(GD&TĐ) Thời tiết đang chuyển từ cuối xuân sang đầu hè, không khí ẩm ướt, thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho bệnh dịch phát triển. Đặc điểm thời tiết này rất bất lợi đối với trẻ lứa tuổi Mầm non, Tiểu học bởi sức đề kháng kém, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, khả năng tự chăm sóc bản thân của các em còn hạn chế. Vì thế các bậc phụ huynh và giáo viên cần quan tâm theo dõi mọi biểu hiện về trạng thái sức khỏe của trẻ để có những xử lý kịp thời khi trẻ mắc bệnh.
Thời tiết giao mùa, lượng trẻ nhập viện tăng (Ảnh minh họa) |
1. Đau họng.
Bệnh do vi khuẩn, các triệu trứng thường xảy ra bất ngờ như sưng họng, ớn lạnh, sốt, đau đầu, buồn nôn và thậm chí thỉnh thoảng bị nôn. Họng tấy đỏ và amiđan sưng, đôi khi có hạch.
Cần đưa trẻ đến bác sỹ để kiểm tra họng, chuẩn đoán loại bệnh. Bác sỹ sẽ cho uống kháng sinh trong 10 ngày. Trẻ có thể đi học sau 1 ngày uống thuốc.
2. Cảm/cúm
Cảm do vi rút gây ra và lây lan qua không khí hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Cúm là bệnh về đường hô hấp do vi rút. Bệnh lây lan qua nước bọt, nước mũi/đờm của người mang bệnh. Người bị cảm thường bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, đau đầu, ho, sưng họng hoặc mệt mỏi. Bệnh cúm thường có triệu chứng sốt, đau các cơ, ho khan, chảy nước mũi, nghẹt mũi, đau đầu và mệt mỏi.
Không có thuốc nào chữa 2 loại bệnh trên nhưng hãy cho trẻ nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Nên cho trẻ nghỉ học vài ngày. Hiện đã có vắc xin phòng cúm nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi đưa trẻ đi tiêm.
3. Bệnh ban đỏ
Hầu hết trẻ mắc bệnh này ở tuổi mẫu giáo, nhưng cũng có những trẻ gặp phải khi học tiểu học. Biểu hiện rõ ràng nhất là trên má trẻ bất ngờ xuất hiện những vệt đỏ như kiểu bị ai tát. Vệt ban đỏ này xuất hiện rồi biến mất trong hàng tuần.
Bệnh do lây nhiễm vi rút vì thế không thể làm gì khác ngoài việc điều trị những triệu chứng. Con bạn có thể truyền bệnh khi mẩn đỏ chưa xuất hiện còn khi đã có biểu hiện thì không lây sang người khác nữa.
4. Tiêu chảy cấp
Tuyệt đại đa số tiêu chảy cấp là do thức ăn bị nhiễm bẩn. Tác nhân gây tiêu chảy có thể là vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn (lỵ, thương hàn, tả...) hoặc virus, nấm, kí sinh trùng đường ruột. Tiêu chảy cấp có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng 80% xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.
Tác nhân gây tiêu chảy thường gây bệnh bằng đường phân -miệng: phân người bị tiêu chảy làm nhiễm bẩn thức ăn, nước uống này hoặc tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây. Dù tiêu chảy do bất cứ nguyên nhân nào cũng không bao giờ được dùng thuốc chỉ làm bệnh đỡ một cách giả tạo, chậm thải hồi tác nhân gây bệnh, rất nguy hiểm đến tính mạng.
Hãy cho trẻ uống nhiều nước như oresol, nước quả. Nếu trẻ bị tiêu chảy nhiều, hãy sớm đưa trẻ đến các trung tâm y tế để được xử lí bệnh sớm và đúng cách.
5. Viêm não Nhật Bản
Đây là một bệnh nhiễm trùng thần kinh gây dịch về mùa hè do một loại Arbovirut nhóm B gây nên. Bệnh lan tràn từ súc vật sang người qua vật trung gian là muỗi. Tỉ lệ tử vong cao ở bệnh viêm não Nhật Bản khá cao; nếu có chữa khỏi thì cũng để lại di chứng thần kinh nặng nề. Khi bị bệnh, trẻ sốt cao, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức rồi đi vào hôn mê nhanh chóng. Một số trường hợp có biểu hiện liệt thần kinh. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện trên, cần nhanh chóng đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị nhằm hạn chế tỉ lệ tử vong và di chứng sau này.
Có thể phòng bệnh bằng cách: giữ môi trường trong sạch, nhà ở thoáng mát, nằm màn khi ngủ; phun thuốc diệt muỗi và côn trùng; tiêm phòng vacxin viêm não cho trẻ.
6. Sốt xuất huyết Dengue
Là bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi Dengue với đặc điểm lâm sàng là xuất huyết và truỵ tim mạch. Bệnh lây lan do muỗi đốt, vì thế thường gặp ở những nơi đông dân cư, vệ sinh môi trường kém. Tỉ lệ mắc bệnh bắt đầu tăng vào khoảng tháng 2-3, lên cao vào khoảng tháng thứ 6-10. Đối tượng dễ mắc bệnh là trẻ em trong lứa tuổi 2-9 tuổi. Khi bị sốt xuất huyết trẻ thường sốt cao, đau mỏi người, đau đầu, sau đó các triệu chứng xuất huyết dần xuất hiện. Xuất huyết có thể tự nhiên dưới dạng chấm, nốt, bầm tím hoặc chảy máu cam, chân răng, ... Nếu không được điều trị đúng và đầy đủ rất dễ truỵ mạch và tử vong.
Để phòng bệnh, không gì tốt hơn là phun thuốc diệt muỗi, phát quang bụi rậm, ngủ nằm màn...
7. Sốt không có nguyên nhân
Rất nhiều trẻ đang chơi bình thường tự nhiên lên cơn sốt, cha mẹ cần chú ý tới việc bù nước và hạ sốt cho trẻ. Nếu không bù nước tốt, trẻ sẽ bị mất nước điện giải, cộng với thân nhiệt cao sẽ dẫn tới các biến hứng như co giật, hôn mê... đe doạ đến tính mạng của trẻ.
Khi trẻ bị sốt nên để trẻ nơi thoáng mát, mặc quần áo mỏng, chườm mát, tắm nước ấm và nếu trẻ bị co giật để nằm nghiêng nơi thoáng và làm sạch miệng rồi gọi cấp cứu.
8. Đặc biệt thận trọng với bệnh viêm màng não
Viêm màng não do vi rút là loại rất phổ biến và đôi khi không có biểu hiện rõ rệt (người mắc bệnh không biết mình có bệnh). Viêm màng não do vi khuẩn ít phổ biến hơn nhưng lại đe doạ tính mạng và đòi hỏi phải có phác đồ điều trị ngay.
Phụ thuộc vào loại khuẩn, viêm màng não do vi khuẩn gây tử vong cho 10 - 20% trường hợp mắc bệnh và có thể gây thương tổn vĩnh viễn cho não như điếc hay rối loạn thị giác...
Nhiễm trùng máu là một biến chứng nguy hiểm của viêm màng não do vi khuẩn xâm nhập vào máu và nhanh chóng sinh sôi. Nhiễm trùng máu là biến chứng nguy hiểm nhất của viêm màng não.
Hiện chưa có bất kỳ văn bản chuẩn nào về chứng bệnh này. Giai đoạn cửa sổ thường từ 2 ngày đến 3 tuần, phụ thuộc vào loại viêm màng não.
Triệu chứng có thể biểu hiện rõ rệt hoặc không có biểu hiện gì. Thường thì nó giống với cúm, gồm chảy nước mũi, sốt cao hay hâm hấp, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn vọt, sợ ánh sáng và cứng cổ.
Không phải biểu hiện nào ở trên cũng đúng. Có những trẻ chỉ có biểu hiện duy nhất là ngủ lơ mơ trong khi trẻ khác lại có thể trở nên ngớ ngẩn trong chốc lát; có những trẻ bỏ ăn hay bú kém và cáu kỉnh cả ngày.
Có các đốm vàng xám ở trên da, thóp phồng lên và lưng uốn cong có thể là những dấu hiệu cho thấy trẻ mắc bệnh. Một đứa trẻ thường sẽ trấn tĩnh lại khi được mẹ ôm vào lòng, vỗ về nhưng với những trẻ bị viêm màng não thì sự đung đưa càng làm trẻ khó chịu, khóc nhiều hơn - và đây cũng là một biểu hiện của viêm màng não.
9. Say nắng
Đây hiện tượng do nhiệt độ và tia cực tím (tia tử ngoại) của mặt trời gây ra. Tia tử ngoại có khả năng xuyên qua lớp sừng của da tới hạ bì gây cháy da (bỏng độ I) và say nắng. Nó còn có tác hại trực tiếp lên gien, kéo theo các đột biến có đặc tính di truyền; làm gia tăng sự lão hóa, tạo điều kiện cho ung thư xuất hiện. Nhiệt độ cao làm giãn mạch não gây ra tăng áp lực sọ và làm nhức đầu, có thể kèm theo nôn mửa hay hôn mê, co giật do ức chế vỏ não - làm tăng các hoạt động thần kinh tự động dưới vỏ.
Phòng say nắng cho trẻ bằng cách không cho trẻ chơi ngoài nắng gắt; cho trẻ uống nhiều nước và dùng một số thức ăn có thể hỗ trợ giúp cơ thể chống lại các ảnh hưởng của ánh nắng và chống sự oxy hóa như: các thức ăn giàu caroten (dưa hấu, dưa vàng, rau ngò, cải bó xôi...), vitamin E (dầu đậu nành, hạt điều, hạt dẻ...), vitamin C (trà xanh, trái cây tươi, rau cải xanh...)
10. Rôm sảy
Đây là hệ quả của việc tăng cường hoạt động của các tuyến mồ hôi và tuyến nhầy trong cơ chế tăng thải nhiệt nhưng các lỗ chân lông bị bít tắc bởi các chất bẩn, làm viêm các nang tuyến chân lông khiến chúng lồi lên mặt da thành các bọc nước nhỏ, đỏ và ngứa ngáy.
Việc xử trí rôm sảy chỉ đơn giản là tắm rửa sạch sẽ bằng xà phòng hay chanh để chi thông các ống thoát đổ ra ngoài của các tuyến trên bề mặt da. Khi nặng hơn và cần thiết thì có thể bôi các loại kem chống viêm chứa corticoide như eumovate, dermovate, temprosone... Ngoài rôm sảy, mùa hè nóng ẩm là điều kiện tốt cho các loại nấm phát triển (hắc lào, lang ben, nấm kẽ, nấm tóc...), viêm nang lông và kể cả các kí sinh trùng trên da (ghẻ lở, chấy rận...) hay kích hoạt các quá trình viêm da do dị ứng (chàm eczema...) các bậc cha mẹ cần hết sức chú ý phòng tránh các bệnh ngoài da nói trên cho trẻ.
11. Viêm màng kết/ đau mắt đỏ
Hay còn gọi là bệnh đau mắt đỏ, lây lan nhanh do mắt tiếp xúc với tay bẩn, quần áo và khăn mặt. Biểu hiện thường thấy là mắt đỏ và cộm, đôi khi chảy nước vàng và có rỉ mắt vào ban đêm.
Cách chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu do vi khuẩn, bác sỹ sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh. Nếu bệnh do vi rút thì bệnh sẽ tự khỏi.
12. Bệnh thủy đậu
Là loại bệnh thường gặp nhất và dễ nhận biết nhất ở trẻ nhỏ. Trẻ rất dễ mắc bệnh này. Khi dịch lỏng có chứa vi rút thủy đậu do người bệnh ho phát tán trong không khí thì chỉ cần bạn ho 1 tiếng có thể hít phải hàng chục con vi rút này. Triệu chứng bệnh chỉ xuất hiện sau 10 đến 21 ngày từ khi nhiễm vi rút. Những vết phồng đỏ mọng nước nổi lên trên da. Chúng gây ngứa và sau đó đóng vảy.
Hầu hết các trường hợp mắc bệnh chỉ được điều trị các triệu chứng. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ để có chỉ định tiêm vắc xin phòng thủy đậu.
Minh Trung (TH)