Lạng Sơn nỗ lực để mỗi ngôi trường trở thành nơi ươm mầm ước mơ, tri thức và nhân cách

GD&TĐ - Báo GD&TĐ có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn về tình hình, định hướng phát triển giáo dục của tỉnh.

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn.
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn.

- Từ ngày 1/7/2025, mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức được vận hành. Xin ông cho biết, ngành giáo dục Lạng Sơn đã có sự bắt nhịp như thế nào trước những thay đổi này?

Ông Hoàng Quốc Tuấn: Việc triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, không còn cấp trung gian là huyện trong quản lý hành chính, là một bước chuyển quan trọng trong cải cách bộ máy nhà nước. Ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn xác định đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để tái cơ cấu hệ thống tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.

Ngay từ khi có chủ trương thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, Sở GD&ĐT đã chủ động nghiên cứu các văn bản hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, đồng thời tổ chức nhiều hội nghị, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, hiệu trưởng nhà trường nhằm kịp thời phổ biến chủ trương, thống nhất cách hiểu và định hướng thực hiện.

Chúng tôi cũng đã phối hợp chặt chẽ với các phòng GD&ĐT trong thời gian chuyển giao vừa rồi để rà soát, bàn giao công việc, đặc biệt là các nội dung về tổ chức nhân sự, tài chính, cơ sở vật chất và dữ liệu ngành, bảo đảm không có khoảng trống trong điều hành, vận hành hệ thống sau ngày 1/7/2025. Đến nay, sau 02 tuần vận hành, về cơ bản lĩnh vực giáo dục và đào tạo diễn ra ổn định, hiệu quả.

pv-gd-ls-1.jpg
Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn trao đổi với nhà báo Ngô Sỹ Nha, Phó trưởng Văn phòng đại diện Việt Bắc, Báo Giáo dục và Thời đại.

- Sở GD&ĐT Lạng Sơn đã và đang triển khai những giải pháp gì để bảo đảm duy trì vận hành liên tục, hiệu quả hệ thống trường học, đặc biệt là từ cấp Mầm non đến THCS?

Ông Hoàng Quốc Tuấn: Sau khi không còn cấp huyện, Sở GD&ĐT Lạng Sơn coi việc duy trì sự ổn định và hiệu quả của hệ thống trường học từ Mầm non đến THCS là ưu tiên hàng đầu. Sở đã chủ động xây dựng các phương án phân công, phân cấp quản lý rõ ràng, nhất quán giữa các cấp chính quyền và nhà trường trên cơ sở Luật tổ chức chính quyền địa phương, Nghị định 142 và Thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Một trong những giải pháp then chốt là kiện toàn tổ chức bộ máy, đảm bảo cán bộ quản lý có đủ năng lực, có cơ chế vận hành phù hợp với đặc thù vùng miền, đặc biệt là tại các xã biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Để khắc phục những hạn chế đó, Sở đang tích cực đẩy mạnh xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chung, sử dụng công nghệ để giám sát, hỗ trợ, đánh giá từ xa hiệu quả hoạt động của từng cơ sở giáo dục.

Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý trường học, bảo đảm họ không chỉ làm tốt chuyên môn mà còn hiểu rõ quy trình quản lý hành chính trong bối cảnh mới.

- Cơ chế phối hợp giữa Sở - UBND cấp xã - nhà trường sẽ được định hình như thế nào để bảo đảm thống nhất trong quản lý hành chính và chuyên môn?

Ông Hoàng Quốc Tuấn: Cơ chế phối hợp giữa Sở - UBND cấp xã - nhà trường sẽ được xây dựng theo nguyên tắc: phân cấp rõ ràng, phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm rành mạch và thống nhất mục tiêu. Trong đó, Sở GD&ĐT sẽ giữ vai trò chủ trì về định hướng chuyên môn, ban hành kế hoạch năm học, kiểm tra, giám sát, đánh giá. UBND cấp xã sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý hành chính cơ sở giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, nhân sự hợp đồng, an ninh trường học và phối hợp với các tổ chức đoàn thể địa phương. Nhà trường giữ vai trò trung tâm trong tổ chức hoạt động giáo dục, là cầu nối trực tiếp giữa ngành và chính quyền cơ sở.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ lên kế hoạch ký kết các quy chế phối hợp giữa Sở GD&ĐT và các địa phương cụ thể, định kỳ sơ kết, đánh giá để điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với thực tiễn từng địa phương.

pv-gd-ls-3.jpg
Ngành giáo dục Lạng Sơn tập trung đầu tư chăm lo cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng khó.

- Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có đông học sinh dân tộc thiểu số và nhiều xã vùng sâu, vùng biên. Trong bối cảnh chuyển đổi cơ chế quản lý, cần làm gì để tiếp tục đảm bảo quyền học tập của học sinh, công bằng giáo dục tại các địa bàn khó khăn?

Ông Hoàng Quốc Tuấn: Đảm bảo quyền học tập của học sinh ở vùng khó, nhất là học sinh dân tộc thiểu số, là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt của ngành Giáo dục Lạng Sơn trong thời gian qua, việc này không phụ thuộc vào sự thay đổi mô hình chính quyền.

Trong điều kiện mới, chúng tôi đã xây dựng lộ trình duy trì các chính sách ưu tiên cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn, như: hỗ trợ học bổng, duy trì mô hình bán trú, nâng cấp hệ thống trường nội trú, đẩy mạnh hoạt động tăng cường tiếng Việt đầu cấp, và đặc biệt là giữ vững đội ngũ giáo viên “cắm bản”.

Hiện nay, chúng tôi đang kiến nghị tỉnh tiếp tục duy trì đầu tư ngân sách theo định hướng ưu tiên vùng khó, đảm bảo mọi học sinh - dù ở thôn bản xa nhất - vẫn được hưởng một nền giáo dục chất lượng, công bằng.

- Ngành giáo dục Lạng Sơn có những chính sách gì để duy trì, phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và hỗ trợ giáo viên “cắm bản” sau khi không còn quản lý cấp huyện?

Ông Hoàng Quốc Tuấn: Việc sắp xếp lại hệ thống quản lý không làm thay đổi định hướng ưu tiên cho hệ thống trường dân tộc nội trú, bán trú - đây vẫn là trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục vùng cao, vùng biên giới của tỉnh.

Sở GD&ĐT đã trình UBND tỉnh dự thảo kế hoạch duy trì và phát triển các trường dân tộc nội trú, bán trú, trong đó bao gồm: Bố trí ngân sách riêng hỗ trợ điều kiện ăn ở, sinh hoạt cho học sinh dân tộc thiểu số; Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp bếp ăn, nhà ở bán trú; Có chính sách đặc thù đối với giáo viên “cắm bản”, như hỗ trợ đi lại, nhà công vụ, nâng phụ cấp ưu đãi.

Chúng tôi cũng chủ trương bố trí cán bộ quản lý có kinh nghiệm, tâm huyết, gắn bó lâu dài với địa phương để điều hành các trường ở địa bàn khó khăn.

- Là người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh nhà, ông muốn gửi gắm điều gì tới đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn chuyển mình này?

Ông Hoàng Quốc Tuấn: Đây là thời điểm ngành giáo dục tỉnh Lạng Sơn bước vào một chặng đường phát triển mới, với nhiều đổi thay về phương thức tổ chức, quản lý. Tôi mong muốn đội ngũ cán bộ, giáo viên toàn ngành giữ vững bản lĩnh - chuyên môn - đạo đức nghề nghiệp, đoàn kết, đồng lòng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Với các em học sinh, hãy luôn giữ tinh thần ham học, khát vọng vươn lên, dù xuất phát điểm ở bất cứ nơi đâu trên mảnh đất biên cương này.

Ngành giáo dục Lạng Sơn cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để không học sinh nào bị bỏ lại phía sau, và để mỗi ngôi trường trở thành nơi ươm mầm ước mơ, tri thức và nhân cách.

Sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, tỉnh Lạng Sơn có 65 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 61 xã và 4 phường. Toàn tỉnh hiện có 648 cơ sở giáo dục, với tổng số 211.142 học sinh và 20.555 cán bộ giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vì sao EU lập liên minh chống Hoa Kỳ?

Vì sao EU lập liên minh chống Hoa Kỳ?

GD&TĐ - Châu Âu thành lập ‘Liên minh những người sẵn sàng chống lại Hoa Kỳ’, nhằm tập hợp sức mạnh của các nước bị ảnh hưởng bởi thuế quan của Hoa Kỳ.