Vị vua mưu lược nhất Indonesia

GD&TĐ - Thế kỷ XIII, khi Mông Cổ đang xâm chiếm khắp thế giới thì Indonesia với trung tâm là đảo Java đang là nhà nước cổ theo đạo Hindu và đạo Phật.

Thời cực thịnh, Đế chế Majapahit có 98 nước chư hầu. Ảnh minh họa: Ancient-origins.net
Thời cực thịnh, Đế chế Majapahit có 98 nước chư hầu. Ảnh minh họa: Ancient-origins.net

Bằng chiến thuật thông minh, Raden Wijaya (? – 1309), phò mã Indonesia vừa mới bị đánh bại trong nội chiến không chỉ lợi dụng được lực lượng chinh phạt của quân Mông Cổ vào mục đích dẹp loạn, mà còn bất ngờ lật ngược tình thế, đuổi sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi và khiến đế chế do chính mình sáng lập trở thành đế quốc hùng mạnh nhất khu vực Đông Nam Á suốt 2 thế kỷ.

Phò mã đa mưu

Thế kỷ XIII, khi Mông Cổ đang điên cuồng xâm chiếm khắp thế giới thì Indonesia với trung tâm là đảo Java đang là nhà nước cổ theo đạo Hindu và đạo Phật, Vương quốc Singhasari. Năm 1268, vị vua cuối cùng của Singhasari, Kertanagara (? – 1292) lên ngôi. Với tham vọng bá chủ khu vực, ông đánh chiếm Bali, liên minh với Chamcha và thành công kiểm soát một số tiểu vương quốc như Melayu, Sunda, Malacca...

Năm 1289, trong lúc Vương quốc Singhasari đang bá quyền khu vực Đông Nam Á thì Hốt Tất Liệt (1215 - 1294), Đại Hãn thứ 5 của Đế quốc Mông Cổ kiêm vị vua đầu tiên của Nhà Nguyên (1271 – 1368) cho sứ thần đến Java, yêu cầu Singhasari bày tỏ sự quy phục. Trước mặt Kertanagara và triều thần Singhasari, sứ thần của Nhà Nguyên ngạo mạn đòi Kertanagara mỗi năm phải đưa một hoàng thân đến Trung Quốc để làm con tin và cống nạp nhiều sản vật cùng một mỹ nữ đẹp nhất nước.

Quốc vương Kertanagara nổi giận lôi đình. Dưới hiệu lệnh của ông, quân lính Singhasari lập tức bắt giữ sứ thần nọ, rút dao ra và cắt phăng cái mũi của y. Chưa thỏa dạ, nhà vua còn ra lệnh đóng dấu lên mặt y rồi mới gửi trả về nước. Lẽ dĩ nhiên, Hốt Tất Liệt không để yên cho sự sỉ nhục này. Năm 1290, ông phát động cuộc viễn chinh nhắm vào Indonesia. Năm 1293, quân Mông Cổ đến Java.

Trong lúc quân Mông Cổ hành quân thì nội bộ Vương quốc Singhasari xảy ra nổi loạn. Quốc vương Jayakatwang (? – 1293) của Vương quốc Kediri chư hầu đứng lên chống lại Kertanagara, giết chết ông và tự xưng là quốc vương mới.

Raden Wijaya là con rể của Quốc vương Kertanagara. Trong cuộc nổi loạn của Jayakatwang, ông sát cánh chiến đấu cùng với cha vợ và may mắn sống sót trong trận đánh cuối cùng rồi chạy trốn đến Madura. Lúc này, Madura đang dưới sự cai quản của Thống lĩnh Arya Wiraraja.

Biết một mình thì không thể chống lại Jayakatwang, Wijaya liền bằng mọi cách liên minh với Wiraraja. Ông hứa sẽ chia đôi Java cho Wiraraja nếu cả hai lật đổ được Jayakatwang. Vì vốn là cháu trai của một vị tướng dưới quyền Quốc vương Kertanagara, Wiraraja vui vẻ nhận lời, nguyện một lòng phò trợ phò mã Wijaya đến chết.

Năm 1293, đội quân viễn chinh của Mông Cổ đòi khai chiến. Với tư cách kẻ kế nhiệm Quốc vương Kertanagara từng lỡ “vuốt râu hùm”, Wijaya lập tức hạ mình đến quân doanh thỉnh tội và xin được quốc mẫu giúp đỡ. Ông thề nếu lấy lại được ngai vàng khỏi tay Jayakatwang thì sẽ tận trung với Nhà Nguyên đời đời kiếp kiếp.

Nghe bùi tai, quân Mông Cổ quyết định hỗ trợ cho Wijaya. Họ hợp lực với quân đội của Wijaya và Wiraraja, tổng tấn công Jayakatwang. Sau trận chiến, 5.000 quân Kediri bị giết và Jayakatwang chỉ còn cách đầu hàng.

Ngay khi chiến sự tàn, Wijaya lấy lý do cần gấp rút chuẩn bị lễ lạt tiến cống để thu binh. Quân Mông Cổ không nghi ngờ gì, tưng bừng mở tiệc ăn mừng. Đúng lúc họ đã cơm no rượu say cởi giáp đi ngủ, Wijaya đột ngột xuất hiện trở lại với binh sĩ đầy đủ vũ khí và thẳng tay tàn sát.

Vì trở tay không kịp nên khoảng 3.000 quân Mông Cổ bị giết, số còn lại chạy trốn về thuyền và nhanh chóng rút khỏi Java. Cuộc viễn chinh nhắm vào Indonesia thất bại triệt để. Vị tướng chỉ huy đoàn viễn chinh phải đối mặt với cơn thịnh nộ của Hốt Tất Liệt, bị phạt 70 roi và tước toàn bộ gia tài.

Quốc vương túc trí

vi-vua-muu-luoc-nhat-indonesia-1.jpg
Raden Wijaya, phò mã Indonesia dùng mưu lừa quân Mông Cổ. Ảnh minh họa: Badassoftheweek.com

Với đất nước không còn bóng dáng kẻ nổi loạn hay quân xâm lược nào, Wijaya đường hoàng lên ngôi. Mấy hôm trước, khi đang thăm nom bờ cõi sau chiến thắng, ông bắt gặp một loại quả lạ có tên là maja có vị đắng.

Trong tiếng Indonesia, từ đắng được phiên âm là pahit. Vì hứng thú với loại quả này và truyền thống lấy tên thực vật đặt cho vùng đất của người Indonesia, nhà vua mới quyết định kết hợp làm tên cho vương quốc của mình, Đế chế Majapahit.

Trong lễ đăng quang, Wijaya lấy vương hiệu Kertarajasa Jayawardhana, được gọi là Hoàng đế Kertarajasa. Ông cưới nốt 3 người con gái còn lại của tiên vương Kertanegara làm vợ, phong người vợ đầu tiên – Tribhuwaneswari làm hoàng hậu. Việc làm này là cách tập trung quyền lực, tuy vấp phải khá nhiều phản đối nhưng cuối cùng vẫn được chấp nhận.

Kể từ thời của Quốc vương Kertanegara, Java đã là hòn đảo giàu có. Nhờ hoạt động buôn bán gia vị lãi cao với Quần đảo Maluku, nền kinh tế của nó phát triển mạnh mẽ. Hoàng đế Kertarajasa tiếp tục thúc đẩy mảng thương mại này cộng với đánh thuế hàng hóa, khiến Majapahit càng lúc càng phồn vinh. Mặc dù phải đối mặt với khá nhiều thách thức, đặc biệt là sự phản bội từ một số thân tín quan trọng nhất nhưng ông luôn bằng sự khôn ngoan và lòng khoan dung mà vượt qua tất cả.

Lịch sử Indonesia công nhận Hoàng đế Kertarajasa là nhà cai trị kiên định và có năng lực nhất. Trừ lần lật lọng với Nhà Nguyên, ông nổi tiếng là “quân vô hí ngôn”. Với Thống lĩnh Wiraraja, ông không chỉ ban địa vị đặc biệt mà còn trao cho vùng Madura, khu vực tự trị xung quanh Lumajang và Bán đảo Blambangan.

Ngoài kinh tế, Hoàng đế Kertarajasa còn quan tâm phát triển quân sự. Ông chính là người thành lập đội thất cận vệ với 7 tinh anh bảo vệ nhà vua là Ra Kuti, Ra Semi, Ra Tanca, Ra Wedeng, Ra Yuyu, Ra Banyak và Ra Pangsa.

Sau khi băng hà, Hoàng đế Kertarajasa được an táng tại Đền Simping. Các con, cháu của ông nối tiếp vương quyền và liên tục giúp Majapahit ngày càng giàu mạnh hơn nữa. Suốt 200 năm trước khi bị sụp đổ do sự soán ngôi của tôn giáo, Majapahit duy trì vị thế đế quốc mạnh nhất khu vực Đông Nam Á.

Thời cực thịnh, nó có tới 98 nước chư hầu, bờ cõi trải dài từ Sumatra đến New Guinea, bao gồm các vùng lãnh thổ ở Indonesia, Singapore, Malaysia, Brunei miền Nam Thái Lan, Timor Leste và Tây Nam Philippines ngày nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ