Tiêu chảy là đại tiện ra phân lỏng, thậm chí tóe nước từ 3 lần trở lên trong 1 ngày, thậm chí 10 - 20 lần, có thể kèm theo đau quặn bụng, sôi bụng, sốt, nôn.
Người bệnh dễ bị mất nước, từ đó dễ bị tụt huyết áp (chân tay lạnh, da tái, đái ít, li bì hoặc vật vã). Cần phát hiện những dấu hiệu mất nước: khát, vã mồ hôi, lưỡi khô, mắt trũng, da nhăn nheo...
Nguyên nhân chủ yếu là do một số loại vi khuẩn (coli, salmonella, shigella, campylobacter, phẩy khuẩn tả...) có trong nước, thực phẩm và môi trường.
Bệnh tiêu chảy, nhất là tả rất dễ lây lan thành dịch nếu không phòng và xử lý cẩn thận.
Khi bị tiêu chảy, việc đầu tiên cần lưu ý là phải cho người bệnh uống đủ nước (nước cháo, nước gạo rang, nước điện giải oresol). Khi có dấu hiệu mất nước, tụt huyết áp phải đến ngay bệnh viện khám và điều trị.
Để phòng bệnh tiêu chảy phải ăn chín, uống sôi, ăn uống đầy đủ, giữ gìn vệ sinh ăn uống, quản lý phân, rác, chống ruồi nhặng, rửa sạch tay trước khi ăn. Đối với phụ nữ cho con bú phải giữ gìn vệ sinh đầu vú.
Y học cổ truyền gọi tiêu chảy là tiết tả và thường chia thành bạo tiết (tiêu chảy cấp tính) và cửu tiết (tiêu chảy mạn tính):
Bạo tiết thường do ngoại tà và ăn uống gây nên. Bạo tiết hàn thấp: đau bụng, tiêu chảy. Có thể dùng bài thuốc: hương phụ 20g, búp ổi sao vàng 20g, trần bì 12g, củ sả 12g, sinh khương 8g sắc uống.
Bạo tiết do thấp nhiệt: đau bụng đi tiêu lỏng ngay, phân khắm, hậu môn nóng. Có thể dùng bài: hoàng bá 12g, ngũ bội tử 4g, ngũ vị tử 5g, phèn phi 2g.
Bạo tiết do ăn uống không cẩn thận: có thể dùng gừng tươi sắc uống hoặc hương phụ 10g, trần bì 6g, can khương 4g, khổ sâm 16g. Sắc uống.
Cửu tiết thường do tỳ dương hư, thận dương không phấn chấn, can mộc thừa tỳ. Cửu tiết do tỳ dương hư, đi ngoài xối ra khi dùng thức ăn hoặc đồ uống lạnh, không hợp.
Có thể dùng bài: đẳng sâm 12g, can khương 12g, bạch truật 12g, cam thảo 12g. Sắc uống ấm hoặc một củ gừng sống nhai và chiêu dần với nước nóng.
Cửu tiết tiêu chảy do thận dương suy hư không ôn được tỳ
Tiêu chảy lúc rạng đông (canh năm, còn gọi là "ngũ canh tiết tả") đau quanh rốn, sôi bụng rồi tiêu chảy, đại tiện xong do phủ khí thông nên đau giảm. Dụng dưới lạnh, chân tay, người lạnh, lưỡi nhợt. Đây là bệnh của người già, do thận dương hư chứ không phải tiêu chảy do nhiễm khuẩn.
Có thể dùng bài: phá cố chỉ 16g, ngũ vị tử 8g, nhục đậu khấu 8g, ngô thù du 4g, sinh khương 20g, đại táo 3 quả. Sắc uống ấm.
Phá cố chỉ để bổ mệnh môn, ích thổ. Nhục đậu khấu để ôn tỳ thận, sáp trường chỉ tả. Ngô thù du để ôn tỳ tán hàn trừ thấp. Ngũ vị tử để ôn sáp. Sinh khương để tán hàn hành thủy. Táo để dưỡng tỳ vị.
Nếu khí hư hạ, tiêu chảy không cầm thêm: nhân sâm, hoàng kỳ, bạch truật, thăng ma, để ích khí.
Cửu tiết do can mộc thừa tỳ, khi cảm xúc mạnh dễ đi tiêu chảy
Triệu chứng: Thường thấy sườn dày, căng, ợ hơi, ăn kém, khi cảm xúc mạnh thì gây đau bụng đại tiện lỏng, rêu lưỡi mỏng, mạch huyền.
Có thể dùng bài: Bạch truật 12g, bạch thược 8g, phòng phong 8g, trần bì 10g.
Phòng phong để tán can sơ tỳ. Bạch thược để dưỡng huyết tả can. Bạch truật để táo thấp kiện tỳ. Trần bì để lý khí tỉnh tỳ.
Một số phương thuốc chữa tiêu chảy khác
Hành trắng giã nát sao nóng chườm ở rốn, lại dùng 21 tép hành giã nát xào với rượu cho uống để hồi dương, chữa thổ tả thoát dương nguy cấp, chân tay giá lạnh bất tỉnh.
Hạt sen già bóc vỏ tím sao vàng tán nhỏ, dùng 10g nấu với gạo cũ cho uống lúc đói bụng, chữa tỳ hư tiêu chảy lâu năm.
Ích trí nhân 30g sắc đặc cho uống chữa bỗng nhiên bụng trướng, đau bụng, tiêu chảy ngày đêm không cầm do khí thoát.