Cụ thể, dự thảo luật quy định: Tín hiệu xanh giao thông là báo hiệu được đi, trừ trường hợp hướng đi tới đang bị ùn tắc, nếu tiến vào nút giao sẽ không thoát ra khỏi trước khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang báo hiệu cho hướng khác tiến vào nút giao. Nếu cố tình vượt có thể bị xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Quy định này dù mới là dự kiến nhưng một số ý kiến cho rằng sẽ “làm khó” cho cảnh sát giao thông. Bởi dự thảo chỉ nêu hướng đi tới đang bị ùn tắc, không cụ thể mức độ tắc như thế nào thì không được di chuyển tới, khoảng cách tắc phía trước là bao nhiêu? Bên cạnh đó, nếu dự thảo quy định các phương tiện thấy phía trước có tắc đường thì dù đèn xanh cũng không được di chuyển sẽ mâu thuẫn với các Nghị định của Chính phủ.
Cụ thể, Nghị định năm 2016 của Chính phủ quy định, phương tiện tham gia giao thông không chấp hành đèn tín hiệu giao thông có thể bị phạt từ 300.000 - 400.000 đồng đối với xe máy, 1 - 1,2 triệu đồng đối với ô tô. Nghị định này dựa trên Luật Giao thông đường bộ 2008, trong đó quy định đèn xanh được đi, tức các phương tiện buộc phải di chuyển, không được dừng lại.
Như vậy, có thể thấy quy định đèn đỏ dừng lại, đèn xanh được đi trong luật có thể sẽ bị “lấn”, thậm chí không còn hiệu lực bởi quy định “phụ” - khi tắc đường thì đèn xanh cũng không được đi. Một vấn đề nữa đó là theo quy định hiện hành, khi có cả hai yếu tố là đèn tín hiệu điều khiển giao thông và cảnh sát giao thông thì người điều khiển phương tiện chấp hành theo hiệu lệnh của cảnh sát giao thông.
Vậy thì quy định phương tiện tham gia giao thông không được “vượt đèn xanh” khi tắc đường liệu có khả thi? Nên chăng chỉ nên quy định như Luật Giao thông đường bộ 2008: Tín hiệu xanh được đi. Tín hiệu đỏ cấm đi. Tín hiệu vàng phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.
Còn nhớ cách đây 5 năm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đã từng phát biểu: Các vụ việc kẹt xe kéo dài ở thành phố chỉ là ùn ứ vì xe vẫn có thể nhúc nhích được. Khi đó, đã có nhiều “lý lẽ” được đưa ra để giải thích cho ý kiến này. Vậy liệu tiếp tục có tranh cãi rằng thế nào là tắc đường hay không?.