mới dám nhìn thẳng vào họng súng và cột khói bom để chớp lấy những khoảnh khắc hào hùng và bi tráng của cuộc chiến”.
Liệt sĩ, nhà báo, nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng |
Nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng
Với bút danh Nghĩa Mạnh, ông đã có nhiều tác phẩm ảnh xuất sắc ghi lại nhiều điểm nóng, nhất là các trận địa pháo cao xạ. Bởi vậy, bạn bè đồng nghiệp và các chiến sĩ khi ấy đã gọi ông là nhà nhiếp ảnh của Trường Sơn (tất cả các chiến dịch lớn như Khe Sanh 1967 - 1968, Cánh đồng Chum - Mường Xủi (Lào) 1970 - 1971, Đường 9 Nam Lào 1971 - 1972 và giải phóng Quảng Trị 1972, ông đều có mặt và ghi dấu ấn bằng những bức ảnh tường thuật mạnh mẽ đầy phong cách riêng).
Những bức ảnh của ông luôn nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng: Lửa thiêu máy bay Mỹ (Hải Dương, năm 1967), Nữ pháo binh Ngư Thủy (Quảng Bình, 1968), Xốc tới (Đường 9 Nam Lào 1971), và Chống lầy đưa xe tăng vào trận (Quảng Trị 1972). Các tác phẩm này đã gây ấn tượng mạnh với người xem.
Thật không phải ngẫu nhiên mà trong cuốn sách ảnh Hồi niệm (REQUIEM) của hai nhà nhiếp ảnh Horst Fass và Tim Page người Mỹ, từng có mặt tại chiến trường Đông Dương, giới thiệu ảnh của 135 nhà nhiếp ảnh từ hai phía đã ngã xuống trên chiến trường Việt Nam có đến 13 tác phẩm ảnh của ông.
Tiêu biểu như bức ảnh “Đấu pháo ở Dốc Miếu” đạt Giải thưởng Nhà nước năm 2007 đã được in trang trọng trong sách; Bức ảnh “Đánh chiếm điểm cao 365” là 1 trong 5 ảnh của cụm tác phẩm “Những khoảnh khắc để lại” vừa được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016. Đây là sự gặp gỡ, sự đồng cảm của những nhà nhiếp ảnh chân chính.