Phòng tránh bệnh tiêu chảy từ… nhà vệ sinh

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bệnh tiêu chảy thường gặp ở những nơi có điều kiện vệ sinh kém, nguồn nước, thức ăn bị ô nhiễm... 

Giữ nhà vệ sinh trường học sạch sẽ để bảo đảm sức khoẻ cho trẻ. Ảnh minh họa.
Giữ nhà vệ sinh trường học sạch sẽ để bảo đảm sức khoẻ cho trẻ. Ảnh minh họa.

Đặc biệt cần lưu ý tới nhà vệ sinh tại các trường học để tránh những bệnh về đường tiêu hoá cho trẻ.

Hệ lụy khó lường

Theo các bác sĩ chuyên khoa, tiêu chảy là bệnh lý về đường tiêu hóa thường gặp là tình trạng số lần đi đại tiện tăng lên bất thường, phân loãng hoặc như nước. Đôi khi có kèm theo niêm dịch, máu, có thể kèm theo sốt cao, bị đầy bụng, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn, kèm theo triệu chứng đổ mồ hôi lạnh, lừ đừ, mệt mỏi.

Người bệnh khi bị tiêu chảy nặng thường dẫn đến mất nước với các biểu hiện như môi khô, mắt trũng, khát nước. Nếu không được bổ sung kịp thời sẽ kéo theo các hệ lụy như dung lượng máu giảm thấp khiến cơ thể choáng váng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh tiêu chảy có thể lây lan nhanh và gây thành dịch lớn, nhất là ở những khu vực dân cư đông người, sử dụng chung nguồn nước ăn uống, sinh hoạt. Bệnh hay bùng phát vào mùa hè, khi thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh phát triển.

Bệnh lây theo đường tiêu hóa qua thức ăn, nước uống bị nhiễm khuẩn. Tiêu chảy có liên quan chặt chẽ với điều kiện môi trường, nước, an toàn thực phẩm và thói quen vệ sinh của người dân.

Tiêu chảy kéo dài có thể dẫn đến mất nước và chất điện giải trong cơ thể. Những thiếu hụt khoáng chất này có thể gây ra các biến chứng và bệnh có thể đe dọa tính mạng. Ví dụ, nồng độ kali thấp có thể dẫn đến lú lẫn, yếu cơ, mệt mỏi và thậm chí có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu trong cơ thể. Thiếu natri trong cơ thể cũng có thể dẫn đến suy nhược, buồn ngủ, lú lẫn và co giật.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng, Bệnh viện Nhi Trung ương chia sẻ, bệnh tiêu chảy sẽ ảnh hưởng đến chức năng não bộ. Đối tượng bị tác động tiêu cực này nhiều nhất là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Vì thế, có lời khuyên phụ nữ mang thai nên chăm sóc và luôn duy trì sức khỏe đường ruột mọi lúc. Bởi tiêu chảy cấp và mạn tính có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi trong bụng mẹ.

Tiêu chảy còn gây ra suy dinh dưỡng. Đây là một ảnh hưởng phổ biến của tiêu chảy. Tình trạng tiêu chảy gây ức chế ruột non cản trở việc hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Nó cũng làm tăng sự nhạy cảm của cơ thể đối với một số bệnh nhiễm trùng và các bệnh này lại làm tăng nặng hoặc có thể dẫn đến tiêu chảy. Các triệu chứng của suy dinh dưỡng bao gồm yếu, mệt mỏi, chóng mặt, sâu răng, khô da, đầu óc lú lẫn, khó tiếp thu...

Cũng theo bác sĩ Hằng, bệnh tiêu chảy còn gây suy yếu các cơ quan nội tạng khác. Các trường hợp tiêu chảy nặng có thể dẫn đến các tình trạng ảnh hưởng lớn đến các cơ quan và hoạt động của cơ thể. Nó có thể dẫn đến suy thận. Từ đó làm giảm lượng nước tiểu trong cơ thể. Tiêu chảy cũng có thể gây sốc và nồng độ axit cao trong máu. Những tình trạng này có thể dẫn đến hôn mê nếu không được chú ý và điều trị đúng cách.

“Khi tiêu chảy nghiêm trọng và kéo dài, cơ thể có thể gặp các triệu chứng như đau bụng, bị chuột rút, đau dạ dày, đau và kích thích hậu môn. Ngoài ra, nó còn gây cảm giác yếu đuối, mệt mỏi và thiếu năng lượng, nôn và buồn nôn hoặc sốt,…”, bác sĩ Hằng nhấn mạnh.

Lưu ý nhà vệ sinh trong trường học

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng nhận định, phần lớn thời gian của trẻ là ở trường với mọi sinh hoạt ăn uống, vui chơi, học tập và tất nhiên cả đi tiểu. Môi trường nhà vệ sinh không an toàn, không sạch sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển. Vì vậy, trẻ phải sử dụng nhà vệ sinh bẩn có nguy cơ cao mắc các bệnh đường tiêu hóa như kiết lỵ, nhiễm khuẩn đường ruột, đau quặn bụng. Trong đó, tiêu chảy là bệnh nguy hiểm lây qua đường tiêu hóa mà trẻ dễ mắc phải nhất.

Bác sĩ Nguyễn Minh Hằng cho biết, học sinh là đối tượng rất dễ mắc bệnh tiêu chảy. Một trong những nguyên nhân gây nên là do dùng nhà vệ sinh chưa đúng cách, không đảm bảo, hoặc nhịn tiểu lâu ngày tại trường học.

Cô Trần Kim Hòa, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Gia Lai) chia sẻ, ở một số nơi còn thiếu nhà vệ sinh cho trẻ. Vấn đề nhà vệ sinh bẩn đang tồn tại trong nhiều trường học, đặc biệt là ở nông thôn, miền núi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh, trong đó có tiêu chảy.

Mầm bệnh lây lan khi học sinh sử dụng nhà vệ sinh thiếu nước, thiếu xà phòng. Nhiều học sinh không được hướng dẫn vệ sinh đúng cách như đi vệ sinh không rửa tay rồi đưa lên miệng hoặc cầm nắm thức ăn ngay sau đó.

Học sinh cũng dễ bị mắc kiết lỵ qua tiếp xúc bồn cầu, chậu rửa tay bị nhiễm khuẩn, rác thải, nước đọng bẩn trong nhà vệ sinh, rồi vô tình đưa tay lên miệng, khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Các triệu chứng gồm nôn và tiêu chảy nghiêm trọng, mất nước, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Bên cạnh đó, theo bác sĩ Hằng, trẻ sợ bẩn, sợ mùi hôi cũng có thể nín nhịn tiêu tiểu trong thời gian dài ở trường. Đây là nguyên nhân dẫn đến các bệnh như táo bón, bí tiểu, trướng bàng quang hoặc nhiễm trùng bàng quang.

Cô giáo Trần Kim Hoà đưa lời khuyên, cha mẹ và giáo viên nên kết hợp để cùng có các biện pháp chăm sóc trẻ. Theo đó, cần thường xuyên vệ sinh thân thể cho bé và cách giữ vệ sinh cá nhân.

Đối với trẻ nhỏ, không ngậm tay, không mút tay, cắn móng tay hay đưa đồ chơi vào miệng. Cần rửa tay cho bé với xà phòng diệt khuẩn và nước sạch. Các thời điểm bé cần phải được rửa tay là trước khi ăn hay được cho ăn, sau khi bé đi vệ sinh.

Ngoài ra, các mẹ cũng không nên cho trẻ chơi ở những vũng nước, vòi nước, hồ nước công cộng. Đó là những nơi chứa nhiều vật ký sinh, vi khuẩn, vi trùng gây hại.

Ngoài ra, cần lưu ý vệ sinh môi trường xung quanh trẻ. Nhiễm bẩn sàn nhà, sân chơi, đồ chơi, lớp học hoặc vật dụng xung quanh đã vô tình đưa những tác nhân gây bệnh vào cơ thể trẻ. Vì vậy, người lớn cần hết sức lưu ý, cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, sàn nhà, đồ chơi và các vật dụng thường xuyên tiếp xúc với trẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ