Chỉ có vỏn vẹn hai ngày để lên ý tưởng và lập kế hoạch, cả nhóm dí dỏm: “Đó là 48 giờ căng thẳng nhưng đầy thú vị khi lập nên những hành trình du lịch thân thiện với trẻ em”.
Những chàng trai của “Travel Hero” đang làm ngày cày đêm để ý tưởng mau chóng thành hiện thực.
Chuyện của những thanh niên đi bụi...
Mai Phong Philip, thành viên “già” nhất nhóm, kể lại về ý tưởng viết phần mềm di động “Travel Hero”: “Mình chơi chung với nhóm bạn trong hội “World race” (hay còn gọi là những thanh niên mê đi bụi).
Họ là những người trẻ từ khắp nơi trên thế giới tụ lại thành một hội chuyên đi phượt (du lịch bụi) tự do để trải nghiệm cuộc sống. Nhiều lần, bạn bè trong hội chia sẻ rất muốn những chuyến đi của mình không chỉ là du lịch đơn thuần.
Họ muốn làm điều gì đó có ý nghĩa trên những vùng đất đã đặt chân đến, như tự gây quỹ hỗ trợ các vấn đề an sinh xã hội, phúc lợi cho trẻ em tại các nước đang phát triển. Tình cờ bắt gặp cuộc thi của Unicef, mình đã nghĩ đến họ và kết hợp với chủ đề cuộc thi để cho ra đời dự án “Travel Hero””.
Vượt qua hơn 100 ý tưởng
Giữa năm 2013, Unicef VN tổ chức cuộc thi Hakathon sử dụng smartphone viết phần mềm di động với chủ đề “Sáng tạo vì trẻ em”, phục vụ việc hỗ trợ quyền trẻ em ở VN.
Vượt qua hơn 100 ý tưởng trong cả nước, “Travel Hero - du lịch có trách nhiệm” của bốn chàng trai trong nhóm “Ocean 4” đã giành một trong hai giải nhất cho dự án nói trên.
Tại sao lại là “Travel Hero”? Vũ Hoàng Sơn, lập trình viên của “Ocean 4”, lý giải: “Đó là một trò chơi dựa trên hành trình du lịch có trách nhiệm vì trẻ em.
Bạn sẽ được phần mềm của “Travel Hero” hướng dẫn các địa điểm du lịch lý tưởng tại VN, đồng thời khuyến khích, giới thiệu và dẫn đường đến các trung tâm, nhà mở, nhà bảo trợ trẻ em...
Khi bạn phượt và dừng chân tại mỗi điểm nhà mở, nhà bảo trợ trẻ em để tham quan, hỗ trợ các bé tùy theo khả năng, sở thích, bạn sẽ giành được những điểm thưởng tích lũy.
Tiếp tục với các điểm dừng “có trách nhiệm” khác, điểm tích lũy tăng dần.
Cuối cùng khi kết thúc hành trình, bạn sẽ có số điểm thưởng được quy đổi thành các phiếu giảm giá cho một số dịch vụ trên hành trình “phượt” như giảm giá tại các nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan du lịch...”.
Dựa trên một khảo sát với 300 người đi du lịch đến Thái Lan, Lào, Campuchia và VN của Tổ chức Australian AID và World Vision, nhóm “Ocean 4” chia sẻ: “49,5% người tham gia khảo sát đều cảm thấy có trách nhiệm phải giúp đỡ trẻ em và thanh thiếu niên ở địa phương họ đến du lịch- thêm một lý do để chúng tôi tự tin làm game cộng đồng cho những bạn trẻ đam mê “phượt” có trách nhiệm này”.
“Vi vu” có trách nhiệm
Một trong các giám khảo của dự án là Đỗ Thị Thúy Hằng - giám đốc website đặt phòng trực tuyến ivivu - đánh giá khá tốt về dự án. “Với ý tưởng “vi vu có trách nhiệm” dành cho cộng đồng trẻ em Việt có hoàn cảnh khó khăn, Hằng rất thích thú.
Hi vọng “Ocean 4” sớm hoàn thành các bước triển khai ban đầu để dự án đi vào hoạt động.
Ông Trần Công Bình, chuyên gia bảo vệ trẻ em (Unicef VN), cho biết: “Nhóm “Ocean 4” đã đạt tổng số điểm cao nhất, đồng thời nhận được nhiều đánh giá tích cực từ ban giám khảo trên bốn tiêu chí: tính sáng tạo, đột phá, tính khả thi và độ tin cậy về mặt kỹ thuật của ứng dụng, tính thực tiễn và bền vững, cuối cùng là cách trình bày hiệu quả.
Ngoài ra nhóm đã thuyết phục được mọi người về việc hiện thực hóa ý tưởng xây dựng “mô hình du lịch thân thiện với trẻ em” bằng ứng dụng di động có các chức năng thiết yếu, giản tiện, hữu dụng và thú vị”.
Những ngày đầu tháng 3 nóng nực này, trong quán cà phê nhỏ của Mai Phong Philip ở quận 7, các thành viên “Ocean 4” đang miệt mài hoàn thành bản demo cho phần mềm.
“Tụi mình giờ ăn ngủ ở đây để làm việc. Dự kiến từ giờ đến cuối năm có thể triển khai phần mềm. Khó khăn lớn nhất là việc kêu gọi tình nguyện viên tham gia dự án.
Vì sức lan tỏa của phần mềm phải dựa trên sự kết nối của cộng đồng, đặc biệt là mạng lưới các tổ chức phi chính phủ hoạt động vì trẻ em tại VN. Họ là nguồn dẫn cũng như địa chỉ tin cậy để chúng tôi sàng lọc và giới thiệu các điểm đến cho cộng đồng phượt” - Vũ Hoàng Sơn bộc bạch.