Để học trò thêm yêu văn chương
Môn Ngữ văn đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của học sinh. Trong nhà trường, các em được tiếp xúc với nhiều tác phẩm văn học kinh điển, hấp dẫn, lôi cuốn của Việt Nam và thế giới. Để các tác phẩm trở nên sống động, hấp dẫn, lưu dấu ấn sâu đậm trong tâm trí, ngoài truyền thụ kiến thức của thầy cô qua tiết dạy thì “sân khấu hóa” là hình thức khá hiệu quả.
Theo cô Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhiều năm nay, nhà trường liên tục tổ chức cuộc thi “Sân khấu hóa các tác phẩm văn học” cho học sinh. Qua đây không chỉ giúp người học khám phá các giá trị văn chương, mà còn thêm hiểu, thêm yêu văn học nghệ thuật, phát huy tối đa sự sáng tạo, kỹ năng diễn xuất.
Học sinh chọn nhiều tác phẩm dân gian để sân khấu hóa như sử thi Trường ca Đam San, các câu chuyện ngụ ngôn, truyện cười với ý nghĩa giáo dục sâu sắc; những tác phẩm về tình yêu đất nước, tấm gương thiếu nhi dũng cảm như Tuổi thơ dữ dội của nhà văn Phùng Quán; một số trích đoạn của văn học hiện thực phê phán cũng được đưa lên sân khấu một cách chân thực, lôi cuốn: Sống chết mặc bay, Đồng hào có ma...
“Khi chuyển thể tác phẩm thành sân khấu, các em đã sáng tạo lời thoại, các chi tiết để mâu thuẫn và hành động kịch tính được đẩy cao. Qua đó kỹ năng cảm, hiểu tác phẩm của học sinh được nâng lên. Hơn tất cả, so với tác phẩm văn học được đọc bằng mắt thì việc được tiếp thu bằng các giác quan qua sân khấu hóa sẽ thú vị, hấp dẫn hơn nhiều nên học sinh thích hình thức này”, cô Vân Hồng bày tỏ.
Đóng chân tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội), cô Nguyễn Thị Lan Anh - Hiệu trưởng Trường THPT Lam Hồng cho rằng, tổ chức chuyên đề ngoại khóa “sân khấu hóa tác phẩm văn học” được Tổ Ngữ văn của trường triển khai thường xuyên trong những năm qua. Điều này giúp học sinh được ôn tập, mở rộng kiến thức và cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp các tác phẩm đã học, hiểu rõ hơn về vai trò của văn chương trong việc bồi dưỡng tâm hồn con người.
Sân khấu hóa giúp học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi thông qua việc nghe, nhìn, trao đổi những hiểu biết của mình về các tác phẩm văn học. Hình thức này còn tạo ra sân chơi lành mạnh, sôi nổi và bổ ích, góp phần làm phong phú đời sống sinh hoạt tập thể, giảm bớt căng thẳng sau những giờ làm việc, học tập. Từ đó, các em thêm tự hào về truyền thống cha anh trong công cuộc chống giặc ngoại xâm và đời sống tâm hồn phong phú của nhân dân.
Áp dụng linh hoạt nhiều môn
Dưới góc nhìn chuyên môn, cô Nguyễn Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thượng Hiền (Ứng Hòa, Hà Nội) cho rằng, phương pháp sân khấu hóa là cách tổ chức hoạt động học tập dưới dạng các vở kịch, tiểu phẩm hoặc tình huống đóng vai. Mô hình này có thể áp dụng hiệu quả ở nhiều môn học như: Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Khoa học tự nhiên (Sinh học, Hóa học, Vật lý).
Để tiết dạy đạt hiệu quả khi áp dụng phương pháp này, giáo viên phải thực sự tâm huyết và chuẩn bị kỹ khâu xác định mục tiêu và lựa chọn nội dung sân khấu hóa. Sau đó sẽ xây dựng kịch bản và phân công vai diễn, sẵn sàng đạo cụ, trang phục cần thiết. Thầy cô cũng phải sắp xếp không gian lớp để hướng dẫn học sinh trước tiết học, quan sát và rút kinh nghiệm sau khi tiết học kết thúc.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Nguyệt - giáo viên tiếng Anh tại Trường THCS Chí Minh (Chí Linh, Hải Dương) nhấn mạnh: Ngoài kiến thức chuyên môn tốt, thầy cô cần có khả năng viết kịch bản từ tình huống trong bài học, có khả năng hướng dẫn học sinh đóng kịch hoặc hát múa, có kiến thức và năng khiếu nghệ thuật hoặc cảm thụ về âm nhac, nghệ thuật và kiên trì nếu muốn triển khai hình thức sân khấu hóa trong giảng dạy.
“Khi sân khấu hóa, học sinh cần mạnh dạn, tự tin, tập trung và chịu áp lực trong tập luyện. Cùng đó, sự hỗ trợ của các thầy cô, nhà trường và phụ huynh về đạo cụ, trang phục cũng vô cùng quan trọng. Ở các môn học khác nhau, sự chuẩn bị để sẵn sàng cho một tiết dạy sân khấu hóa phải công phu, truyền tải được những thông điệp từ bài học cho học sinh. Muốn làm điều này, vai trò đồng hành của thầy - trò hết sức cần thiết”, cô Nguyệt nói.
Từ thực tiễn giảng dạy, cô Nguyễn Diệu Linh - giáo viên Địa lý, Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) chia sẻ, hình thức sân khấu hóa hoàn toàn có thể áp dụng ở nhiều môn chứ không chỉ riêng Ngữ văn. Khi đó, thầy cô cần xây dựng kịch bản phù hợp, lựa chọn học sinh có khả năng diễn xuất và chăm chỉ tập luyện. Ở môn Địa lý, các vấn đề về tự nhiên, dân cư, kinh tế đều có thể triển khai sân khấu hóa.
“Để tiết học bằng hình thức sân khấu hóa phát huy hiệu quả tối đa, quan trọng nhất ở các khâu chuẩn bị, lên ý tưởng, bước lên lớp chính là buổi nghiệm thu, báo cáo kết quả. Trong quá trình giao nhiệm vụ, giáo viên có thể nêu thêm gợi ý để các em tìm hiểu. Nên giới thiệu theo hình thức nào? Cần truyền tải những thông tin gì? Các hình thức có thể lựa chọn gồm: Múa, hát, kịch, diễn xướng, hài kịch... miễn sao nói lên được nội dung bài học”, cô Nguyễn Diệu Linh trao đổi.
Giảng dạy môn Lịch sử tại Trường THPT chuyên Sơn Tây (Hà Nội), thầy Nguyễn Khánh Vân thường xuyên áp dụng sân khấu hóa trong dạy học. Theo thầy Vân, đây là cách dạy sáng tạo, hiệu quả, thiết thực, tạo hứng thú cho học sinh nắm bắt, trải nghiệm những kiến thức lịch sử.
“Để chuẩn bị tốt một tiết học sân khấu hóa cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kịch bản, đạo cụ, phân vai, khống chế thời gian diễn. Sân khấu hóa trong môn Lịch sử phải lựa chọn được chủ đề hay và trọng tâm. Chúng ta không nên thực hiện dàn trải ở tất cả bài, mục, nội dung, nếu làm dàn trải sẽ mất đi tính hiệu quả của việc sân khấu hóa. Về cơ bản, những tiết thực hiện sân khấu hóa, học sinh rất hào hứng và dễ tiếp thu kiến thức”, thầy Nguyễn Khánh Vân nói.