Phú Quang và những tình khúc nổi tiếng về Hà Nội

GD&TĐ - Nhạc sĩ Phú Quang ra đi để lại gia tài hơn 600 bài hát, trong đó, nhiều tình khúc dành cho Hà Nội.

Nhạc của Phú Quang đã trở thành “đặc sản” của người yêu Hà Nội.
Nhạc của Phú Quang đã trở thành “đặc sản” của người yêu Hà Nội.

Nhạc sĩ từng chia sẻ ông chỉ viết nhạc khi trái tim thực sự rung động. Biết bao ca sĩ tên tuổi cũng gắn liền với nhạc Phú Quang, có những người nổi tiếng cũng nhờ cất lên “tiếng lòng” của ông.

Phú Quang và duyên nợ Hà Nội

Có lẽ không chỉ trong giới âm nhạc chuyên nghiệp, mà cả những người yêu nhạc, nhắc đến Phú Quang, người ta nghĩ đến duyên nợ với Hà Nội. Mà dường như, nhạc của ông trở thành “đặc sản” của người yêu Hà Nội.

Hà Nội trong nhạc Phú Quang trước hết là đẹp nhưng vì xuất phát từ nỗi nhớ nên thường buồn, da diết, lúc lại lãng mạn nên thơ. Đó dường như là ký ức của chàng thanh niên về những mối tình đã qua nhưng khó phai mờ. Có những ca khúc, dù chẳng ngân lên câu gọi “Hà Nội ơi…” thì người nghe cũng hiểu, ông đang nhớ về nơi này.

Nhiều năm tháng, nhạc sĩ Phú Quang vào TP Hồ Chí Minh sinh sống. Nửa năm đầu khi chuyển vào đất Sài thành, ông bỗng nhớ Hà Nội da diết.

Trong buổi trà chiều cuối năm 1986, Phan Vũ đọc cho ông nghe bài “Em ơi, Hà Nội phố”, trường ca dài 443 câu thơ, chia làm 24 khổ. Nghe xong, Phú Quang xúc động, nói với nhà thơ chắc chắn có một bài hát hay.

Nhạc sĩ chọn 21 câu thơ trong sáng tác của Phan Vũ, kết hợp cảm xúc của mình làm nên “Em ơi, Hà Nội phố”. Nhạc sĩ nói: “Vẫn biết một bài ca có đáng là bao để trả món nợ ra đi, nhưng khi được viết ra, tôi đã giải thoát dù chỉ phần nào. Dẫu chỉ là ít ỏi, tôi cũng đã xây dựng được chút gì cho kỷ niệm về Hà Nội, nơi chứng kiến bao buồn vui suốt nửa cuộc đời tôi”.

Hà Nội trong Phú Quang cũng gắn với ký ức của những đổ vỡ, đau thương. Bài “Em ơi Hà Nội phố” cũng là sự đồng cảm về một Hà Nội hoang tàn trong chiến tranh. Đặc biệt, con phố Khâm Thiên - nơi nhạc sĩ sống thời thơ ấu, chịu ảnh hưởng nặng nề của trận bom Mỹ mùa đông năm 1972: “Mùa đông năm ấy/Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ/Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân”.

Hà Nội trong nỗi nhớ của Phú Quang còn tạo nên một tuyệt phẩm “Đâu phải bởi mùa thu”. Nỗi nhớ mùa đông khiến khán giả yêu nhạc đặt cho ông biệt danh “ông hoàng nhạc tình mùa đông”.

Cái cảm giác ở Sài Gòn không có cơn gió đầu đông lạnh khiến người ta thèm một hương vị mang tên quê nhà để cho: “Làm sao về được mùa đông? Chiều thu - cây cầu... đã gãy”, để rồi “vờ như mùa đông đang về”.

Trong số nỗi nhớ ấy, ca khúc “Về lại phố xưa” cũng là sự đồng cảm của Phú Quang với những người Việt xa quê. Phần lời thể hiện nỗi lòng của nhạc sĩ mỗi lần trở về Hà Nội với ca từ: “Rồi cũng về lại phố xưa, về trong mùa thu bồi hồi làn mưa lối vắng. Rồi cũng về lại phố quen, về trong tình em dịu dàng, dịu dàng... Về đây bên nhau cùng bao buồn vui, sau những tháng năm ở chốn quê người...”.

Để rồi, “Hà Nội ngày trở về” đã thể hiện nỗi nhớ Hà Nội se sắt của nhạc sĩ Phú Quang. “Hà Nội ngày trở về” khiến ông nghĩ về những năm tháng đã qua, những kỷ niệm in hằn trong trí nhớ.

Có lẽ nỗi nhớ Hà Nội quá lớn để ông chia sẻ cảm xúc của mình vào từng ca từ “Vội vã trở về, vội vã ra đi”, hay “Chẳng thể nào qua hết từng con phố” khiến người nghe hiểu thêm về nỗi mong nhớ, tình yêu đẹp cất giấu trong tim với mảnh đất Hà thành.

Trường cảm xúc về Hà Nội trong nhạc Phú Quang là nỗi nhớ nhung, hoài niệm về miền ký ức đẹp đẽ, êm đềm. Bài hát “Hà Nội ngày trở về” được ông viết trong “ngày nỗi nhớ đã trở thành se sắt”. Kẻ xa quê thèm Hà Nội như thèm hơi ấm người thân, nỗi nhớ như sóng sông Hồng cuộn trong lòng.

Và đến khi đặt chân về Hà Nội, không còn nhìn thấy bóng dáng mẹ bởi bà đã qua đời, ca khúc “Mẹ” đã ra đời từ đó. Nhạc sĩ dựa theo ý thơ của Hồng Thanh Quang: “Mẹ là người đầu tiên/Người đàn bà mãi mãi/Không bao giờ phản bội”.

Ông nói: “Trong sự trống vắng tận cùng, tôi càng hiểu được tình cảm không gì thay thế của mẹ trong cuộc đời mình”. Nhiều lần trình diễn bài hát trên sân khấu, ông nghẹn ngào, bật khóc.

Nhạc sĩ Phú Quang và nhà giáo, nhạc sĩ, TS Lê Thống Nhất.

Nhạc sĩ Phú Quang và nhà giáo, nhạc sĩ, TS Lê Thống Nhất.

“Ngày mai ta bỏ đi, trần gian xin trả lại”

Nhạc sĩ Phú Quang cũng từng làm liveshow “Về lại phố xưa”. Đây là món quà kỷ niệm 60 năm ngày sinh của ông, cũng để đánh dấu thời gian ông trở về Hà Nội sống sau 20 năm lưu lạc, tha hương.

“Liveshow mang tên “Về lại phố xưa” cũng là tâm trạng, tình cảm của tôi khi về lại mảnh đất quê hương đã khắc ghi bao kỷ niệm trong tâm hồn tôi và vì thế, in đậm dấu ấn trong mỗi sáng tác. Tôi từng nhớ quay nhớ quắt Hà Nội đến ước ao, mai này, khi không còn lang thang được nữa, tôi sẽ về với Hà Nội, sống trong một ngõ vắng yên bình nào đó đến cuối đời.

“Về lại phố xưa” là sự tổng kết của một chặng đường đã qua, một điểm mốc cho tôi nhìn lại, ngẫm ngợi điều sắp làm, để đi tiếp trên con đường đã chọn” – nhạc sĩ từng chia sẻ khi làm liveshow.

Những tưởng cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa trải đầy hoa hồng nhưng những năm tháng tuổi già, ông lại phải chống chọi với căn bệnh ung thư. “Ngọn nến” được sáng tác sau khi nhạc sĩ biết tin về bệnh tình năm 2000.

Ông từng kể: “Khi nhận được tin bị ung thư tôi đã buồn nhiều. Mỗi ngày, tôi uống hết một chai rượu và nhìn ngọn nến cháy rồi nghĩ đến mình. Và tôi viết bài “Ngọn nến”: Khi từng giọt nến lặng lẽ rớt vào đêm xa/Em có thấy thời gian đang qua đi vội vã/Khi từng giọt nến lặng lẽ rớt vào đêm sâu/Ta chợt nghe mùa thu trắng trên đầu. Tôi đã tính buông xuôi nhưng phép màu đã xảy ra. Tôi được một người thầy hướng dẫn luyện tập và các khối u dần biến mất. Bởi thế, tôi mới nghiệm ra, cái chính là cần lòng tin. Khi có lòng tin, bạn sẽ vượt qua được nhiều chuyện tưởng như không thể.

Suốt thời gian dài điều trị và chống chọi với bệnh tật, cũng vào buổi đầu đông gió lạnh, nhạc sĩ Phú Quang đã chia tay: “Ngày mai ta bỏ đi/Trần gian xin trả lại”. Quy luật của đời người không tránh khỏi nhưng có lẽ, những bản tình ca của ông sẽ còn mãi trong lòng người yêu nhạc, yêu Hà Nội.

Thể hiện thành công những ca khúc của ông là nhiều ca sĩ nổi tiếng. Đặc biệt phải kể tới ca sĩ Tấn Minh, Minh Chuyên, Minh Thu, Mỹ Linh, Lê Anh Dũng, Thanh Lam, Thu Phương, Đức Tuấn, Bằng Kiều, Ngọc Anh.

Khi nghe tin người nhạc sĩ tài hoa mất, ca sĩ Tấn Minh chia sẻ: “Nhạc sĩ ra đi là sự tổn thất lớn với nền âm nhạc Việt Nam. Nhưng tôi tin những tác phẩm bất hủ của ông sẽ sống mãi trong lòng khán giả. Mỗi người trong chúng ta, chắc hẳn ai cũng đều yêu thích một nhạc phẩm của Phú Quang. Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Khúc mùa thu, Một dại khờ, một tôi hay Lãng đãng chiều đông Hà Nội... đều là những ca khúc có giá trị nghệ thuật, gắn với đời sống. Suốt 15 năm, tôi hạnh phúc khi luôn được sát cánh cùng chú trong hầu hết chương trình và chia sẻ về nghệ thuật. Xin vĩnh biệt chú!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công nhân khai thác dưới hầm lò. Ảnh minh họa

Sập hầm lò, 3 công nhân tử vong

GD&TĐ - Vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty than Quang Hanh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) khiến 3 công nhân tử vong, 1 người bị thương.