Quảng Ninh xây dựng xã hội học tập và thúc đẩy học tập suốt đời

Phong trào khuyến học, khuyến tài của dòng họ Vũ Tam

GD&TĐ - Dòng họ Vũ Tam ở làng Yên Đông, phường Yên Hải (Quảng Yên, Quảng Ninh) là dòng họ có truyền thống hiếu học nối tiếp nhiều đời.

Cán bộ Hội Khuyến học tỉnh (hàng đầu, bên phải) thăm dòng họ Vũ Tam.
Cán bộ Hội Khuyến học tỉnh (hàng đầu, bên phải) thăm dòng họ Vũ Tam.

Dòng họ khoa bảng

Đảo Hà Nam là vùng đất nằm phía nam thị xã Quảng Yên, tách khỏi đất liền bởi dòng sông Chanh, một nhánh của sông Bạch Đằng. Xưa kia nơi đây ngập nước hoang vu, chỉ có vài đượng đất cao nổi lên.

Năm 1434, vua Lê Thái Tông lên ngôi, niên hiệu Thiệu Bình, chủ trương chú trọng phát triển nông nghiệp, cho nhân dân đi khai hoang mở rộng diện tích đất canh tác. Khi đó, ở phường Kim Liên, phủ Hoài Đức phía nam thành Thăng Long, cụ Vũ Tam Tỉnh cùng 16 cụ khác tập hợp nhau lại sắm thuyền xuôi theo dòng sông Hồng đến cửa sông Bạch Đằng. Họ phát hiện ra khu vực này có những điều kiện tốt có thể sinh sống lâu dài, nên cùng nhau quai đê lấn biển, lập quê hương mới.

Để tưởng nhớ công lao to lớn của các cụ, con cháu đời sau suy tôn các cụ là các bậc Tiên công và lập nhà thờ thờ phụng. Cụ Vũ Tam Tỉnh được vua triều Nguyễn phong sắc là: “Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần Quốc Tử Giám, giám sinh Vũ Tam Tỉnh khai canh tiên công”.

Từ đường họ Vũ Tam được công nhận giá trị và xếp hạng cấp Quốc gia theo Quyết định số 51 QĐ/BVHTT, ngày 27/12/2001.

Trải qua hàng trăm năm, con cháu trong dòng họ luôn nhận thức được tầm quan trọng của sự học. Đồng thời, giáo dục con em tiếp nối và phát huy truyền thống hiếu học cũng như phẩm hạnh mà đời trước để lại.

Theo thống kê của dòng họ, riêng thời nhà Lê - Nguyễn, dòng họ Vũ Tam có hơn 27 cụ học vị Quốc Tử Giám, 20 cụ Hiệu sinh, 16 cụ Sinh đồ. Giai đoạn từ 1945 đến nay, dòng họ có hàng trăm người đỗ đại học, nhiều người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư. Trong đó, không ít người giữ chức vụ cao trong hệ thống chính quyền.

Ông Vũ Nguyên Cậy, thành viên dòng họ Vũ Tam chia sẻ: “Nếu nói về điểm nổi bật nhất của dòng họ có lẽ đó là sự đoàn kết, yêu thương nhau. Đặc biệt là luôn rèn luyện, bồi dưỡng và phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ. Nhiều năm qua chúng tôi đã xây dựng và duy trì quỹ khuyến học để khuyến học, khuyến tài”.

Làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài

Ông Vũ Mạnh Toàn, trưởng ban khuyến học, khuyến tài của dòng họ cho biết, nhận thức điều đó hội đồng gia tộc họ Vũ Tam đã sớm có tổ chức khuyến học ngay từ những năm 1998 ở 2 chi tộc. Đến năm 2007 dòng họ đã hình thành tổ chức khuyến học của dòng họ.

Sau khi hội khuyến học phường thành lập, họ Vũ Tam đã bầu ban khuyến học dòng họ thuộc sự quản lý của hội khuyến học phường và hội bảo trợ quỹ là những người có vị thế, có thứ bậc cao trong dòng họ, có tâm huyết với công tác khuyến học, khuyến tài, khuyến danh, khuyến công và có điều kiện về tài chính.

Ban khuyến học gồm 8 thành viên. Trong đó có trưởng ban, thư ký, thủ quỹ và 5 thành viên đại diện ở 5 chi tộc. Ban xây dựng quy chế hoạt động, các quy định khen thưởng khuyến học, khuyến tài, khuyến công, khuyến danh và mức khen thưởng cho các trường hợp.

phong-trao-khuyen-hoc-dong-ho-vu-tam-anh-5.jpg
Dòng họ Vũ Tam khen tuyên dương các con, cháu có thành tích cao trong học tập.

Hàng năm sau kết thúc năm học các chi tổng hợp con cháu trong dòng họ có thành tích gửi ban trình hội đồng bảo trợ quỹ và hội đồng gia tộc duyệt khen thưởng. Hàng năm khen thưởng khuyến học thường được trao trước giờ khai mạc tế tổ đầu Xuân của dòng họ.

Quỹ Khuyến học, khuyến tài của dòng họ Vũ Tam được xây dựng trên cơ sở tự nguyện của các thành viên trong dòng họ. Vào dịp tế tổ đầu Xuân, mỗi thành viên trong dòng họ đều tự nguyện tham gia ủng hộ quỹ từ 50.000 đến 100.000 đồng, có người ủng hộ hàng triệu đồng.

Trong đó, có các thành viên trong dòng họ đã thành danh, từ các nhà doanh nhân của dòng họ, và chính từ những thành viên những năm tháng trước đây đã được nhận giải thưởng khuyến học, khuyến tài, khuyến danh, khuyến công nay đã thành đạt trở về tài trợ thêm cho quỹ.

“Hàng năm hội đồng gia tộc còn bổ sung từ 5 đến 10 % từ quỹ công đức đầu Xuân để xây dựng từ đường, kiến thiết dòng họ cho quỹ khuyến học. Quỹ được hoạt động độc lập theo nguyên tắc tài chính hiện hành. Hàng năm có báo cáo kết quả thu chi kịp thời, đúng quy chế, không gây thất thoát”, ông Toàn nói.

Từ nguồn quỹ trong 5 năm qua dòng họ Vũ Tam đã khen thưởng 2 cháu có bằng Tiến sĩ, 8 thạc sĩ, 45 đại học, 24 học sinh giỏi cấp tỉnh, 31 học sinh giỏi cấp thị xã… Với tổng số tiền hơn 82 triệu đồng.

Nhờ có phong trào xây dựng dòng họ hiếu học trước đây và dòng họ học tập ngày nay, phong trào khuyến học của dòng họ phát triển toàn diện và bền vững. Con em trong dòng họ Vũ Tam đều đi học đúng độ tuổi, không bỏ học giữa chừng, đạt phổ cập giáo dục, không có học sinh mắc các tệ nạn xã hội.

Dòng họ không còn hộ nghèo, hầu hết các gia đình đạt gia đình văn hóa. Các thành viên trong dòng họ đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống, phát triển kinh tế.

“Nhờ sự quan tâm, khích lệ của gia đình và dòng họ, tôi đã cố gắng học tập và tốt nghiệp thạc sĩ của Trường Đại học Công Đoàn. Hiện tôi đang làm ở phường Cao Thắng. Sau này khi có điều kiện hơn, tôi sẽ giúp đỡ những cá nhân, con em trong dòng họ để phong trào khuyến học, khuyến tài đi vào chiều sâu và phát triển”, chị Vũ Thị Trang nói.

Theo ông Vũ Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hải, những năm gần đây, phong trào khuyến học, khuyến tài của dòng họ Vũ Tam rất tốt. Nhiều gia đình trong dòng họ đã duy trì các loại quỹ khuyến học trong dòng họ để thúc đẩy phong trào khuyến học khuyến tài đi lên.

Nhiều con cháu trong dòng họ học tập đạt kết quả cao, nhiều người học thạc sĩ, tiến sĩ và đã đi làm trong những cơ quan nhà nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ