Tin tưởng kết quả thi tốt nghiệp THPT
Phương án tuyển sinh được nhiều trường công bố, trong đó có cả trường tốp đầu, đều dành chỉ tiêu tuyển sinh từ kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
ĐHQG Hà Nội có quyết định chính thức về việc không triển khai Kỳ thi đánh giá năng lực như thông báo trước đó (ngày 22/4) mà sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Lý do được ĐHQG Hà Nội đưa ra là trên cơ sở phân tích các thông tin mới nhất về Kỳ thi THPT, đồng thời xem xét việc giảm áp lực cho thí sinh do phải tham dự nhiều kì thi trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài. Như vậy, với tổng chỉ tiêu 10.320, năm 2020, ĐHQG Hà Nội sẽ tuyển sinh theo các phương thức: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và quy định đặc thù của ĐHQG Hà Nội; xét tuyển thí sinh có kết quả Kỳ thi THPT năm 2020 và các phương thức khác (SAT, A-level, IELTS). Mỗi phương thức xét tuyển đều có quy định riêng về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào, điều kiện nhận đăng ký xét tuyển.
Trường ĐH Ngoại thương cũng công bố dừng tổ chức kỳ thi phối hợp với ĐHQG Hà Nội. Chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức này được chuyển sang xét tuyển dựa trên kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế cùng điểm thi tốt nghiệp THPT với 2 môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường. Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ tính theo tổ hợp và điểm xét tuyển tương tự năm 2019.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Hội đồng tuyển sinh của trường đã chốt phương án thi bổ sung dưới hình thức một bài kiểm tra tư duy theo yêu cầu đặc thù của khối ngành kỹ thuật. Nội dung bài thi được thiết kế gọn gồm 2 phần Toán và Đọc hiểu với thời gian làm bài 120 phút. Thời gian thi vào 15/8, ngay sau Kỳ thi THPT, thay vì 25/7 như dự kiến ban đầu. Thí sinh được đăng ký dự thi tại một trong ba địa điểm: Hà Nội, Thanh Hóa hoặc Sơn La.
Điểm bài thi được sử dụng kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (Toán - Lý hoặc Toán - Hóa) để xét tuyển. Phương thức xét tuyển kết hợp này chỉ áp dụng cho khối ngành kỹ thuật và kinh tế (không áp dụng cho ngành Ngôn ngữ Anh) và dự kiến lấy từ 30% đến 35% chỉ tiêu tuyển sinh của trường.
Bên cạnh đó, trường dành từ 10% - 15% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, gồm xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, xét tuyển theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn với HS trường chuyên (hệ chuyên các môn phù hợp), HS đạt giải thi HS giỏi từ cấp tỉnh trở lên, HS có các chứng chỉ quốc tế và HS có thành tích xuất sắc trong các lĩnh vực khác.
Vẫn có sự phân hóa
Năm 2020, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tuyển sinh 2 khối ngành: Đào tạo giáo viên và Cử nhân khoa học khác. Với ngành Đào tạo giáo viên, trường sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Với ngành Cử nhân khoa học, trường dành khoảng 50% chỉ tiêu cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Phụ trách tư vấn tuyển sinh của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên khẳng định: Nhà trường tin tưởng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Lý do được ThS Nguyễn Vinh San đưa ra: Đây là bài thi chung, nên thí sinh được đánh giá công bằng về năng lực, trong khi xét học bạ khó đánh giá năng lực của thí sinh hơn do các trường/địa phương có thể đánh giá khác nhau. Ngoài ra, qua 3 năm tổ chức thi THPT quốc gia, các địa phương đã tạo được niềm tin về sự nghiêm túc và công bằng. Hơn nữa, phần lớn thí sinh vẫn chọn học và thi theo các khối thi thế mạnh của bản thân nên chọn điểm thi tốt nghiệp THPT là phương án xét tuyển của nhiều trường ĐH, CĐ.
Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) năm nay tuyển sinh 15 ngành, trong đó có 10 ngành đào tạo giáo viên từ bậc mầm non, tiểu học, THCS đến THPT. Ngoài ra là một số ngành mới trong giáo dục như Tham vấn học đường, Quản trị công nghệ giáo dục, Quản trị chất lượng giáo dục, Quản trị trường học và Khoa học giáo dục. Trường dự kiến lấy khoảng 70 - 80% thí sinh theo kết quả thi tốt nghiệp THPT với điều kiện kèm theo là hạnh kiểm tốt. Còn lại là tuyển thẳng hoặc tuyển qua bài thi chuẩn hóa quốc tế như SAT, ACT, A-level, IETS.
“Theo ý kiến của Bộ GD&ĐT, cho dù đề năm nay có điều chỉnh cơ cấu câu hỏi về độ khó, từ 60 – 20 - 20 của năm 2019 thành 70 – 20 - 10. Như vậy, điểm trung bình có thể nhích hơn năm ngoái khoảng 1 điểm, trong khi độ phân hóa vẫn có. Thực ra, nhiều người nhầm giữa tỉ lệ tốt nghiệp với tỉ lệ thí sinh đạt điểm trung bình của bài thi tốt nghiệp THPT. Tỉ lệ tốt nghiệp cao trên 90% chủ yếu do cơ cấu điểm tính điểm tốt nghiệp, phần trọng số của điểm học bạ chiếm đến 70%. Cho nên, nếu HS có điểm học tập trung bình là 6, họ chỉ cần kết quả thi THPT được trung bình 3 điểm là đủ điểm tốt nghiệp. Thế nhưng, xem kỹ phổ điểm các năm, tỉ lệ thí sinh đạt trên 5 điểm không cao, thường chỉ khoảng 40 - 60%, trừ môn Giáo dục công dân. Như vậy, điểm thi phân hóa tốt. Theo logic như vậy, năm nay lấy theo điểm THPT vẫn có sự phân hóa, chứ không phải do đề giảm tải mà có “mưa điểm 10” như một số ý kiến lo ngại”, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục phân tích.
Năm nay, trường tiếp tục thực hiện phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp truyền thống (A00, A01...) với tỉ lệ 50% - 60% trên tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Như vậy, nhiều thí sinh có thêm 2 cơ hội lựa chọn để trở thành sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội: Phương thức xét tuyển tài năng và xét tuyển kết hợp điểm bài kiểm tra tư duy với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT. - PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng