Phương pháp thực hiện tốt bài thi môn Lịch sử

GD&TĐ - Nhiều thí sinh gửi thư đến Hộp thư tuyển sinh hỏi để làm tốt bài thi môn Lịch sử cần đáp ứng những tiêu chí gì? Các số liệu, thông tin sự kiện quan trọng như thế nào khi làm bài? Có phải cách làm bài thi môn Lịch sử như làm bài văn? Kinh nghiệm trình bày bài thi môn Lịch sử thế nào cho đạt hiệu quả tốt nhất? Làm thế nào để khắc phục việc quên và nhớ thiếu các con số, ngày tháng sự kiện?

Phương pháp thực hiện tốt bài thi môn Lịch sử

Hộp thư tuyển sinh xin trả lời:

Theo các giáo viên dạy Sử, để làm tốt một bài thi Lịch sử, điều đầu tiên thí sinh phải trả lời đúng ý câu hỏi, có tư liệu, có lập luận chú ý viết đúng câu, đủ câu.

Để thực hiện tốt một bài thi Lịch sử rất cần đến những tư liệu và sự kiện, vì lịch sử là những sự kiện, hoạt động có thật diễn ra trong quá khứ.

Các sự kiện được tổng hợp, kết nối một cách hợp lý theo như vốn có sẽ tạo nên lịch sử, sự kiện lịch sử là chất liệu, là những viên gạch để nhà sử học xây dựng nên câu chuyện hay ngôi nhà lịch sử.

Thí sinh cần phải hiểu rằng, Sử không phải là Văn. Lịch sử được tạo nên bởi các sự kiện lịch sử. Để làm một bài sử không thể thiếu các sự kiện, tư liệu lịch sử. Những sự kiện đó bao gồm sự kiện thành văn, hiện vật, hình ảnh, âm thanh, nhân chứng...

Tuy nhiên, một bài sử nếu có sự kiện đầy đủ, điển hình và được trình bày với một khả năng văn học tốt thì kết quả sẽ cao hơn nhiều so với chỉ có liệt kê các sự kiện, câu chữ sai ngữ pháp...

Nhưng để trình bày bài thi tốt thì thí sinh cũng phải sử dụng những kiến thức văn học như: Ngôn ngữ, bố cục, lập luận đúng các quy phạm chung của văn học.

Nhiều thí sinh đã từng thi môn này đạt điểm số cao cho rằng, kinh nghiệm làm bài thi môn này tốt nhất là dùng các tư liệu một cách logic nhất để trình bày các vấn đề lịch sử.

Trong quá trình làm bài thi và tuỳ theo nội dung cấu trúc của đề thi thí sinh phải biết cân đối thời gian hợp lý cho từng câu hỏi. Cần phải chắt lọc để có sự kiện vừa đủ, không cần quá chi tiết tràn lan, liệt kê các sự kiện làm loạn vấn đề, vừa mất thời gian lại dễ thừa ý phản tác dụng với người chấm.

Thí sinh cần phải đặc biệt lưu ý là việc xử lý thông tin, tư liệu sẽ phản ánh tư duy biện chứng của người làm bài. Đó là thông qua các sự kiện, cần phải biết cách chọn lọc, phân tích tổng hợp và đưa ra những nhận xét, đánh giá của mình về vấn đề đó.

Cách tốt nhất để khắc phục việc nhớ sai, quên nhân vật, ngày tháng và con số trong các sự kiện lịch sử là cần phải nắm chắc kiến thức cơ bản, diễn biến chính và biết phân kỳ lịch sử chính xác, trên cơ sở đó để hình dung ngày tháng, nhân vật, số liệu cần thiết tránh được việc phải nhớ quá nhiều và nhầm lẫn.

Trong các đề thi và đáp án, thường đã lưu ý đến vấn đề này do đó, thí sinh cũng không nên mất quá nhiều thời gian để nhớ mọi số liệu, sự kiện chi tiết của mỗi sự kiện, mỗi vấn đề.

Tuy nhiên, thí sinh cần phải nhớ một vài số liệu chính yếu, trường hợp nếu có sai sót thì bài thi sẽ không được điểm tối đa, thế nên khi làm bài cần tránh việc hiểu sai đề hoặc lạc đề, nhầm lẫn giai đoạn lịch sử hay có những đánh giá nhận định thể hiện sự không hiểu bài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ