Theo báo cáo thống kê của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), sau 1 năm thực hiện đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ số giới tính khi sinh của VN thay đổi không đáng kể: từ 112,8 trẻ trai/100 trẻ gái (năm 2015) còn 112,2/100 (theo điều tra biến động dân số 2016).
Chọn giới tính thai nhi -Tạo mất cân bằng giới
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một số địa phương vẫn giữ phong tục tập quán, tâm lý xã hội truyền thống, tư tưởng nho giáo phải có con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, do tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của con trai, trụ cột về lao động đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân.
Ảnh hưởng từ việc giảm sinh và tác động của các yếu tố kinh tế, phúc lợi xã hội. Áp lực giảm sinh với khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 đến 2 con cũng là nguyên nhân gián tiếp tác động đến thực trạng này. Ðể sinh ít con mà vẫn đảm bảo có con trai như mong muốn, các cặp vợ chồng không thể áp dụng "quy luật dừng", mà sinh đến khi nào có con trai mới thôi, nên họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh nhằm đáp ứng được cả hai mục tiêu nói trên
Sự phát triển của các dịch vụ y tế hiện đại, các điều kiện chẩn đoán giới tính trước sinh và phá thai chọn lọc giới tính thai nhi ngay từ trước lúc mang thai như chế độ ăn uống; ngày phóng noãn, trong thụ thai chọn thời điểm phóng noãn; chọn phương pháp thụ tinh; siêu âm bắt mạch; chọc hút dịch ối, nạo phá thai...
Mất cân bằng giới tính khi sinh - hậu quả khôn lường
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn tới "thừa nam giới, thiếu nữ giới" trong độ tuổi kết hôn, sẽ dẫn đến tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới dư thừa nam giới trong xã hội nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với viễn cảnh dư thừa từ 2,4 đến 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ.
Mất cân bằng giới tính khi sinh dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng.
Số lượng nam giới không có khả năng kết hôn tăng. Nhiều đàn ông Việt Nam sẽ có nguy cơ không tìm được vợ.
Làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới. Nhiều phụ nữ có thể phải kết hôn sớm. Tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao.
Mới đây Bộ Y Tế tiếp tục đưa ra các đề xuất nhằm giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, trong đó có việc ưu tiên cho những gia đình sinh con gái.
Bộ Y tế có đề xuất hỗ trợ bằng tiền mặt và những ưu đãi khác cho các bé gái trong việc đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo nghề, việc làm, cơ hội lập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình, ưu tiên nhập học, miễn giảm các khoản phí, chỗ ở KTX, dạy nghề, giải quyết việc làm, vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh và các phúc lợi xã hội khác…
Nhiều địa phương có các hoạt động khuyến khích, hỗ trợ gia đình sinh 2 con là gái như: Tổ chức các Hội nghị biểu dương, tôn vinh, chia sẻ kinh nghiệm phụ nữ sinh con một bề là gái, các con thành đạt, làm kinh tế giỏi, con cái chăm ngoan, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà….