Phương án thi tốt nghiệp nào cũng hướng tới đảm bảo việc đánh giá toàn diện HS

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Phương án thi tốt nghiệp nào cũng hướng đến đảm bảo yêu cầu đánh giá toàn diện HS và tạo cơ hội cho các em phát huy các môn thi tự chọn.

Ảnh minh họa: Đình Tuệ.
Ảnh minh họa: Đình Tuệ.

Hướng tới sự ổn định

Mới đây, một số phương án lựa chọn về số môn thi tốt nghiệp là 4+2, 3+2 và 2+2. Với phương án 4+2, học sinh học chương trình THPT phải thi 6 môn gồm 4 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại đã được học ở lớp 12.

Ở phương án 3+2, thí sinh phải thi 5 môn gồm 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 môn tự chọn, bao gồm cả Lịch sử. Một số địa phương đề xuất thêm phương án 2+2, tức thí sinh thi hai môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, còn lại 2 môn tự chọn.

Thầy Khiếu Văn Đoạt, Hiệu trưởng Trường THPT Đại An.

Thầy Khiếu Văn Đoạt, Hiệu trưởng Trường THPT Đại An.

Thầy Khiếu Văn Đoạt, Hiệu trưởng Trường THPT Đại An (Ý Yên, Nam Định) cho rằng, dù là phương án nào thì cũng cần đảm bảo được tính toàn diện khi đánh giá năng lực học sinh.

Các giáo viên của trường đa số chọn phương án 3+2. Điều này góp phần giữ sự ổn định, giảm áp lực với học sinh và cân bằng với các tổ hợp xét tuyển vào ĐH. Giả sử, em nào chọn khối D00 chỉ cần đăng ký thêm môn Ngoại ngữ; nếu chọn khối C00 thì đăng ký thêm Lịch sử, Địa lý.

Theo thầy Đoạt, nếu áp dụng phương án 4+2 gồm cả Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử đều là bắt buộc sẽ dẫn tới tình trạng số môn xã hội sẽ nhiều hơn môn tự nhiên. Đó là chưa kể số lượng môn tăng lên đồng nghĩa áp lực cũng tăng theo.

Cô trò Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) trong một giờ thực hành môn Hóa học.

Cô trò Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) trong một giờ thực hành môn Hóa học.

"Phụ huynh, học sinh đều muốn hướng tới sự ổn định, vừa sức và hợp lý. Từ tổ hợp đăng ký vào ĐH, các em sẽ lựa chọn các môn thi tốt nghiệp cho phù hợp”, thầy Đoạt nói.

Chủ động trong mọi tình huống

Theo cô Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng, hiện nay vẫn chưa "chốt" phương án cuối cùng nên các địa phương, các nhà trường vẫn có thể đưa ra những đề xuất của mình.

Tuy nhiên, với thực tế triển khai Chương trình GDPT 2018 những năm qua, đa số giáo viên nhà trường lựa chọn phương án 3+2. Điều này đảm bảo yêu cầu đánh giá toàn diện học sinh và tạo cơ hội cho các em phát huy các môn thi tự chọn theo sở trường của mình.

Phan Khánh Đăng và Trần Hoàng Vân Anh, học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Đình Phùng.

Phan Khánh Đăng và Trần Hoàng Vân Anh, học sinh lớp 11 Trường THPT Phan Đình Phùng.

Nam sinh Phan Khánh Đăng – học sinh lớp 11A3 Trường THPT Phan Đình Phùng (Ba Đình, Hà Nội) thì cho rằng, phương án 3+2 thể hiện tính ổn định và giúp đánh giá toàn diện thí sinh hơn so với việc thi 2 môn bắt buộc, 2 môn tự chọn.

Tương tự, Trần Hoàng Vân Anh, học sinh lớp 11A1 cũng đồng quan điểm và cho biết, muốn đạt kết quả cao thì bản thân mỗi thí sinh cần có chiến lược học tập rõ ràng, chăm chỉ và đăng ký tổ hợp xét tuyển phù hợp với khả năng, sở trường của mình.

Cô Phan Thị Hằng Hải (thứ 2 từ trái sang) và các em học sinh trong một lần đón Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về thăm trường.

Cô Phan Thị Hằng Hải (thứ 2 từ trái sang) và các em học sinh trong một lần đón Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về thăm trường.

Cô Phan Thị Hằng Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) chia sẻ, đa số học sinh của trường chọn phương án 3+2. Với Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã rất chủ động trong việc tổ chức dạy và học.

Cụ thể, ngay từ đầu năm học đã xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, các phương án và tổ hợp các môn lựa chọn phù hợp thực tiễn đội ngũ. Tổ chức cho giáo viên nghiên cứu và tập huấn kỹ chương trình GDPT để hiểu và xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học theo mục tiêu chương trình.

Ngoài ra, nhà trường cũng đã tiến hành tập huấn SGK; tổ chức tư vấn cho học sinh về lựa chọn môn tổ hợp phù hợp với năng lực, định hướng nghề nghiệp ngay khi vào lớp 10.

Theo một số chuyên gia, phương án 3+2 kế thừa cách lựa chọn môn thi đã ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là có thể ảnh hưởng việc dạy và học môn Lịch sử đối với các học sinh không chọn môn này để thi. Phương án 2+2 có ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho thí sinh, giảm chi phí cho gia đình và cả xã hội. Số buổi thi 3 buổi, giảm số buổi thi so với hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ