Phương án tuyển sinh phù hợp thực tiễn

GD&TĐ - Thông tin về việc tuyển sinh Đại học giai đoạn 2021 – 2025 vẫn giữ ổn định như năm 2020 đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của hầu hết các cơ sở giáo dục đào tạo; đặc biệt là học sinh và phụ huynh.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hầu hết ý kiến bày tỏ sự đồng tình và ghi nhận tính cầu thị của Bộ GD&ĐT khi đưa ra phương án tuyển sinh “dài hơi” nhưng “hợp lòng dân”. Không phải ngẫu nhiên phương án giữ ổn định về công tác tuyển sinh đại học giai đoạn 2021 – 2025 lại được các trường và xã hội đồng tình hưởng ứng. 

Thực tế cho thấy, nhiều năm gần đây, công tác tuyển sinh đại học ngày càng đúng hướng, bảo đảm tính khách quan, trung thực. Đặc biệt năm 2020, công tác này diễn ra khá thuận lợi và ngày càng hoàn thiện trên mọi phương diện. 

Với hệ thống văn bản chặt chẽ, các cơ sở giáo dục đại học được phát huy quyền tự chủ trong tuyển sinh, cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin hợp lý, đã góp phần tạo nên kết quả ấn tượng, với gần 500 nghìn thí sinh nhập học ở trình độ đại học và cao đẳng sư phạm mầm non. Điều đáng nói, hầu hết cơ sở đào tạo đều sử dụng kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Điều này đã khẳng định kế hoạch và mục tiêu trong công tác tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT đề ra là đúng. Một trong những điểm nhấn trong công tác tuyển sinh năm 2020 là phần mềm tuyển sinh. Phần mềm được đánh giá cao bởi tính ổn định, không có hiện tượng nghẽn mạng. Qua đó, giúp cơ sở đào tạo thống kê, dự tính được thí sinh ảo để chủ động trong tuyển sinh; đồng thời giúp thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất…

Nhìn lại toàn bộ quá trình cho thấy, Bộ GD&ĐT đã chủ động tính toán các tình huống, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh, phù hợp với bối cảnh thực tiễn. Trên tinh thần đó, công tác tuyển sinh diễn ra nhẹ nhàng, đáp ứng được các yêu cầu, thí sinh yên tâm và dư luận đồng tình. 

Những yếu tố nêu trên chính là điểm cộng để các trường nói riêng và xã hội nói chung tán thành với phương án giữ ổn định công tác tuyển sinh giai đoạn 2021 – 2025, có chăng chỉ là những điều chỉnh về mặt kỹ thuật để phù hợp với thực tiễn khách quan hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nên thành lập trung tâm khảo thí độc lập. Thực ra, chủ trương này đã được Bộ GD&ĐT tính đến, nhưng phải có lộ trình với các bước tiến hành chắc chắn, để khi thành lập, trung tâm phải hoạt động thực sự hiệu quả, chất lượng và đáp ứng lòng mong mỏi của xã hội.

Quan điểm của Bộ GD&ĐT là, phát huy tối đa quyền tự chủ của trường đại học trong tuyển sinh, nhưng các trường phải có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội; hơn nữa còn là uy tín, thương hiệu để tồn tại, phát triển của từng cơ sở đào tạo. Do đó, các trường cần rà soát kỹ thông tin liên quan đến đề án tuyển sinh trước khi công bố công khai. 

Ai cũng biết, tuyển sinh rất quan trọng, nhưng chỉ là một khâu và là bước đầu của quá trình đào tạo. Vì thế nếu chúng ta chỉ đề cập đến cơ chế, chính sách hay tổ hợp xét tuyển, đầu điểm… thì chưa đủ, mà quan trọng là tư vấn, hỗ trợ cho thí sinh, nhà trường gặp nhau và là sự chọn lựa của nhau để cùng phát triển. Hơn bao giờ hết, các cơ sở đào tạo cần cung cấp cho thí sinh và xã hội những thông tin trung thực, chính xác, góp phần tạo nên mùa tuyển sinh 2021 thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chuyện tư pháp lạ ở Mỹ

GD&TĐ - Đúng 10 ngày trước khi chính thức nhậm chức, ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị kết án hình sự.

Ông Trần Huy Tuấn, Bí thư tỉnh Yên Bái thăm và chúc mừng ngành GD-ĐT nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Giáo dục Yên Bái vượt khó

GD&TĐ - Còn nhiều trở ngại do điều kiện kinh tế, thiên tai nhưng ngành GD-ĐT Yên Bái vượt khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.