Phú Yên: Thúc đẩy bình đẳng giới trong nhà trường và cộng đồng

GD&ĐT - Bộ GD&ĐT phối hợp với Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) tổ chức khóa tập huấn thúc đẩy bình đẳng giới trong các hoạt động truyền thông tại nhà trường và cộng đồng

Trẻ em gái cần có một môi trường giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới
Trẻ em gái cần có một môi trường giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới

32 học viên tham dự lớp tập huấn là cán bộ Sở GD-ĐT, phòng GD&ĐT các huyện, giáo viên và học sinh các trường THCS trên toàn tỉnh Phú Yên. Hoạt động này nhằm thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ, vì một xã hội công bằng hơn.

Lớp tập huấn là một hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động thuộc Kế hoạch hành động vì bình đẳng giới của ngành Giáo dục giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch do Bộ GD&ĐT cùng UNESCO xây dựng. Nội dung chính đề cập đến việc tạo ra các cơ hội để nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục có chất lượng cho phụ nữ và trẻ em gái, nhất là những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn và dễ bị tổn thương.

Với tư tưởng lệch lạc trọng nam khinh nữ, nhiều người có định kiến về giới mà không biết. Vì thế, để thay đổi và xóa bỏ định kiến giới là vấn đề không đơn giản. Bà Trần Thị Phương Nhung, Giám đốc chương trình về giới của UNESCO tại Việt Nam, nói:

“Hiện nay, ngay cả các giáo viên nữ cũng nghĩ phụ nữ chỉ làm việc nhỏ, việc gia đình, đàn ông mới lo việc lớn. Chính phụ nữ tạo ra định kiến giới mà không biết. Chúng tôi đưa các hình ảnh, tư liệu bất hợp lý về định kiến giới trong các lớp tập huấn, nhiều học viên đã ồ lên ngạc nhiên bởi lâu nay, người ta vẫn thấy các hình ảnh này bình thường nhưng khi đặt ra so sánh mới thấy sự bất bình đẳng giới”.

Tại buổi tập huấn, học viên được cung cấp kiến thức tập trung vào các nội dung: Nâng cao năng lực quản lý của cán bộ giáo dục, giáo viên trong việc xây dựng tài liệu dạy và học mới để có thể lồng ghép bình đẳng giới vào chương trình giáo dục, sách giáo khoa và thực tiễn giảng dạy. Các sáng kiến còn hướng tới các nỗ lực phối hợp giữa phụ huynh và cộng đồng nhằm hỗ trợ nhà trường thúc đẩy môi trường thuận lợi để học sinh áp dụng tốt hơn những kiến thức được học tại trường vào gia đình và cộng đồng.

Em Phan Võ Diễm Trang, học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Tuy Hòa), chia sẻ: “Tại lớp tập huấn, em được trang bị các kiến thức về bình đẳng giới, bao gồm các khái niệm cơ bản tạo nên bình đẳng giới như cân bằng giới, công bằng giới, khoảng cách giới, định kiến giới… Qua đó, em có nhận thức rõ hơn là nữ giới đang phải chịu nhiều thiệt thòi so với nam giới, ngay cả trong việc tiếp cận chương trình giáo dục”.

Ông Đoàn Đông Đô, giáo viên Trường THCS Trần Phú, thành viên Trung tâm Học tập cộng đồng huyện Sông Hinh, chia sẻ: “Chúng tôi được trang bị nhiều phương pháp truyền thông trực tiếp hiệu quả như: in sách mỏng có minh họa tranh ảnh với nội dung dễ hiểu, tổ chức các hình thức sân khấu hóa, sinh hoạt câu lạc bộ, góc truyền thông thân thiện… Những phương pháp truyền thông này có thể áp dụng ngay trong các chương trình giảng dạy của nhà trường và cộng đồng”.

 Kế hoạch vì bình đẳng giới trong giáo dục xoay quanh nội dung trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ vì một xã hội bình đẳng hơn. Chúng tôi tin rằng, bằng cách giải quyết bất bình đẳng giới trong ngành Giáo dục, tăng cường truyền thông hành động vì trẻ em gái và phụ nữ sẽ góp phần giải quyết bất bình đẳng giới trong xã hội.
Ông Phạm Xuân Luận

Việc cung cấp kiến thức truyền thông nhằm lồng ghép bình đẳng giới vào thực tiễn giảng dạy là chưa đủ. Bộ GD-ĐT còn quyết tâm cải cách nội dung chống bất bình đẳng giới trong sách giáo khoa.

Ông Phạm Xuân Luận, Chuyên viên chính Bộ GD-ĐT, chuyên gia lĩnh vực truyền thông bình đẳng giới trong các trung tâm học tập cộng đồng, cho biết: “Thực tế hiện nay trong sách giáo khoa còn nhiều nội dung như: các hình ảnh chiến sĩ công an, nhà khoa học, bác sĩ… là nam giới. Còn hình ảnh người đi chợ, nấu cơm, bế ru con, sinh hoạt nội trợ… là nữ giới. Các hình ảnh trẻ em đá bóng là hình ảnh trẻ em nam.

Trong khi hình ảnh bé gái thì làm các việc: quét nhà, thổi cơm, bế em… Bộ GD&ĐT đã thành lập ban chuyên theo dõi về giới trong xây dựng chương trình và sách giáo khoa. Ban này đang làm công tác tham mưu để loại bỏ các nội dung định kiến giới trong sách giáo khoa.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tuyên truyền về nội dung này, đồng thời nhanh chóng cải cách chương trình giáo dục”.

Truyền thông là giải pháp hiệu quả góp phần xóa bỏ định kiến giới, tạo ra sự tiến bộ của trẻ em gái và phụ nữ.

Theo Bộ GD&ĐT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ