(GD&TĐ) - Đó là ý kiến của bạn đọc Nguyễn Khánh An (nkan999thanglong...@gmail.com) đóng góp vào Đề án tuyển sinh riêng của 4 trường đại học ngoài công lập.
Theo bạn An, những năm qua sự hình thành và phát triển của các trường ngoài công lập đã góp phần vào việc phát triển nền giáo dục của nước nhà. Tuy nhiên, việc đưa ra phương án tuyển sinh của 4 trường ngoài công lập cho thấy việc đơn giản hóa quá trình đầu vào là một điều rất khó hiểu. Bởi vì để phát triển và xây dựng thương hiệu của nhà trường đòi hỏi các trường ngày càng phải vươn lên và vượt qua nhưng quy định chung hoặc tối thiểu mà trong đó điểm sàn là một ví dụ.
Thí sinh đang làm bài thi |
Sự phát triển của các trường ngoài công lập mới hình thành trong những năm gần đây tuy còn nhiều khó khăn trong xây dựng và khẳng định thương hiệu của mình đặc biệt là trong vấn đề tuyển sinh. Nhưng không phải vì tuyển sinh khó khăn mà làm giảm đi chất lượng đầu vào của bậc học đại học vốn có của nó khác với các bậc học khác đang tồn tại đó là các trường Trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề… chỉ tuyển chọn đầu vào dựa vào kết quả tuyển sinh đại học dưới điểm sàn, học bạ 3 năm THPT…
Việc các trường ngoài công lập luôn luôn cố gắng thu hút học sinh vào học bởi vì học cho rằng mỗi học sinh là một đơn vị tài chính của nhà trường và là một tế bào giúp nhà trường phát triển. Nếu vậy, các trường hãy luôn coi trọng học sinh là những cổ đông nhỏ đầu tư vào nhà trường và giúp nhà trường phát triển.
Do vậy, các cổ đông nhỏ này họ phải biết mình đầu tư vào đâu có hiệu qủa. Một vấn để đặt ra là tại sao trong thời gian vừa qua các trường không tìm hiểu để xin ý kiến, quan điểm của các em học sinh về phương án tuyển sinh do trường đưa ra. Từ đó xem các em có chấp nhận theo học không khi trường đưa ra phương án tuyển sinh theo cách đó mà chỉ hỏi một phía đó là Bộ Giáo dục&Đào tạo.
Việc đưa ra phương án tuyển sinh của các trường ngoài công lập nêu trên cho thấy chưa khả thi vì nó đơn giản quá. Trong khi đó việc tổ chức thi theo 3 chung mà Bộ GDĐT đang làm thì quy trình, quy định rất cụ thể và chi tiết như: thời gian, địa điểm, lệ phí, điều kiện tổ chức, quy trình….Vì vây, các trường cần phải có một nghiên cứu rộng và sâu hơn khi đưa ra phương án để đảm bảo tính khả thi của nó, tránh tình trạng chỉ đơn phương đề xuất phương án theo kiểu tư duy một chiều.
Tuy nhiên, Bộ GDĐT cũng nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định phương án đề xuất của các trường NCL. Nếu đồng ý cho các trường này thì khi đó sẽ có rất nhiều các trường khác (tư thục, dân lập, công lập) cũng sẽ đưa ra hình thức tuyển sinh riêng của trường.
Các hình thức này sẽ không theo một tiêu chuẩn, quy định chung nào cả mà sẽ theo xu hướng chủ quan của từng trường để xin tự chủ và thông báo tuyển sinh của trường theo một cách riêng có thể là đơn giản hay phức tạp do trường lựa chọn.
Từ đó sẽ làm cho học sinh khó định hướng nghề nghiệp của mình trong tương lai vì họ không biết mình phải chuẩn bị những gì, học cái gì cho phù hợp với các yêu cầu mà các trường đưa ra, vì quá nhiều thông tin cần phải đáp ứng khi muốn lựa chọn vào học các trường đại học trong tương lai. Điều này sẽ làm cho học sinh hoang mang khi không biết lựa chọn trường nào để theo học cho sự nghiệp của mình.