Thấm thoắt 4 năm trôi nhanh trên giảng đường, Quang về dạy ở một trường THPT. Niềm vui ấm lòng chưa bao lâu, thầy giáo trẻ đã phải “nếm trải” dư vị chẳng mấy ngọt ngào của sự phân biệt môn “chính”, môn “phụ”.
Môn học: “Nhất bên trọng, nhất bên khinh”
Việc coi thường những môn học được cho là “phụ” (ví dụ: Giáo dục Thể chất, Giáo dục Công dân, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật...), có thể nói đang diễn ra khá phổ biến trong tâm lý HS phổ thông hiện nay.
Với Quang, kỷ niệm về ngày 20/11 vào năm đầu chính thức đứng trên bục giảng, thật khó quên. Sau khi dự mít tinh, liên hoan ở trường; Quang về nhà để tiếp học sinh. Do môn Giáo dục Công dân ở cấp THPT mỗi tuần chỉ có 1 tiết nên anh phải dạy tới hơn 10 lớp, cộng với công tác chủ nhiệm mới đủ tiêu chuẩn cơ số giờ theo quy định. Ấy vậy mà, quanh đi, quẩn lại cũng chỉ có học sinh lớp Quang chủ nhiệm đến tặng hoa; chỉ vì anh là thầy giáo môn “phụ”.
Tương tự, vào các ngày tết, lễ, các thầy cô giáo dạy Toán, Văn, Lý, Hoá… đều chiếm vị trí “ưu tiên” trong “danh sách chúc mừng” của học sinh. Biết được điều đó, Quang đã tự “lên dây cót” tâm lý cho chính mình. “Thật khó để trách các em, đó là tâm lý chung của HS và cha mẹ HS khi chú trọng vào các môn học chính. Thôi thì chỉ còn biết tâm sự với đồng nghiệp để được chia sẻ, cảm thông” - Quang cho biết.
Còn cô Hương, giáo viên dạy Mỹ thuật ở một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội tâm sự: Cô đã quen với cách hành xử gắn với quan niệm về môn học, theo kiểu “nhất bên trọng, nhất bên khinh” của phụ huynh và học sinh. Bởi thế cho nên, mỗi dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3)… đã diễn ra cảnh tượng trái ngược: Người ôm hoa không hết, kẻ nhàn tản “đìu hiu”.
Môn “phụ”: Muôn nỗi trần ai…
Nói chuyện đi dạy của mình, Vinh (tốt nghiệp Khoa Giáo dục Chính trị, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), giáo viên dạy môn Giáo dục Công dân ở một trường THCS, cười buồn: “Mình may mắn được đi dạy. Chứ ở một số nơi, do biên chế có hạn và tính đặc thù của bậc học nên họ có thể bố trí giáo viên kiêm nhiệm bộ môn của mình: Ví dụ: Văn - Giáo dục Công dân, Sử - Giáo dục Công dân; Địa - Giáo dục Công dân...”.
Nhưng điều đáng nói hơn là môn “chính, phụ” đồng nghĩa với điều kiện kinh tế xem ra cũng khác nhau. Ở vùng quê, phần lớn giáo viên THCS dạy các môn “chính” (Toán, Văn, Anh văn…) đã vất vả nay lại đảm nhiệm vai trò môn “phụ” như Vinh. Vì vậy, mặc dù đã có thâm niên đi dạy gần 10 năm rồi mà Vinh vẫn phải “méo mặt” khi thường xuyên đối mặt với tình trạng “thâm hụt” ngân sách thu - chi cá nhân.
Chưa hết tháng đã hết tiền là “căn bệnh kinh niên” không chỉ của Vinh mà còn đối với đa số nam giáo viên trẻ. Mệt nhất là thỉnh thoảng “phụ huynh” của các thầy cứ ca cẩm về việc ra trường đã nhiều năm liền mà chưa tiết kiệm được gì. “Nhưng khổ nỗi cái thân “anh giáo làng” lại dạy môn “phụ” như mình thì lấy đâu ra mà tiết kiệm cơ chứ! Đến ăn còn chẳng đủ nữa là…” - Vinh chua chát nói.
Nhưng rồi “đói thì đầu gối phải bò”. Năm ngoái, Vinh “liều mạng” vay vốn của gia đình (sau khi ra sức thuyết phục bố mẹ về dự án “làm ăn” của mình) để hùn với một đồng nghiệp dạy Hóa - Sinh, mở cửa hàng photocopy kiêm in bưu thiếp, tem nhãn; kinh doanh văn hóa phẩm… ở khu vực thị tứ. May mắn là nhờ các mối quan hệ của gia đình nên cửa hàng cũng không đến nỗi phải đóng cửa. Nghe Vinh nói, bỗng dưng tôi cảm thấy hình như sống mũi cay cay…