Vì vậy, xã hội vừa cần lại vừa kỳ thị đao phủ và vì được cần, nghề này có khá nhiều phúc lợi.
Khó khăn và bị kỳ thị nhất
Thời kỳ trung cổ đầy rẫy những công việc không ai muốn làm như câu đỉa bằng thân, dọn vệ sinh… nhưng bị tránh né nhất phải là nghề đao phủ. Bất kể là đao phủ của hoàng gia hay tỉnh lẻ đều rất ít người xin làm, vì công việc của nghề này là giết người.
Ai cũng biết, có những tội lỗi không thể được dung thứ nhưng không phải ai cũng sẵn sàng ra tay để công lý được thực thi. Tuy nhiên, vì từ châu Âu đến châu Á, Trung Đông, tội phạm và hành vi phạm tội xuất hiện liên tiếp nên pháp luật bắt buộc phải sử dụng cả hình thức trừng phạt khắc nghiệt nhất là tử hình và điều này khai sinh nghề đao phủ.
Kể từ thế kỷ VIII, các xã hội Tây và Trung Âu chính thức công nhận nghề đao phủ và các thành phố nổi tiếng trên khắp Pháp, Đức, Anh tuyển dụng người hành quyết. Một trong các đao phủ sớm được ghi danh nhất là Nicolas Jouhanne, bổ nhiệm vào tòa án của thị trấn Caux thuộc xứ Normandy.
Mặc dù chỉ là nhân viên của một nghề, làm việc cho tổ chức và được tổ chức trả lương, nhưng đao phủ luôn bị tẩy chay và không tìm được chỗ đứng trong xã hội. Quần chúng đồng ý với việc hành hình những kẻ phạm trọng tội, nhưng lại không chấp nhận hành vi ra tay lấy đi mạng sống.
Nhà văn kiêm luật sư Joseph de Maistre (1753 - 1821) thay người đương thời nói lên suy nghĩ bằng đoạn hồi ký viết: “Liệu cái đầu và quả tim của đao phủ có giống như chúng ta không? Có thật là chúng không có gì kỳ lạ, khác biệt với cái đầu và quả tim của một người bình thường? Bề ngoài, đao phủ đúng là không khác gì chúng ta, cũng sinh ra, lớn lên nhưng họ phải là một sinh vật bất thường. Vì bất thường nên liệu họ có còn là con người nữa không?”.
Cho dù là trước hay sau khi được công nhận và ở bất cứ đâu, đao phủ luôn là nghề bị xã hội kỳ thị. Ở hầu hết các nơi, họ và gia đình của họ bị đẩy ra rìa theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, phải cư trú biệt lập và khi qua đời thì không được chôn cất trong nghĩa trang chung. Tại Nhật Bản, đao phủ còn bị xếp vào tầng lớp hạ đẳng burakumin, thấp nhất trong phân cấp xã hội. Ở Đế chế Ottoman, chỉ có người Digan Roma bị cả đế chế khinh ghét mới phải làm đao phủ.
Thời gian đầu mới được công nhận, đao phủ còn không phải là nghề sẵn công ăn việc làm, vì không phải ngày nào cũng có tội phạm bị phán hành quyết. Vấn đề cơm áo buộc đao phủ phải kiêm thêm một số công việc khác và không ai chịu giao cho họ công việc tử tế hay nhàn hạ. Kết cục, họ chỉ có thể làm những công việc bị kỳ thị không kém nghề chính là nhặt xác động vật, giám sát gái mại dâm, quản lý chó hoang và các loài động vật nuôi bất hợp pháp, dọn hố xí…
Về sau, lương bổng của nghề đao phủ có khấm khá hơn nhưng sự kỳ thị của xã hội thì không giảm bớt. Người ở tất cả các tầng lớp đều tránh xa đao phủ, từ chối kết hôn nên cuối cùng, đao phủ chỉ có thể hôn nhân cận huyết.
Khét danh và giàu tiền tài
Phương tiện làm việc của đao phủ là rìu, kiếm hoặc thòng lọng. Công việc của đao phủ là sử dụng phương tiện hành hình để hành hình nhưng đây không phải việc có thể thực tập để lấy tay nghề trước. Vào năm 1685, tội nhân tên James Scott ở Scotland bị hành quyết. Người thực hiện là đao phủ Jack Ketch và ông đã phải chặt đến nhát thứ 8, đầu của Scott mới rơi xuống đất.
Bất chấp bị kỳ thị, đao phủ vẫn là nghề cần và phải có. Theo thời gian, những đao phủ lành nghề còn được tuyển vào các tòa án hoàng gia. Nghề đao phủ “cha truyền con nối” nên dần dà hình thành gia tộc đao phủ khét tiếng. Tại Pháp, gia tộc Sanson có đao phủ Charles Henri Sanson hành quyết Hoàng đế Louis XVI (1754 - 1793). Gia tộc Guillaume thì có đến hơn 50 đao phủ khét tiếng khắp đất nước.
Ở Đức, đao phủ Meister Franz (1555 - 1634) sau khi kế nghiệp cha đã duy trì sự nghiệp 45 năm, thực hiện 361 vụ hành quyết và thăng tiến lên vị trí người đứng đầu thành phố Hof.
Tất cả 361 vụ hành quyết, Franz đều ghi chép lại chi tiết. Ông sử dụng nhiều phương pháp hành quyết khác nhau như nghiền nát tội phạm bằng bánh xe, dìm nước, thiêu sống…
Ở Bohemia (ngày nay là Cộng hòa Séc), đao phủ Jan Mydlář (1572 - 1664) còn đại diện cho Vương triều Habsburg. Mỗi lần thay mặt triều đình hành quyết, ông đều đeo mặt nạ trùm đầu màu đỏ được đặc chế nhằm che kín mặt mũi và khiến sự hiện diện của ông không khác gì ác quỷ sống.
Sự kiện hành quyết khét tiếng nhất của Mydlář là chém đầu 27 thủ lĩnh phản loạn tại Quảng trường Phố cổ Prague vào ngày 21/6/1621. Sau khi mất 5 giờ và thay 4 thanh kiếm, ông chém đến đầu người thứ 27 và mỗi lần hạ kiếm đều chém đứt rời một đầu.
Ngoài khét tiếng khiến người người kinh sợ, các đao phủ còn kiếm được thu nhập cực kỳ cao. Đao phủ Franz có gia tài vạn bạc để sống thoải mái trọn đời. Đao phủ Mydlář thì truyền lại cho con cháu cả tiền bạc lẫn chiếc mặt nạ trùm đầu kinh dị màu đỏ. Thập niên 1980, ban nhạc thrash metal lừng danh ở Đức, Sodom còn lấy chiếc mặt nạ này làm biểu tượng, để nó xuất hiện trong album đầu tay.
Tại Anh, đao phủ đầu tiên được ghi danh là Thomas de Warblynton bước vào hàng ngũ quý tộc, có điền trang rộng lớn và người hầu. Ông có được vị thế xã hội đáng nể này nhờ thực hiện những hình thức hành quyết vô cùng tàn bạo như xé xác, chia thành 4 mảnh…
Chưa hết, Warblynton còn được bổ nhiệm làm cảnh sát trưởng của quận và trả lương cao. Sau khi ông qua đời, điền trang và của cải của ông được truyền lại cho người thừa kế là John de Warblynton.