Tìm giải pháp nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Từ công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm vừa qua, nhiều địa phương đã lên kế hoạch bài bản nâng cao chất lượng kỳ thi năm học này.

Giờ học tại Trường THPT Phú Bài, Thừa Thiên - Huế.
Giờ học tại Trường THPT Phú Bài, Thừa Thiên - Huế.

Kết quả thi chưa như mong đợi

Nhận định kết quả thi tốt nghiệp THPT những năm qua trên địa bàn tỉnh còn hạn chế, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế, cho biết: Năm 2020 phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của tỉnh đứng thứ 30 toàn quốc (điểm trung bình là 6,17). Vị trí này với kỳ thi năm 2021 là 27 (điểm trung bình 6,28), năm 2022 là 29 (điểm trung bình 6,29). Riêng năm 2023, với điểm trung bình trên 6,5, Thừa Thiên - Huế tăng 3 bậc so với năm 2022, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với chỉ tiêu đến 2025 trong nhóm 15 tỉnh đứng đầu toàn quốc.

Chia sẻ về nguyên nhân, theo ông Nguyễn Tân, việc kiểm tra, giám sát công tác dạy, học, đánh giá định kỳ của các đơn vị chưa được phòng chuyên môn của sở GD&ĐT thực hiện thường xuyên. Tổ chức dạy phụ đạo của nhiều trường hiệu quả chưa cao. Còn tâm lý thiếu quyết liệt của giáo viên, nhà trường với học sinh có học lực quá yếu, không cố gắng trong học tập.

Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên còn giao khoán việc dạy kiến thức cho các đơn vị liên kết. Ra đề kiểm tra cuối kỳ chưa bám sát ma trận đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Phân tích kết quả các môn thi tốt nghiệp để rút kinh nghiệm tổ chức dạy - học chưa tốt, chưa gắn trách nhiệm với tập thể, cá nhân. Các trường chưa xây dựng được ngân hàng đề đủ lớn. Một bộ phận học sinh thiếu nỗ lực, cố gắng. Nhiều phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến việc học của con em…

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, Bắc Giang có điểm bình quân của các môn đạt 6,663, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành. Tỷ lệ thí sinh được công nhận tốt nghiệp THPT là 99,58% (cao nhất từ trước đến nay). Lần đầu tiên tỉnh có 1 học sinh đạt thủ khoa toàn quốc khối A00 (Toán, Vật lý, Hóa học). Môn Vật lý có điểm trung bình đạt 6,88 - đứng thứ 9/63 tỉnh, thành - là môn có thứ hạng cao nhất…

Tuy vậy, theo ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của tỉnh chưa cao như kỳ vọng (giảm 5 bậc so với năm 2022). Các đơn vị đã cố gắng trong chỉ đạo, ôn thi tốt nghiệp THPT nhưng chưa đồng đều ở các bộ môn trong cùng đơn vị, hay giữa các đơn vị với nhau.

Một bộ phận cán bộ quản lý, đặc biệt là người đứng đầu chưa thực sự quan tâm đúng mức, chỉ đạo sát sao (có một số giao hoàn toàn cho cấp phó) trong tổ chức ôn thi. Bố trí giáo viên dạy khối 12 chưa bảo đảm, đặc biệt là các trường THPT tư thục, đơn vị học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Rà soát kế hoạch ôn thi sau mỗi kỳ thi thử để điều chỉnh kế hoạch dạy học còn chậm…

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Lên kế hoạch, giải pháp bài bản

Năm học 2023 - 2024, Thừa Thiên - Huế phấn đấu phổ điểm thi tốt nghiệp THPT toàn tỉnh tăng lên vị trí 19. Để đạt mục tiêu này, ông Nguyễn Tân cho biết, sở đã ban hành đề án, trong đó đưa ra 8 giải pháp, gồm:

Tăng cường công tác kiểm tra giám sát; xây dựng chương trình, kế hoạch dạy, học phù hợp với học sinh; đổi mới kiểm tra, đánh giá; phân loại, tổ chức dạy, học theo năng lực và nguyện vọng của học sinh; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ giáo viên cốt cán; xây dựng nền tảng giáo dục cho học sinh; đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật; chú trọng hiệu quả việc học tập Quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Đặc biệt nhấn mạnh công tác kiểm tra giám sát, ông Nguyễn Tân cho hay: Sở GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch của các đơn vị, căn cứ kết quả thực hiện để đánh giá thi đua. Gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thi tốt nghiệp THPT của mỗi trường.

Các phòng chuyên môn của sở GD&ĐT tăng cường kiểm tra kế hoạch thực hiện của nhà trường; tổ chức các nhóm giáo viên cốt cán tham gia giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt với đơn vị có kết quả điểm thi tốt nghiệp thấp.

Các chuyên viên và hội đồng bộ môn đồng thời tăng cường công tác dự giờ đột xuất và thường xuyên, kể cả việc sinh hoạt tổ chuyên môn để góp ý, định hướng, điều chỉnh. Các chuyên viên cần nắm kế hoạch ôn tập phụ đạo của từng đơn vị và tổ chuyên môn; xây dựng kế hoạch môn học với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể.

Về phía lãnh đạo nhà trường, cần tích cực kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch ôn tập, phụ đạo. Tổ trưởng (tổ phó)/nhóm trưởng chuyên môn có kế hoạch và tích cực dự giờ, kể cả giờ ôn tập, phụ đạo nhằm rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời nội dung để phù hợp từng nhóm đối tượng.

Tại Vĩnh Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Ngọc Hà thông tin, sở GD&ĐT tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện, từ công tác dạy, ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp THPT đến tổ chức hội đồng thi, tập trung phân tích chất lượng từng môn để có định hướng phù hợp trong dạy và ôn tập từ sớm cho học sinh.

Địa phương cũng tiếp tục rà soát cơ sở vật chất để chủ động chuẩn bị, nhất là điều kiện tổ chức in sao đề thi, an ninh an toàn cho các ban và điểm thi. Trên cơ sở Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, nhà trường thường xuyên tuyên truyền để các em nhận thức đúng quy định về trách nhiệm thí sinh, từ đó tham gia học tập và ôn tập nghiêm túc. Vận dụng quy trình coi thi tốt nghiệp THPT vào tổ chức kiểm tra định kỳ tại các trường THCS, THPT để giáo viên quen với quy trình.

Theo ông Bạch Đăng Khoa, Sở GD&ĐT Bắc Giang có kế hoạch nâng cao kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên địa bàn tỉnh năm học 2023 - 2024 và những năm tiếp theo. Trong đó, trước hết chú trọng công tác xây dựng kế hoạch và tham mưu, tuyên truyền. Cụ thể, các trường căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT hằng năm để phân tích, đối chiếu, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập thi tốt nghiệp THPT.

Kế hoạch bảo đảm logic, khoa học, đầy đủ giải pháp phù hợp với đơn vị và chi tiết đến từng học sinh. Sau mỗi kỳ khảo sát học sinh cần rà - duyệt lại kế hoạch để kịp thời điều chỉnh nếu cần. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, học sinh về tầm quan trọng của công tác nâng cao kết quả thi tốt nghiệp THPT. Dần xóa bỏ tâm lý buông xuôi của một bộ phận cán bộ, giáo viên, học sinh ở các đơn vị có nhiều trò yếu, kém.

Sở GD&ĐT đã hướng dẫn và yêu cầu cụ thể đối với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm lớp, tổ chuyên môn, cán bộ quản lý các đơn vị - những người trực tiếp thực hiện công tác ôn thi tốt nghiệp THPT. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng giáo viên, nhất là đối với đội ngũ dạy trường tư thục, đơn vị dạy chương trình GDTX cấp THPT. Đồng thời, nâng cao kết quả thi tốt nghiệp THPT gắn với công tác thi đua, khen thưởng.

Ông Bạch Đăng Khoa cho biết, một trong những nội dung Sở GD&ĐT Bắc Giang yêu cầu là tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch dạy riêng cho học sinh có nguy cơ bị điểm liệt, như: Tăng buổi, ôn luyện kiến thức nền, thậm chí đặt mục tiêu chống điểm liệt, phân công học sinh học khá hơn hỗ trợ.

Cán bộ quản lý thường xuyên rà soát kế hoạch dạy học và khảo sát chất lượng theo từng giai đoạn. Đề ra hình thức thi đua giữa các môn để tạo động lực cho giáo viên; khen thưởng đối với môn học có sự đột phá hay tiến bộ hơn so với kỳ thi trước…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.