Phương pháp mới tìm quái vật Nessie

GD&TĐ - Liệu các nhà khoa học có khẳng định sự tồn tại của quái vật hồ Loch Ness bằng việc phân tích mẫu nước?

Phương pháp mới tìm quái vật Nessie

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Neil Gemmell ở ĐH Otago (New Zealand) đã tiến hành phân tích các mẫu nước lấy từ hồ Loch Ness (Scotland) nhằm tìm kiếm dấu vết DNA của các sinh vật sống trong hồ. Mục tiêu nhắm đến của nhóm là xác định chứng cứ cho sự tồn tại của Nessie – quái vật huyền thoại được cho là đang sống trong hồ này.

Quái vật hồ Loch Ness là sinh vật bí ẩn, là một trong những câu đố của ngành sinh vật huyền bí. Phần lớn các “chứng cứ” về sự tồn tại của sinh vật này được giới khoa học cho là chưa đủ sức thuyết phục. Vì vậy, không có gì lạ là các nhà khoa học thường xuyên tổ chức các cuộc nghiên cứu nhằm khẳng định hoặc phủ định sự tồn tại của quái vật này.

Các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ mới, gọi là lấy mẫu DNA môi trường (eDNA). Công nghệ này được sử dụng để theo dõi sinh vật mà không gây hại cho nó cũng như các sinh vật khác cùng chung sống. Nhờ phương pháp này, vào năm 2018, người ta đã xác định được 6 loài cá mập mới, sống trong khu vực quần đảo New Caledonia.

Cũng bằng phương pháp eDNA, các nhà khoa học phát hiện được 15 loài cá và 3.000 loài vi khuẩn sống trong nước Loch Ness.

“Chúng tôi đã xem xét từng giả thuyết chủ yếu liên quan đến quái vật Loch Ness. Mục tiêu của chúng tôi là lập hồ sơ về đa dạng sinh học trong hồ” – Giáo sư Neil Gemmell ở ĐH Otago cho biết.

Thật tiếc là các kết quả phân tích DNA không khẳng định sự tồn tại của quái vật Nessie. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quái vật không tồn tại trong thực tế.

Cho đến nay, phần lớn các “chứng cứ” khẳng định sự tồn tại của quái vật trong hồ Loch Ness là những bức ảnh không rõ nét và những lời kể lại đầy nghi ngờ của các nhân chứng. Một số câu chuyện kể còn xuất phát từ thế kỷ VI. Một trong những giả thuyết nói rằng, quái vật Nessie trong thực tế là một con cá trê hoặc cá tầm lớn.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ