Tuyển sinh đại học 2020: Linh hoạt để giữ chất lượng đầu vào

Tuyển sinh đại học 2020: Linh hoạt để giữ chất lượng đầu vào

Trường top trên bám sát mục tiêu giữ chất lượng bằng việc tổ chức thi tuyển hoặc lấy kết quả thi của trường đối tác. Nhiều trường top giữa và dưới khẳng định quyền tự chủ bằng việc lên kế hoạch xét tuyển từ học bạ nhưng bỏ kết quả học kỳ II.

Trường top trên xét tuyển thế nào?

Ngày 17/4/2020, ĐHQG Hà Nội công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2020. Theo đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho thí sinh, ĐHQG Hà Nội đã đưa ra nhiều phương án tuyển sinh linh hoạt. 

Các phương thức xét tuyển được đưa ra là: Xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2020; Thí sinh có chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge; Thí sinh có kết quả trong kỳ thi chuẩn hóa SAT đạt điểm theo quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐHQG Hà Nội; Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5.5 trở lên hoặc các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương và có tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển đạt tối thiểu 12 điểm.

Trong trường hợp Kỳ thi THPT quốc gia không thể tổ chức, ĐHQG Hà Nội sẽ triển khai kỳ thi tuyển sinh riêng theo hình thức đánh giá năng lực rút gọn để xét tuyển. Trường hợp dịch bệnh Covid-19 diễn biến theo chiều hướng phải tiếp tục cách ly xã hội đến tháng 8/2020, ĐHQG Hà Nội sẽ xem xét việc xét tuyển thí sinh dựa trên kết quả học tập bậc THPT kết hợp với các hình thức kiểm tra đánh giá từ xa.

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, năm 2020, ngoài xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia và xét tuyển thẳng, nhà trường sẽ tổ chức một kỳ thi tuyển sinh riêng với bài thi trắc nghiệm kết hợp tự luận ngắn trong thời gian 180 phút, riêng đối với các ngành Ngôn ngữ Anh thời gian làm bài 210 phút. Tất cả các môn sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, riêng môn Toán có 2/3 trắc nghiệm và 1/3 tự luận. Thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sẽ được miễn thi tiếng Anh và quy đổi điểm theo quy định của trường.

Thí sinh đăng ký tối đa 5 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên vào các ngành/chương trình của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Các nguyện vọng này độc lập với các nguyện vọng được đăng ký xét tuyển theo kết quả Kỳ thi THPT quốc gia. Trường sẽ lựa chọn từ trên xuống dưới theo tổng điểm 3 môn cho đến khi đạt được số lượng dự thi dự kiến của từng khối ngành, gồm khối kỹ thuật, kinh tế với 9.600 thí sinh; Ngôn ngữ Anh với 400 thí sinh.

Trường Đại học Ngoại thương cũng đưa ra phương án trong trường hợp không tổ chức được Kỳ thi THPT quốc gia, sẽ phối hợp với ĐHQG Hà Nội tổ chức kỳ thi riêng. Trường sẽ vẫn thực hiện tuyển sinh theo 4 phương thức. Phương thức xét tuyển thẳng giữ nguyên; 2 phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả thi THPT quốc gia sẽ được thay bằng xét tuyển dựa trên kết quả thi theo tổ hợp xét tuyển của nhà trường. 

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài các ngành/chương trình đào tạo đã tuyển sinh từ trước, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động trong nước và quốc tế, trường sẽ tuyển sinh thêm 4 chương trình chất lượng cao mới gồm các chuyên ngành: Tiếng Nhật Thương mại; Tiếng Trung Thương mại; Tiếng Pháp Thương mại và Quản trị khách sạn. Đặc biệt, mô hình đào tạo gắn với thực tiễn được áp dụng nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động quốc tế.

Tuyển sinh đại học 2020: Linh hoạt để giữ chất lượng đầu vào ảnh 1
Đại học Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội có thêm nhiều ngành học mới. Ảnh: TG

Đa dạng cách tuyển sinh

Hầu hết các trường đại học đều đã đưa ra phương án dự phòng trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục kéo dài. Như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, phương án tổ chức thi riêng cũng đã được tính đến. Bài thi với nội dung và hình thức phù hợp với đề tham khảo thi THPT quốc gia. Theo phương án này, ngoài xét tuyển kết hợp và xét tuyển thẳng, thì khoảng 90% chỉ tiêu sẽ được xét thông qua kết quả bài thi này. 

PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: Trong trường hợp học sinh có thể trở lại trường trước ngày 15/6, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 vẫn sẽ diễn ra như dự kiến thì nhà trường vẫn sẽ tổ chức theo ba phương thức đã công bố trước đó. Tinh thần của nhà trường là luôn sẵn sàng trước mọi tình huống xảy ra và cố gắng tạo sự thuận lợi nhất để bảo đảm quyền lợi cũng như tính công bằng cho thí sinh, không gây xáo trộn.

Trong khi đó, ĐHQG TPHCM cũng đã điều chỉnh lại thời gian tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Được biết kết quả của kỳ thi này sẽ được hơn 50 trường ĐH, CĐ phía Nam sử dụng để xét tuyển sinh nên những trường sử dụng phương thức xét tuyển này sẽ phải thay đổi theo. 

Như Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) đã sớm đưa ra dự kiến tuyển sinh theo 4 phương thức xét tuyển độc lập. Trong đó bổ sung hình thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ bên cạnh hình thức xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn trước đây. Theo đó, tất cả thí sinh có tổng điểm trung bình 3 học kỳ (học kỳ I, học kỳ II lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên đều có thể tham gia xét tuyển học bạ vào HUTECH.

Covid-19 đang làm khó công tác tuyển sinh của các trường, nhưng Covid-19 cũng là một lời nhắc nhở các trường cần phải mạnh mẽ hơn nữa để thực sự cởi bỏ trói buộc với Kỳ thi THPT quốc gia trên tinh thần tự chủ của Luật Giáo dục đại học sửa đổi đã quy định. 

Có thể thấy, các trường đã rất linh hoạt trong việc chủ động thay đổi lịch trình tuyển sinh để phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Covid-19 cho thấy các trường đã chủ động hơn trong việc thể hiện tinh thần tự chủ của mình. Đa số các trường đại học đều sử dụng kết quả Kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh hoặc bổ sung thêm kỳ thi tuyển sinh khác. Mặc dù cho thấy ưu điểm tuyệt đối, giúp các trường xét tuyển sinh thuận lợi, song Kỳ thi THPT quốc gia sẽ không còn là phao tuyển sinh hàng đầu cho các trường đại học nữa.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ