Phương Tây giúp Ukraine lập lá chắn thép trên không

GD&TĐ - Cùng với tiêm kích F-16, các hệ thống phòng không IRIS-T và Patriot được kỳ vọng tạo ra lá chắn thép, vá các lỗ hổng phòng không cho Ukraine.

Phương Tây giúp Ukraine lập lá chắn thép trên không

Washington và các đồng minh như Đức và Canada đang có kế hoạch phát triển hệ thống phòng không và tên lửa không đối không cho Kiev, với hy vọng loại vũ khí này cuối cùng có thể thay thế các loại vũ khí kiểu Liên Xô mà Lực lượng Vũ trang Ukraine hiện có, nhưng cũng đang dần dần mất đi.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin cho biết trong cuộc họp của nhóm liên lạc về Ukraine tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức rằng, các đồng minh và đối tác trong NATO sẽ nỗ lực hết sức giúp Ukraine lập một lá chắn thép vá những lỗ thủng trong hệ thống phòng không quốc gia trước các hệ thống vũ khí mạnh mẽ của Nga.

Theo đó, Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ của một số công ty sản xuất quốc phòng châu Âu, cùng với các nhà thầu Ukraine, đang phát triển và tạo ra hệ thống thay thế cho các tổ hợp tên lửa phòng không S-300, cũng như tên lửa không đối không R-27.

Ngoài ra, người đứng đầu bộ quốc phòng Canada là ông Bill Blair cũng cho biết, nước ông đã mua hệ thống phòng không NASAMS cho Ukraine từ người Mỹ vào tháng 3 năm 2023, với tổng ngân sách khoảng 400 triệu USD.

Hiện nay, Tập đoàn Raytheon của Mỹ vẫn chưa sản xuất xong những loại vũ khí cần thiết nhưng Bộ trưởng Bill Blair tin tưởng rằng, những lô đầu tiên sẽ đến Kiev vào tháng 1 năm sau, giúp nước này ngăn chặn các đòn đánh từ tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

Một ngày trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng tuyên bố chuyển giao thêm 17 hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T (gồm 8 hệ thống IRIS-T SLM và 9 hệ thống IRIS-T SLS) cho Ukraine.

Bốn hệ thống trong số đó sẽ được giao trước cuối năm nay, số còn lại sẽ được các đơn vị Ukraine sử dụng vào đầu năm 2025.

Tính tổng cộng, đến năm 2026, chính quyền Berlin có kế hoạch cung cấp 24 hệ thống phòng không loại này cho Lực lượng Vũ trang Ukraine. Một nửa trong số này sẽ được thiết kế cho tên lửa phòng không tầm ngắn và phần còn lại sẽ sử dụng đạn tên lửa tầm trung.

Ngoài ra, Đức với sự hợp tác của Đan Mạch và Hà Lan, có kế hoạch trong 2 năm 2024-2025 sẽ chuyển thêm 77 xe tăng Leopard 1A5 và 12 tổ hợp pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 cho Lực lượng Vũ trang Ukraine nâng cao khả năng tác chiến của lực lượng bộ binh cơ giới.

Người đứng đầu bộ quốc phòng Đức Boris Pistorius công bố trong cuộc họp báo tại căn cứ không quân Ramstein rằng, chi phí của số pháo được chuyển giao sẽ vào khoảng 150 triệu euro.

Giới quan chức Mỹ và châu Âu tin rằng, cùng với tính năng tiên tiến và khả năng cơ động rất cao của tiêm kích F-16, các hệ thống phòng không Mỹ và châu Âu như IRIS-T và Patriot được hy vọng sẽ tạo ra lá chắn thép, vá các lỗ hổng trong lưới phòng không quốc gia Ukraine, khiến nước này có thể đứng vững trước các đòn tập kích từ trên không của Nga.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ