Môi trường: Người thầy thứ 3
Môi trường giáo dục là tổ hợp những điều kiện vật chất, tự nhiên, xã hội cần thiết trực tiếp ảnh hưởng đến mọi hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Xây dựng môi trường giáo dục phù hợp là tạo cho trẻ cảm giác an toàn và được khích lệ để thỏa sức khám phá. Qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện.
Robert E. Park, một nhà xã hội học người Mỹ đã nói: “Người không sinh ra con người, đứa trẻ chỉ trở nên người trong quá trình giáo dục”. Nhận định này khẳng định vai trò mang tính quyết định của môi trường giáo dục trong việc hình thành nhân cách con người, đặc biệt là ở giai đoạn đầu đời, khi trẻ phát triển vượt trội nhất ở mọi lĩnh vực: Xã hội, cảm xúc, thể chất, nhận thức và ngôn ngữ.
Một môi trường học tập tốt không chỉ đầy đủ về cơ sở vật chất hiện đại, còn phải đáp ứng các yếu tố tâm lý giúp mỗi đứa trẻ có được điều kiện tốt nhất để phát triển. Từ cách trang trí, màu sắc lớp học, sự đa dạng học liệu, âm thanh, ánh sáng, không gian mở… đều cần được xem xét cẩn thận và kết hợp chặt chẽ với nhau, tạo ra những tác động tích cực đến quá trình trưởng thành của trẻ.
Môi trường học tập càng đa dạng, trẻ sẽ tự học thêm nhiều điều hay. Ảnh: IT |
“Những gì trẻ học được không phải là một kết quả tự động từ những thứ chúng được dạy, đúng hơn, phần lớn những gì chúng học được là từ việc chúng làm được, như một hệ quả từ các hoạt động với nguồn tài nguyên của chúng ta”, Loris Malaguzzi, nhà tâm lý học người Ý, cha đẻ của phương pháp giáo dục sớm Reggio Emilia nhấn mạnh vai trò của môi trường giáo dục đối với trẻ mầm non.
Phương pháp Reggio Emilia tin rằng, môi trường chính là người thầy thứ 3 (sau cha mẹ và thầy cô), đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập của một đứa trẻ. Môi trường học tập ấy, theo Loris Malaguzzi, phải thể hiện sự sống động, linh hoạt, thách thức tìm tòi, nuôi dưỡng sự sáng tạo thông qua việc tương tác với các vật dụng bằng tay hoặc các hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Đó cũng là nơi mỗi đứa trẻ được khuyến khích khám phá và có đủ điều kiện để thực hiện những “thí nghiệm” thỏa mãn sự tò mò của riêng mình.
Mỗi lớp học là một “phòng thí nghiệm”
Nếu giáo dục truyền thống mang đến những lớp học ngăn nắp với sách, bút và bài kiểm tra, thì phương pháp tiếp cận Reggio Emilia tạo ra môi trường để trẻ được “sống” và trưởng thành từ những dự án, thí nghiệm, chuyến dã ngoại, đặc biệt là sự khát khao chinh phục tri thức và niềm đam mê học tập suốt đời.
Thay vì “nhốt” trẻ trong bốn bức tường, liên tục đưa vào đầu trẻ những kiến thức như một xưởng sản xuất cố gắng tạo ra những con robot, một môi trường giáo dục tuyệt vời sẽ là nơi trẻ có thể học đếm thông qua việc nấu ăn, học lịch sử trong lúc múa hát hay thấm nhuần giá trị văn hóa dân tộc với hoạt động trồng cây…
Một mô hình môi trường học tập theo phương pháp Reggio Emilia . Ảnh: Nam Lê |
Mỗi đứa trẻ đều có rất nhiều hình thức sáng tạo của riêng mình, do vậy một lớp học nên giống như một phòng thí nghiệm hay studio chứa đựng đủ các loại vật liệu như đất sét, màu, chì, bút nước, bảng vẽ, giấy dán… để phục vụ các ý tưởng bất chợt của trẻ. Bằng việc quan sát cách trẻ tương tác với học liệu cũng có thể hiểu được cá tính của một đứa trẻ và giúp định hình nhân cách cho chúng.
Cô giáo Louise Boyd Cadwell đã kể lại trong tác phẩm “Phương pháp giáo dục Reggio Emilia” của mình rằng, khi cô giao đất sét cho học sinh để chúng tự xây dựng những mẫu nhà chúng thích và quan sát quá trình đó, cô nhận thấy các em đã tạo ra nhiều công trình lạ thường, thậm chí còn sáng tạo những câu chuyện hay ho với nhiều nhân vật khác nhau xoay quanh công trình đó.
Không chỉ riêng các kiến thức thực tiễn, những chủ đề trừu tượng và vô hình như văn hóa truyền thống, bản sắc dân tộc, các giá trị đạo đức… sẽ được trẻ tiếp nhận dễ dàng hơn qua những hoạt động trải nghiệm. Chẳng hạn, các em sẽ khám phá sự khác nhau trong cách ăn mặc của con người qua từng giai đoạn lịch sử khi tham gia hoạt động trang trí quần áo, trình diễn thời trang; các em sẽ khắc ghi vẻ đẹp quê hương đất nước khi được nhìn thấy những lũy tre xanh mát mỗi ngày trong trường của mình; hay đơn giản là các em sẽ hiểu được sức mạnh đồng đội sau một trận cãi nhau với bạn cùng nhóm…
Với môi trường học là “phòng thí nghiệm”, giáo viên và phụ huynh không cần phải tìm mọi cách để giảng giải cho trẻ hiểu kiến thức, mà chính trẻ sẽ tự học hỏi và ghi nhớ kiến thức thông qua tất cả những trải nghiệm của mình. Điều đó không đồng nghĩa với việc thả cho trẻ tự do, mà trái lại là theo dõi chặt chẽ để hiểu được ý nghĩa từng hành động của trẻ. Nhiệm vụ của người lớn từ đó sẽ đóng vai trò định hướng, truyền cảm hứng và khích lệ trẻ không bỏ cuộc trong hành trình khám phá thế giới.